Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent di chuyển đến địa điểm họp, ngày 10/5/2025. (Ảnh: Getty Images).
Các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã dành nhiều giờ trò chuyện vào ngày 10/5 nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cuộc họp diễn ra “rất tốt”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng đang dẫn dắt các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài hai ngày tại Geneva, Thuỵ Sỹ.
Đây là các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Trump áp thuế 145% lên hàng hoá Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 125% đối với nhiều hàng hoá Mỹ, đồng thời áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm mới.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho hay: “Hôm nay Mỹ đã có một cuộc họp rất tốt với Trung Quốc tại Thuỵ Sỹ. Nhiều vấn đề đã được thảo luận, hai bên nhất trí nhiều thứ”.
Vị tổng thống nhận xét đây là một cuộc đàm phán thân thiện nhưng mang tính xây dựng. “Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ. Hai bên đã đạt tiến bộ tuyệt vời!!!”, ông viết tiếp.
Theo một nguồn tin của Bloomberg, các cuộc đàm phán đã kết thúc vào đêm 10/5 và dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 11/5. Cả hai bên đều tìm cách thể hiện rằng họ đang nắm quyền kiểm soát, nhưng tình hình vẫn tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Các động thái trả đũa lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời đe doạ gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hoá và kéo giá tiêu dùng tại Mỹ lên cao.
Điều đó gây áp lực buộc Tổng thống Trump phải tìm cách thoát khỏi bế tắc với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phải tìm cách củng cố nền kinh tế tỷ dân trước các cuộc đàm phán nhưng dữ liệu chỉ ra dấu hiệu suy yếu.
Cuộc họp ở Thuỵ Sỹ là “bước quan trọng hướng tới giải pháp cho vấn đề”, dù giải pháp cuối cùng sẽ đòi hỏi đủ sự kiên nhẫn và quyết tâm từ hai nước, cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Tân Hoa Xã bày tỏ trong một bài bình luận vào ngày 10/5.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng nhắc lại quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì trật tự thương mại quốc tế.
Tổng thống Trump đã phát đi những tín hiệu trái chiều về kết quả ông mong muốn cho các cuộc họp. Nhà lãnh đạo 78 tuổi nhiều lần khẳng định ông không muốn hạ thuế quan nếu Trung Quốc không nhượng bộ. Song, vào ngày 9/5 ông vẫn gợi ý sẽ giảm thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc xuống 80%.
“Chúng ta phải đạt được một thoả thuận lớn cho nước Mỹ”, ông Trump nói thêm với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào cuối ngày 9/5. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ đàm phán một thoả thuận công bằng cho cả Trung Quốc và Mỹ”.
Trước đó, vào ngày 7/5, Bộ trưởng Bessent đã hạ thấp kỳ vọng về bất kỳ kết quả tiềm năng nào. Lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ nói với các nhà lập pháp rằng đàm phán đang ở giai đoạn đầu và trọng tâm là hạ nhiệt căng thẳng thay vì đạt một thoả thuận toàn diện với Trung Quốc.
Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 9/5 cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc sang Mỹ đã lao dốc hơn 21% trong tháng 4, trong khi lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ giảm gần 14%.
Vào tháng 3, xuất khẩu hàng hoá từ Trung Quốc sang Mỹ từng tăng mạnh 9,1% khi các doanh nghiệp vội vàng đưa hàng đi trước khi chính quyền ông Trump công bố các chính sách thuế quan mới.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 2,5%, trong khi nhập khẩu đi xuống 4,7% so với cùng kỳ.
Theo Thống đốc BoC Tiff Macklem, tính dễ thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ có thể gây ra thêm biến động trên thị trường và căng thẳng về thanh khoản.
Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái đúng lúc lạm phát tăng cao. Đây là sự kết hợp đáng sợ với các nhà hoạch định chính sách, làm tổn thương các doanh nghiệp và gây ra nỗi đau tới các hộ gia đình.
Ấn Độ và Pakistan đạt thỏa thuận "ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức" sau khi Mỹ đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán.
Thước đo định giá ưa thích của Warren Buffett đã dự đoán chính xác những giai đoạn sụp đổ và bùng nổ của thị trường chứng khoán Mỹ trong quá khứ.