Vượt Thái Lan, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới

Tính đến hết tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục 4,7 triệu tấn gạo, trong khi con số này của Thái Lan chỉ là 3,65 triệu tấn. Kết quả này giúp cho Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới

Ngành gạo Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực bất chấp biến động mạnh của thị trường toàn cầu sau khi Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu.

Theo số liệu của Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục (xét trong cùng giai đoạn ở các năm) hơn 4,7 triệu tấn, với kim ngạch thu về 2,44 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng nhưng giảm 15,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 517 USD/tấn, giảm mạnh 18,3% (tương đương 116 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Cục Hải quan Việt Nam 

Với kết quả này, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt 1 triệu tấn so với Thái Lan để vươn lên vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu chỉ sau Ấn Độ.

Bởi theo số liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,65 triệu tấn gạo, trị giá 2,2 tỷ USD, giảm gần 29% về lượng và 33,2% về trị giá so với con số 5,13 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, chỉ còn 7 triệu tấn vào năm 2025 so với 9,9 triệu tấn của năm 2024. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo ở mức 7,9 triệu tấn và Ấn Độ là 25 triệu tấn.

Theo USDA, tốc độ xuất khẩu chậm hơn của Thái Lan chủ yếu là do nhu cầu suy giảm từ các thị trường tiêu thụ lớn như Indonesia. Ngoài ra, nguồn cung xuất khẩu eo hẹp do tồn kho ở mức thấp nhất kể từ năm 2025 và sự cạnh tranh gay gắt về giá từ các nhà xuất khẩu khác.

Giá gạo Thái Lan năm 2025, đặc biệt là gạo trắng thường, ở mức cao so với các nhà xuất khẩu khác – những nước đã chứng kiến giá giảm mạnh sau khi Ấn Độ quay lại thị trường toàn cầu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của gạo Thái Lan.

Tồn kho thắt chặt đã đẩy giá lên cao, cộng thêm đồng Baht mạnh khiến giá gạo Thái Lan càng đắt đỏ hơn đối với người mua quốc tế. Chẳng hạn, Philippines đã chuyển dần sang nhập khẩu gạo Việt Nam với giá rẻ hơn. Xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Malaysia cũng giảm mạnh do sự cạnh tranh về giá từ Pakistan, Ấn Độ và Việt Nam, theo USDA.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ USDA

Dòng chảy gạo Việt có nhiều thay đổi

Giá gạo bắt đầu giảm mạnh sau khi Ấn Độ xoá bỏ các quy định về việc cấm xuất khẩu gạo. Đây cũng là yếu tố chính khiến “dòng chảy” gạo Việt Nam sang các thị trường có sự thay đổi lớn.

Trong đó, xuất khẩu gạo sang Indonesia và Malaysia, hai thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam trong năm ngoái đã giảm mạnh lần lượt 97,3% và 51% trong nửa đầu năm nay, xuống chỉ còn 10.691 tấn và 226.411 tấn.

Sau hai năm liên tiếp sản lượng thấp khiến nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, nhập khẩu gạo của Indonesia đang sụt giảm mạnh trong năm 2025 nhờ sản lượng nội địa tăng và tồn kho đầu kỳ cao hơn. Những lý do tương tự cũng đang ảnh hưởng tới nhập khẩu của Malaysia, theo USDA.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Philippines tiếp tục tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2024, lên mức 2,1 triệu tấn và chiếm 44,6% thị phần. Trong những năm gần đây, thị phần gạo Việt tại Philippines đứng số 1, bỏ xa các đối thủ khác khi chiếm đến trên 75% tổng nhập khẩu gạo của nước này.

Lượng gạo xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà cũng tăng vọt 158,5%, đạt 547.653 tấn; Ghana tăng 89,4%, đạt 477.615 tấn; Trung Quốc tăng 108,3%, đạt 447.093 tấn.

Đáng chú ý, một số thị trường ghi nhận mức tăng đột biến như: Bangladesh tăng 314 tấn, Senegal tăng 58,5 lần, Chile tăng 7,5 lần.

