Kinh tế Quốc tế 22/03/2023 22:03

5 điểm chính rút ra từ cuộc hội đàm kéo dài giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - Vladimir Putin

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm ba ngày đến thủ đô Moscow của Nga. Tại đây, ông Tập đã có cuộc hội đàm kéo dài với Tổng thống Vladimir Putin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty Images).

Trong một tuyên bố dài sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định chắc nịch về mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều phương diện. Đồng thời, hai ông còn bày tỏ thái độ ngực vực với Mỹ.

Theo một danh sách do Điện Kremlin công bố, hai bên đã đạt được hơn một chục thoả thuận nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ,... Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ “làm sâu sắc thêm” mối quan hệ Nga - Trung.

Giữa lúc ông Tập thăm Moscow, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến Ukraine. Ông Kishida đã trò chuyện cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 21/3.

Dưới đây là 5 điểm chính rút ra từ cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp Vladimir Putin, theo tổng hợp của CNN:

Chưa có giải pháp cho Ukraine

Các cuộc họp không tạo ra bước đột phá nào trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.

Cả hai nhà lãnh đạo đều kêu gọi chấm dứt các hành động “làm gia tăng căng thẳng” và “kéo dài” cuộc chiến ở Ukraine, theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.

Tuyên bố không thừa nhận rằng cuộc tấn công của Nga là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực và khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi NATO “tôn trọng chủ quyền, an ninh, lợi ích” của các quốc gia khác. Theo CNN, bình luận này dường như đang lặp lại khẳng định trước đó của hai nước, rằng phương Tây đã kích động Nga tấn công Ukraine.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đang cố gắng thể hiện vai trò trung gian hoà giải cho cuộc chiến. Bắc Kinh đã công bố đề xuất “giải pháp chính trị” nhằm thúc giục hai bên ngừng bắn và tiến tới đàm phán hoà bình.

Ông Putin nói rằng “có nhiều điều khoản” trong đề xuất của Trung Quốc có thể được “lấy làm cơ sở” cho một giải pháp hoà bình ở Ukraine, khi “phương Tây và Kiev sẵn sàng”.

Tuy nhiên, kế hoạch của Trung Quốc bị phương Tây và chính quyền Kiev coi là không phù hợp, bởi nó không bao gồm điều khoản là Moscow phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Hôm 21/3, ông Zelensky cho rằng nếu Kiev đồng ý ngừng bắn, cuộc xung đột sẽ chỉ tạm thời “đóng băng”. Khi đó, Nga sẽ có thêm thời gian “chuẩn bị và quay trở lại chiến trường với một mong muốn duy nhất, đó là chiếm đóng Ukraine”.

Trật tự thế giới mới chống lại Mỹ

Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc và Nga mong muốn xây dựng một liên minh chống lại Mỹ cũng như phát triển một trật tự thế giới phù hợp với lợi ích của hai nước là động lực thúc đẩy cuộc gặp.

Khi ông Tập rời Điện Kremlin sau bữa tối cấp nhà nước với ông Putin vào ngày 21/3, trong thông điệp chia tay, vị lãnh đạo nhấn mạnh rằng hệ thống quyền lực toàn cầu đang thay đổi.

“Cùng nhau, Trung Quốc và Nga sẽ thúc đẩy những thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm qua. Hãy cẩn thận”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói khi bắt tay tạm biệt Tổng thống Putin.

Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi xây dựng một “thế giới đa cực”, đồng thời nhấn mạnh rằng hai nước sẽ hợp tác với nhau “để bảo vệ hệ thống quốc tế”.

Họ cũng công kích Washington. Hai nhà lãnh đạo “muốn Mỹ phải ngừng hành động phá hoại an ninh khu vực và quốc tế... để duy trì ưu thế quân sự đơn phương của riêng mình”.

Ông Alexander Korolev, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học New South Wales, nhận xét: “Nga và Trung Quốc rõ ràng đang coi Mỹ là mối đe doạ lớn nhất về an ninh”.

