Ngày 24/4, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý I, ghi nhận doanh thu thuần 18.897 tỷ đồng - tương đương cùng kỳ năm trước, song lãi ròng tăng 279% lên 394 tỷ đồng. Masan cho biết kết quả này đến từ đà tăng trưởng lợi nhuận tại các mảng tiêu dùng – bán lẻ và đóng góp từ việc thoái vốn chiến lược khỏi HCS, dù chi phí tài chính ròng tăng nhẹ.
WinCommerce (WCM) đạt 8.785 tỷ đồng doanh thu - tăng 10,4% so với cùng kỳ, lãi ròng 58 tỷ đồng - đây là quý thứ ba liên tiếp WCM có lãi. Đồng thời, doanh nghiệp này đã quay trở lại tăng tốc mở rộng mạng lưới cửa hàng.
Riêng mô hình WinMart+ Nông thôn ghi nhận tăng trưởng cùng cửa hàng đạt 13,5% so với cùng kỳ. Doanh thu trung bình hàng ngày của mô hình cửa hàng WIN, WinMart+ Nông thôn và WinMart+ Thành thị lần lượt đạt 25,2 triệu đồng, 17,1 triệu đồng và 18,2 triệu đồng, tăng 9,1%, 16,7% và 8,2% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng doanh thu của WCM đến từ lưu lượng khách tăng mạnh cho thấy sức hút người tiêu dùng và dư địa mở rộng mạng lưới. Doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhận định khu vực nông thôn – nơi chiếm hơn 60% dân số Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng trong tương lai. Theo đó, doanh thu trung bình hàng ngày của mô hình WinMart+ Nông thôn đạt 94% so với mô hình WinMart+ Thành thị (tăng từ mức 87% cùng kỳ năm ngoái).
Tính đến tháng 3, WCM đã mở ròng 144 cửa hàng mới, bám sát kế hoạch mở 400–700 cửa hàng trong năm. Hơn 90% số cửa hàng mới tập trung tại miền Bắc và miền Trung – khu vực WCM chiếm thị phần lớn và có lợi nhuận cao.
Masan khai trương một siêu thị mới ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).
Masan Consumer (MCH) ghi nhận doanh thu quý I đạt 7.489 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Kết quả đến từ tăng trưởng ở các ngành hàng như: Gia vị (tăng 15,9%), đồ uống (tăng 8,7%), cà phê (tăng 39,8%), Sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình (tăng 13%) và doanh thu quốc tế tăng 73,2% so với cùng kỳ.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á tiếp tục là những thị trường đóng góp chủ lực vào doanh thu quốc tế của MCH. Hiện tại thị trường Mỹ chiếm dưới 1% doanh thu của Masan Consumer.
Hàng tồn kho tại nhà phân phối ở mức 19 ngày, tăng nhẹ so với 17 ngày cùng kỳ do áp dụng chính sách bán hàng mới cho kênh khách hàng sỉ.
Từ tháng 3, MCH thử nghiệm các điều khoản thương mại mới nhằm đẩy mạnh bán gộp và ưu đãi cho nhà bán lẻ. Nhiều chiến dịch tái ra mắt sản phẩm đang được triển khai để kích cầu, dự kiến giúp tồn kho quay về mức bình thường, đồng thời giữ tăng trưởng trong quý II.
Trong kỳ, MCH ghi nhận biên lợi nhuận gộp ở mức không đổi so với cùng thời điểm năm ngoái, đạt 46,7%, do cơ cấu danh mục chuyển dịch sang các sản phẩm mới và chi phí nguyên liệu tăng, được bù đắp một phần nhờ chiến lược giá ở một số ngành hàng phụ.
Chi phí khuyến mãi được cắt giảm để tái phân bổ nguồn lực một cách chiến lược vào các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển kênh có hiệu quả đầu tư cao hơn.
Masan MEATLife (MML) có lãi ròng đạt 116 tỷ đồng trong quý I, và cũng là quý thứ ba liên tiếp có lợi nhuận dương. MML ghi nhận doanh thu 2.070 tỷ đồng trong quý I, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng hai chữ số ở cả mảng thịt và chăn nuôi.
Doanh thu mảng thịt tăng 22,5% so với cùng kỳ, theo Masan Group là được thúc đẩy bởi giá heo hơi tăng cao, sự mở rộng trong mạng lưới bán lẻ WinCommerce, tăng trưởng mạnh mẽ của mảng thịt chế biến và các kênh tăng trưởng mới như HORECA cho mảng thịt gà.
Mảng chăn nuôi tăng 14,9% nhờ tăng trưởng 28,1% trong chăn nuôi heo, hưởng lợi từ xu hướng giá heo hơi tăng. Trong khi đó, mảng gà tiếp tục được tái cấu trúc theo định hướng chiến lược của MML.
Mảng thịt chế biến chiếm 36,0% tổng doanh thu của MML trong kỳ, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Các thương hiệu Ponnie và Heo Cao Bồi ghi nhận doanh thu hàng tháng đạt 240 tỷ đồng. Các sản phẩm đổi mới tiếp tục là động lực tăng trưởng then chốt khi doanh thu từ nhóm sản phẩm này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ và đóng góp 28% doanh thu thịt chế biến, so với 7% trong quý I/2024.
MML tiếp tục mở rộng hiện diện tại chuỗi bán lẻ WCM, với doanh số trung bình mỗi ngày trên mỗi cửa hàng tăng 24,9% so với cùng kỳ. Tính đến quý I, MML dẫn đầu danh mục đạm động vật tại WCM với thị phần áp đảo 54% – gấp 5 lần vị trí thứ hai, đồng thời giữ vững vị thế dẫn đầu ở cả mảng thịt tươi và thịt chế biến.
Trong quý I, tổng giá trị heo thịt tăng 11,7% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng heo thịt trong kênh B2C tăng và điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao. Mức tăng này còn đến từ việc gia tăng sử dụng heo thịt trong sản xuất thịt chế biến và tối ưu giá trị từ phụ phẩm thông qua các phát kiến đổi mới trong mảng thịt tươi.
Phúc Long Heritage (PLH) ghi nhận doanh thu thuần 424 tỷ đồng trong quý I, tăng 9,7% so với cùng kỳ nhờ mở rộng cửa hàng mới. Doanh thu từ mảng kinh doanh thực phẩm gồm bánh mì, bánh ngọt, kem và sữa chua tăng mạnh 52,1%. Mảng này có tiềm năng giúp gia tăng giá trị đơn hàng cho PLH. Trong quý I, mảng kinh doanh thực phẩm đóng góp 7,9% vào tổng doanh thu của PLH, tăng 200 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Mạng lưới cửa hàng có ghi nhận mức mở rộng trong kỳ với tổng cộng 184 cửa hàng flagship trên toàn quốc. Phúc Long hiện trong giai đoạn chuyển đổi, tập trung vào tái cấu trúc mô hình thay vì mở rộng nhanh số lượng cửa hàng
Biên EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của Phúc Long đạt 19,1% trong quý I nhờ chiến lược giá hiệu quả, ứng phó tốt với áp lực chi phí đầu vào. Lãi ròng quý I tăng gần gấp đôi, mang lại mức tăng 21 tỷ đồng.
Masan High-Tech Materials (MHT) chứng kiến doanh thu tăng 12,% so với cùng kỳ, đạt 1.393 tỷ đồng trong quý I sau khi thoái vốn HCS trong năm 2024. Theo Masan, dù chịu ảnh hưởng từ đợt bảo trì định kỳ trong quý, biên lợi nhuận của MHT cải thiện nhờ chất lượng quặng cao hơn, giá tăng và tác động tích cực từ việc thoái vốn HCS.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dẫn đến việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại chiến lược, đẩy giá tăng mạnh. Giá bismuth tăng gần 6 lần từ đầu năm; tungsten và đồng cũng tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu công nghiệp cao. Lãnh đạo Masan Group nhận định đây là cơ hội lớn cho MHT, đồng thời khẳng định vai trò chiến lược của công ty như một nguồn cung ngoài Trung Quốc.
"Theo thông tin mới nhất về thuế đối ứng của Mỹ, các sản phẩm của MHT không bị áp thuế từ Việt Nam, giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và tăng trưởng bền vững trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và nhu cầu khoáng sản chiến lược tăng cao", phía Masan Group cho hay.
Techcombank (TCB) – công ty liên kết của Masan, đóng góp 1.177 tỷ đồng EBITDA trong quý I, giảm 4,3% so với cùng kỳ.
Năm nay, Masan dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 80.000 - 85.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 7 - 14%. Trong khi lãi ròng đặt mục tiêu 4.875 - 6.500 tỷ đồng, tăng 14 - 52%. Mục tiêu này tuỳ các kịch bản thị trường và điều kiện kinh tế vĩ mô.
Lãnh đạo Masan kỳ vọng tác động trực tiếp từ thuế quan Mỹ không đáng kể lên hoạt động của công ty. Thị trường Mỹ đóng góp dưới 1% doanh thu của MCH, các sản phẩm chủ lực của MHT hiện không bị áp thuế.
Masan cho biết đang theo sát diễn biến và chủ động triển khai chiến lược giá một cách linh hoạt bám sát tình hình thực tế và cấu trúc danh mục sản phẩm phù hợp để giảm thiểu bất kỳ tác động nào đến tâm lý tiêu dùng.
Phía Masan Group đánh giá trong kịch bản thuế quan tăng cao, dù xuất khẩu và FDI có thể chịu áp lực, các biện pháp kích cầu trong nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Các ngành cốt lõi như hàng tiêu dùng thiết yếu và bán lẻ thực phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày được kỳ vọng duy trì sức chống chịu tốt. Bên cạnh đó, tiêu dùng ngoài gia đình có thể chịu sức ép khi người tiêu dùng ưu tiên bữa ăn tại nhà và cắt giảm chi tiêu không thiết yếu.
"Trong bối cảnh này, các nhà bán lẻ có lợi nhuận, dòng tiền mạnh và tập trung vào nhu cầu thiết yếu như WCM có lợi thế nắm bắt thị phần. Việc ứng dụng công nghệ và chiến lược thương mại tập trung sẽ giúp tận dụng quy mô để gia tăng giá trị cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào như lúa mì, cà phê và dầu cọ đang giảm, giúp giảm áp lực chi phí và tạo dư địa để MCH tái đầu tư mở rộng thị phần", thông báo phía Masan Group cho hay.
Lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết kế hoạch lãi 1.000-1.300 tỷ đồng là đã bảo thủ nhất, tự tin vượt mục tiêu đề ra và không quá bi quan về thị trường xuất khẩu sang Mỹ.
Năm nay TTC Land sẽ tiến hành đánh giá lại hiệu quả, tiềm năng của từng dự án, từ đó thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư, tập trung hoàn thiện công tác pháp lý để đảm bảo tiến độ.
Chủ tịch Dat Xanh Services cho biết nguồn hàng mà công ty đã chuẩn bị cho năm 2025 – 2026 rất lớn. Do đó, ban lãnh đạo hoàn toàn tự tin sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh đề ra.
Sáng nay (24/4), Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Tại đại hội năm nay, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông với thời lượng hơn 40 phút.