Mới đây, ngoài tổng doanh thu, Grab đã lần đầu công bố về doanh thu riêng lẻ của những thị trường quan trọng mà họ đang hoạt động, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên của Grab: năm 2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng 19%, đạt 2,79 tỷ USD; lỗ sau thuế là 158 triệu USD, giảm đáng kể so với mức lỗ 485 triệu USD của năm 2023.
Năm 2024, Grab thu được 228 triệu USD (tương đương 5.700 tỷ đồng) tại thị trường Việt Nam, năm 2023 là 185 triệu USD và năm 2022 là 108 triệu USD. Theo đó, họ tăng trưởng 70% trong năm 2023 và 23% trong năm 2024.
Sự tăng trưởng này, ngoài do nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, còn nhờ sự rút lui của các tay chơi lớn như GoJek ở mảng gọi xe và Baemin ở mảng gọi thức ăn. Bên cạnh đó, có thể thấy, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất của Grab trong vài năm gần đây; song điều đó không đồng nghĩa với việc nó là nơi mang nhiều tiền về cho công ty mẹ.
Nếu tính theo dân số trong năm 2024, Indonesia đang là nước đông dân nhất khu vực với 283,5 triệu người; Philippines đứng thứ 2 với 115,8 triệu người; Việt Nam đứng thứ 3 khi có gần 101 triệu người; Thái Lan là 71,7 triệu người và Malaysia có 54,5 triệu người; Singapore tầm 5,8 triệu người.
Doanh thu từ thị trường Việt Nam của Grab chưa tương xứng với quy mô dân số. (Ảnh chụp màn hình)
Tuy nhiên, Malaysia mới là thị trường mang lại doanh thu lớn nhất cho Grab với 816 triệu USD trong năm 2024, tiếp theo là Indonesia – 643 triệu USD, Singapore – 578 triệu USD, Phillipines – 265 triệu USD, Thái Lan – 252 triệu USD, Việt Nam 228 triệu USD.
Có thể nói, Malaysia – Singapore – Phillipines chính 3 thị trường mà Grab có nhiều ưu thế nhất. Bởi Malaysia chính là quê hương của Grab còn Singapore là nơi họ đặt đại bản doanh. Họ cũng gặp ít sự cạnh tranh ở thị trường Phillipines. Minh chứng: theo Momentum Works, ở mảng gọi thức ăn cuối năm 2023, Grab chiếm 61% thị phần ở Philippines, 65% tại Malaysia và 63% trong Singapore.
3 thị trường khó khăn nhất của Grab là Indonesia – với sự kèn cựa quyết liệt của ‘kỳ lân’ bản địa Gojek, Thái Lan – đang là cửa ngõ vào Đông Nam Á của rất nhiều DN trong ngành trên khắp thế giới, Việt Nam – với sự nổi lên của các tay chơi bản địa như Xanh SM và Be Group.
Và nếu soi kỹ hơn, Việt Nam nhiều khả năng là thị trường khó nhất với Grab, thể hiện qua doanh thu chỉ đứng thứ 5 sau cả Thái Lan, trong khi dân số chúng ta hơn Thái Lan những 30 triệu người.
Đặc biệt, Grab vẫn đang lỗ triền miên ở thị trường Việt Nam, với lũy kế khoảng 4.300 tỷ đồng cuối 2019. Còn theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Trần Anh Minh trong ĐHĐCĐ Vinasun 2025: “Grab vẫn lỗ lũy kế ở thị trường Việt nam khoảng 3.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2025”.
GrabCar gặp rất nhiều bất lợi ở khu vực tỉnh lẻ và nông thôn tại thị trường Việt Nam
Một trong những thông tin gây chấn động thị trường kinh tế chia sẻ trong năm 2024, là việc Xanh SM vượt lên Grab để chiếm vị trí đầu bảng trong thống kê về thị phần gọi xe taxi ở Việt Nam.
Dịch vụ gọi taxi của Xanh SM đã có bước tiến vượt bậc cuối 2024. (Ảnh:Mordor Intelligence)
Theo số liệu từ Mordor Intelligence, tính đến quý IV/2024, Xanh SM đã leo lên ngôi vương khi chiếm 37,41% thị phần taxi công nghệ, đẩy Grab xuống vị trí thứ hai với 36,62%, Be Group có 5,5% và 20,5% thuộc về các công ty còn lại (Vinasun/Mai Linh…). Đây là lần đầu tiên Grab bị soán ngôi kể từ khi họ hất cẳng Uber vào 2018.