Hợp tác quân sự, quốc phòng

Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung cũng rất quan tâm đến mối đe doạ từ các tổ chức như NATO và AUKUS - một hiệp ước an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ.

Trong tuyên bố chung, hai ông bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về việc NATO “liên tục tăng cường quan hệ an ninh - quân sự với các nước châu Á - Thái Bình Dương”. Họ “phản đối việc các lực lượng quân sự bên ngoài phá hoại hoà bình và ổn định khu vực”.

Nga và Trung Quốc cam kết “sẽ tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau về mặt quân sự”. Hai nước dự kiến sẽ đẩy mạnh việc trao đổi và hợp tác quân sự, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không.

Kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, hai nước đã nhiều lần tổ chức các cuộc tập trận chung trên khắp thế giới, theo CNN.

Hợp tác kinh tế, năng lượng

Ông Putin nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng hỗ trợ các công ty Trung Quốc “thay thế các doanh nghiệp phương Tây” đã rời Nga kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine diễn ra.

Nga đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường hàng hoá của Trung Quốc, sau khi nước này bị phương Tây giáng nhiều đòn trừng phạt.

Hai bên có vẻ cũng mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác về năng lượng. Hai nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ “...hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham gia các dự án hợp tác về dầu mỏ, khí đốt, than đá và năng lượng hạt nhân”.

Trong một bình luận trước truyền thông, ông Putin nói thêm rằng Nga đang cân nhắc tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, bao gồm việc triển khai kế hoạch “xây dựng đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2” qua lãnh thổ Mông Cổ.

Một thế giới bị chia cắt

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin tại Moscow là một sự tương phản sâu sắc với cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Kishida ở Ukraine.

Ông Zelensky ca ngợi Thủ tướng Nhật Bản và các nhà lãnh đạo khác vì đã đến thăm Ukraine. Ông nói việc họ đến thăm “thể hiện sự tôn trọng” không chỉ với người dân Ukraine, mà còn nền dân chủ thế giới.

“Với sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Nhật Bản ở châu Á trong việc bảo vệ hoà bình và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như trách nhiệm của Nhật Bản trong vai trò Chủ tịch nhóm G7, các cuộc trao đổi của chúng ta hôm nay có thể tạo ra trái ngọt trên phạm vi toàn cầu”, ông Zelensky bày tỏ.

Ông Tập Cận Bình vẫn chưa trò chuyện cùng Tổng thống Zelensky kể từ khi chiến sự bắt đầu, song một quan chức cấp cao của Ukraine chia sẻ với CNN rằng hai nước đang thảo luận để tổ chức một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nhằm đánh giá đề xuất hoà bình của Trung Quốc. 

Khả Nhân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 29/03/2024 20:44
Ngược với CPI, thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng như dự đoán vào tháng 2

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - tăng phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế vào tháng 2.

Kinh tế Quốc tế 29/03/2024 14:04
Tài sản của 1% những người giàu nhất nước Mỹ chạm mức cao kỷ lục

Theo số liệu mới từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khối tài sản của 1% những người giàu nhất nước Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục 44.600 tỷ USD vào cuối quý IV/2023, khi đợt khởi sắc của thị trường chứng khoán cuối năm ngoái đã làm tăng giá trị danh mục đầu tư của họ.

Kinh tế Quốc tế 29/03/2024 10:10
Ông Trump vẫn thiếu tiền dù đang giàu có hơn bao giờ hết?

Tài sản ròng trên giấy tờ của ông Trump tăng vọt lên 7,2 tỷ USD nhờ màn chào sàn Nasdaq của công ty mạng xã hội Trump Media. Tuy nhiên, phần lớn tài sản của vị cựu tổng thống có tính thanh khoản thấp nên ông vẫn có nguy cơ không đủ tiền để nộp tiền phạt cho tòa án.

Kinh tế Quốc tế 29/03/2024 06:57
S&P 500 khép lại quý I/2024 với kỷ lục mới

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều khép lại tháng 3 và quý I với kết quả tích cực. S&P 500 và Dow Jones lần lượt ghi nhận quý I tốt nhất kể từ năm 2019 và 2021.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO