Kinh tế Quốc tế 07/05/2025 12:27

Vì sao Ấn Độ tấn công vào Pakistan, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cuộc tấn công của Ấn Độ vào các "trại khủng bố" ở Pakistan làm leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ gần cửa khẩu với Pakistan. (Ảnh: Hindustan Times). 

Diễn biến mới nhất 

Vào ngày 7/5, Ấn Độ cho biết lực lượng vũ trang của nước này đã tấn công 9 địa điểm ở Pakistan và ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Ấn Độ khẳng định họ chỉ nhắm đến “các trại khủng bố đã biết” và không làm tổn thương bất kỳ mục tiêu dân sự, kinh tế hay quân đội nào của Pakistan.

Phía Pakistan phản bác tuyên bố trên, cho biết ít nhất 8 người đã thiệt mạng và 35 người khác bị thương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Khawaja Muhammad Asif chia sẻ với Bloomberg rằng quân đội Pakistan đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ.

Ông Asif nói: “Hành động của chúng tôi không mang tính thù địch - chúng tôi chỉ đang bảo vệ lãnh thổ của mình. Chúng tôi đã nói suốt hai tuần qua rằng Pakistan sẽ không bao giờ khởi xướng bất kỳ hành động thù địch nào đối với Ấn Độ. Nhưng nếu Ấn Độ tấn công, chúng tôi sẽ đáp trả. Nếu Ấn Độ lùi bước, chúng tôi chắc chắn sẽ ngừng lại”.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ gọi chiến dịch quân sự mới nhất là "Chiến dịch Sindoor" với mục tiêu đáp trả cuộc tấn công khủng bố nhắm vào khách du lịch tại vùng Kashmir do New Delhi kiểm soát vào ngày 22/4. Vụ xả súng khiến ít nhất 25 người Ấn Độ và một người Nepal thiệt mạng.

Pakistan khẳng định nước này không liên quan tới vụ việc trên. Ấn Độ không công khai quy trách nhiệm cho bất kỳ nhóm quân sự nào nhưng cho biết các động thái trả đũa của họ là nhằm phản ứng với việc Pakistan “hỗ trợ cho hoạt động khủng bố xuyên biên giới”.

Điểm nóng Kashmir

Kashmir đã trở thành điểm nóng trong quan hệ Ấn Độ và Pakistan kể từ khi cả hai giành được độc lập từ Anh vào năm 1947. Hai nước đều tuyên bố chủ quyền hoàn toàn với Kashmir, nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát được một phần.

Kashimir hiện đang bị chia cắt bởi Đường Kiểm soát (Line of Control) dài 740 km và là một trong những khu vực bị quân sự hóa nhất thế giới.

Trong hàng thập kỷ, một số nhóm chiến binh địa phương đã chiến đấu chống lại lực lượng an ninh Ấn Độ, với mục tiêu giành quyền độc lập cho Kashmir hoặc biến khu vực này trở thành một phần của Pakistan. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Tuy nhiên, các nhóm chiến binh hiếm khi tấn công vào du khách, tờ CNN cho hay.

Vào năm 2019, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thu hồi quyền tự chủ theo hiến pháp của Kashmir, đưa khu vực này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của New Delhi. Động thái đó khiến cẳng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan một lần nữa bùng lên.

Ấn Độ và Pakistan sẽ gây chiến hay giảng hòa?

Bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, thành viên Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định các động thái của Ấn Độ và Pakistan cho thấy cả hai bên đều không muốn leo thang căng thẳng.

Bà cho biết: “Xung đột có thể diễn biến theo hướng vượt quá tầm kiểm soát của các bên. Các chính trị gia của Ấn Độ và Pakistan đều chú ý đến nguy cơ này.

Khi nhìn vào các cuộc xung đột liên tục trong ba thập kỷ qua kể từ khi hai nước bắt đầu sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 1998, chúng ta có thể thấy cả hai bên đều có sự kiềm chế”.

Lần cuối cùng Ấn Độ và Pakistan tiến gần tới một cuộc chiến tranh toàn diện là vào năm 2019, sau khi một kẻ đánh bom tự sát giết chết 40 thành viên của lực lượng an ninh Ấn Độ.

Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan và hai tuần sau tiến hành cuộc không kích đầu tiên trên đất Pakistan kể từ năm 1971. Pakistan trả đũa bằng cách bắn hạ một máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ phi công, nhưng sau đó đã trả tự do cho người này. Không lâu sau, căng thẳng giữa hai nước hạ nhiệt.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 08/05/2025 02:15
Chủ tịch Powell: Fed sẽ không hạ lãi suất 'phòng ngừa'

Các phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo mới đây có thể khiến một số nhà đầu tư thất vọng nếu họ kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất.

Kinh tế Quốc tế 08/05/2025 01:12
Fed giữ nguyên lãi suất như dự đoán, cảnh báo rủi ro đình lạm gia tăng

Quyết định lãi suất của Fed không gây nhiều bất ngờ cho thị trường, nhưng những lưu ý mà ngân hàng trung ương Mỹ đưa ra trong tuyên bố chính sách mới đáng ngại.

Kinh tế Quốc tế 07/05/2025 22:39
Bài học từ sự cố mất điện đầu tiên của kỷ nguyên xanh

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang vận hành lưới điện với sự kết hợp phát điện phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết - chiếm hơn 75% sản lượng.

Kinh tế Quốc tế 07/05/2025 22:10
Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ giảm tốc trên toàn cầu

Đã có 5 ngân hàng trung ương - giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất - tổ chức họp chính sách trong tháng Tư.