Bây giờ ra đường ở các thành phố lớn, chúng ta có thể thấy tỷ lệ tài xế xe công nghệ màu xanh lá cây (Grab) và màu xanh da trời (Xanh SM) gần như tương đương nhau; nhưng nếu về tỉnh lẻ hoặc vùng sâu vùng xa, thì xe chạy dịch vụ Grab – đặc biệt là GrabCar không thể nhiều bằng Xanh SM.
Ví dụ: ở TP Huế, Grab vẫn chưa có dịch vụ GrabCar mà là GrabTaxi, liên kết với các hãng taxi có mặt trên địa bàn thành phố.
Với GrabTaxi, thì sự chủ động vẫn nằm trong tay các tài xế taxi chứ không phải của khách hàng, khi Grab không thể đưa ra 1 mức giá cố định mà là một khoảng giá cơ bản và họ cũng không thể áp dụng quá nhiều chế tài cho tài xế. Vậy nên, Grab Taxi không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với taxi truyền thống.
Ngược lại, Xanh SM đang hoạt động khá mạnh mẽ ở thành phố Huế, khi họ có xe riêng, app riêng và tài xế riêng; tức có lợi thế cạnh tranh hơn GrabTaxi ở đây. Với xe – app là ‘của nhà trồng được’, Xanh SM có thể đồng bộ giá cả cũng như chất lượng dịch vụ của mình trên tất cả các tỉnh thành khắp Việt Nam.
Xanh SM đã ra mắt ở TP Huế vào tháng 5/2023. (Ảnhh: Xanh SM)
Hoặc nếu chúng ta về Cam Ranh – một thành phố nhỏ ở tỉnh Khánh Hòa hay huyện Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu, gọi một chiếc ô tô Xanh SM sẽ dễ hơn gọi GrabCar.
Về thị trường gọi xe nói chung của Việt Nam, vẫn chưa có thống kê về thị phần trong năm 2024, con số chúng ta có chỉ là nửa đầu năm 2024 từ Decision Lab: khi Grab vẫn chiếm khoảng 62% thị phần, Xanh SM là 32% và Be Group là 18%.
GrabFood đã làm rất tốt ở thị trường Việt Nam nhưng các đối thủ khác cũng tốt không kém
Theo báo cáo mới nhất từ Momentum Works, ở thị trường gọi thức ăn năm 2024, Việt Nam là quốc gia đạt mức tăng trưởng nhanh nhất với 26% so với 2023, nâng GMV từ 1,4 tỷ USD lên 1,8 tỷ USD. Trong đó, Grab Food và ShopeeFood chiếm lần lượt 48% - 47% thị phần. Còn lại beFood giữ 4% và GoFood của Gojek chiếm 1% trước khi rút khỏi Việt Nam vào tháng 9/2024.
Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng nhất ở mảng gọi thức ăn trong năm 2024. (Ảnh chụp màn hình)
Trong năm vừa qua, tổng quy mô GMV của Grab đạt 10,4 tỷ USD, áp đảo hoàn toàn so với các đối thủ khác tại khu vực Đông Nam Á như FoodPanda (2,7 tỷ USD), ShopeeFood (2,3 tỷ USD), Gojek (1,9 tỷ USD), Line Man (1,7 tỷ USD).
Còn theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2024 của iPOS và Nestlé Professional: GrabFood hiện là đơn vị dẫn đầu thị trường ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất về doanh thu với 50,6%. Trong khi đó, ShopeeFood dù đạt tỷ lệ thị phần lượng giao dịch tương đương với GrabFood, lại chỉ chiếm khoảng 41,7% thị phần doanh thu.
“Điểm mạnh của ShopeeFood nằm ở khả năng ghép đơn hàng hiệu quả cho shipper, giúp giảm chi phí vận chuyển và thu hút người dùng nhạy cảm với giá cả. Tuy nhiên, chiến lược này cũng khiến ShopeeFood khó cạnh tranh trực tiếp với GrabFood ở phân khúc đơn hàng cao cấp, nơi GrabFood đang chiếm ưu thế vượt trội nhờ đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng”, đại diện iPOS cho hay.
Đứng ở vị trí tiếp theo là app Vill – hoạt động chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm 4% doanh thu; beFood – hoạt động ở 2 thị trường TP.HCM và Hà Nội, chiếm 1,2%.
Thị phần các app gọi thức ăn theo doanh thu. (Ảnh chụp màn hình)
Thị phần app gọi thức ăn theo số lượng cửa hàng đăng ký . (Ảnh chụp màn hình)
Tại thị trường Việt Nam, sở dĩ ShopeeFood có thể đấu ngang tay với GrabFood là nhờ sự cộng hưởng từ công ty mẹ Shopee – sàn TMĐT dẫn dắt thị trường Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp. Trong năm 2024, Shopee chiếm 64% thị phần – theo Báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến Việt nam năm 2024 của Metric và ngày càng bỏ xa những đối thủ như Lazada hay Tiki.
Xanh SM hiện đang manh nha nhảy vào thị trường gọi thức ăn, nhưng rất khó để họ có thể trở thành đối trọng của GrabFood và ShopeeFood.
Nhìn vào quá trình phát triển của các app gọi xe, không phải tự nhiên mà hầu hết các DN trong mảng này đều chọn triển khai mảng gọi thức ăn sau khi đã vững vàng ở gọi xe và giao nhận. Gọi thức ăn là mảng khá khó, bởi nó có sự tham gia của bên thứ tư là đối tác quán ăn/cửa hàng và rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của con người. Rào cản vào ngành khá cao!
Cứ nhìn vào Be Group để biết là mảng gọi thức ăn khó xơi như thế nào. Năm 2019, Be Group từng có kế hoạch nhảy vào mảng gọi thức ăn nhưng sau đó vì nhiều lý do, họ đã hoãn lại. Và phải đến năm 2022, Be Group mới tái khởi động dự án và ra mắt beFood đầu tháng 4. Sau 3 năm triển khai, hiện beFood vẫn là khán giả của cuộc đua giữa GrabFood – ShopeeFood.
beFood đã được 3 năm tuổi song thị phần chiếm được vẫn còn hạn chế. (Ảnh: beFood)
Tại thị trường Việt Nam, chiến lược phát triển của 2 tay chơi chính là Grab và Be Group có những khác biệt khá rõ ràng.
Grab đang phát triển theo chiều sâu để tối ưu hóa chi phí khi không còn tiền để đốt. Hiện trên app Grab đã thu hẹp lại còn đúng 6 dịch vụ: giao hàng, đi chợ, gọi xe máy, gọi xe ô tô, gọi đồ ăn và đặt phòng khách sạn liên kết với 2 OTT là Agoda/Booking.com. Và họ chỉ phát triển những tính năng để gia tăng doanh thu cho 6 mảng chính này, khiến tệp khách hàng của mình chi tiêu nhiều hơn trên app.
Trong khi Be Group vẫn nuôi mộng trở thành 1 siêu app như Gojek, để người Việt Nam cần dịch vụ gì lên app cũng có. Sau khi ra mắt beValet - dịch vụ thuê tài xế lái ô tô chuyên nghiệp, hợp tác cùng BUTL; be có đến 14 dịch vụ trên app.
Trong kỳ quay số mở thưởng sản phẩm Vietlott Power 6/55 hôm nay (3/5/2025), giải thưởng jackpot 1 trị giá hơn 82 tỷ đồng và Jackpot 2 hơn 4 tỷ đồng đều vô chủ.
KCN Phú Long là dự án mới nhất vừa được phê duyệt cho IDICO, với quy mô hơn 400 ha, tổng vốn gần 5.000 tỷ. Dự kiến từ cuối năm nay chủ đầu tư sẽ bắt đầu triển khai xây dựng và có thể thu hút đầu tư từ quý II/2026.
Khác với những cơn sốt đất theo tin sáp nhập ở Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ... Hà Nam dù không phải nơi dự kiến đặt trung tâm hành chính của tỉnh mới sau sáp nhập, song giá đất nhiều khu vực vẫn ghi nhận tăng nóng.
Quý đầu năm 2025, Đạt Phương báo lãi hơn 100 tỷ đồng nhờ các mảng xây dựng và mảng điện. Trong khi đó, mảng bất động sản tiếp tục trắng doanh thu khi điểm rơi lợi nhuận dự án Cồn Tiến dự kiến phải đến giai đoạn 2026 - 2027.