Lý giải cho sự thay đổi trong dòng chảy gạo xuất khẩu này, trao đổi với chúng tôi hồi cuối tháng 3, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết các nước châu Phi đang có xu hướng tăng cường mua gạo Việt vì chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ cũng khởi sắc khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào trước khi thuế quan mới có hiệu lực, đạt 20.979 tấn, tăng mạnh 38,8%.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Cục Hải quan Việt Nam 

Cuộc đua ngày càng khốc liệt

Dù đạt kết quả tích cực trong nửa đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 được dự báo sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt.

Tại Thái Lan, trước tình trạng xuất khẩu suy giảm mạnh, các nhà giao dịch đã hạ giá chào bán xuống thấp hơn cả Việt Nam, điều chưa từng xảy ra trong nhiều tháng qua, nhằm cải thiện tình hình.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến ngày 18/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán ở mức 374 USD/tấn, giảm mạnh 23 USD/tấn so với tháng trước và là mức thấp nhất trong số các "ông lớn" ngành gạo là Ấn Độ, Việt Nam vàPakistan.

Tiếp đến là giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đứng ở mức 375 USD/tấn, gạo Việt Nam đạt 377 USD/tấn và Pakistan cao nhất với 388 USD/tấn.

So với cùng kỳ năm ngoái, hiện giá gạo châu Á đã giảm 30 – 35% và đang ở mức thấp nhất trong gần 8 năm qua.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Reuters và VFA

Thị trường cũng chịu sức ép từ lượng tồn kho kỷ lục tại Ấn Độ, buộc nước này phải đẩy mạnh giải phóng hàng tồn trước khi bước vào vụ thu hoạch lớn sắp tới.

Tính đến ngày 1/7, Ấn Độ đang nắm giữ gần 38 triệu tấn gạo dự trữ – cao gấp gần ba lần so với mức dự trữ an toàn là 13,5 triệu tấn, theo truyền thông địa phương. Sản lượng được dự báo sẽ tiếp tục tăng do mưa gió mùa thuận lợi thúc đẩy nông dân gieo trồng nhiều hơn loại cây trồng ưa nước này, theo Nikkei Asia.

Bên cạnh đó là các rủi ro thuế quan đối ứng từ Mỹ, thị trường nhập khẩu gạo ST25 lớn nhất của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ngoài việc duy trì xuất khẩu sang các đối tác truyền thống, Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường tiêu thụ đặc biệt hướng tới các thị trường mới nổi như Nhật Bản.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 5 tháng đầu năm, Nhật Bản đã nhập khẩu 357.469 tấn gạo, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam đứng thứ 7 về xuất khẩu gạo vào Nhật Bản với khối lượng đạt 2.504 tấn, tăng gần 5 lần (395,8%) so với cùng kỳ. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Nhật Bản theo đó đã tăng từ mức 0,2% lên 0,7%.

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi diện rộng

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, tỉnh Tuyên Quang và thành phố Đà Nẵng đang tập trung cao độ, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn nguy cơ lây lan diện rộng, bảo vệ đàn vật nuôi và sinh kế của người dân.

Dự báo giá heo hơi ngày 19/7: Liên tục hạ giá ở cả ba miền, giá heo hơi có thể tiếp tục biến động vào cuối tuần

Các chuyên gia dự báo giá heo hơi có thể tiếp tục biến động trong cuối tuần này do thị trường đang trên đà giảm nhanh.

Thép HRC của Hoà Phát chính thức không bị EU áp thuế CBPG

Ngày 16/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định cuối cùng vụ điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam. Theo đó, thép cuộn cán nóng của Tập đoàn Hòa Phát không bị EU áp thuế chống bán phá giá.

Giá lúa gạo hôm nay 18/7: Diễn biến trái chiều, gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần qua

Giá lúa gạo hôm nay (18/7) tại thị trường trong nước ổn định, không ghi nhận biến động mới. Trong khi đó, thị trường gạo thế giới tuần qua ghi nhận xu hướng trái chiều, giá tăng tại Việt Nam và Thái Lan, nhưng lại giảm tại Ấn Độ.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO