Rainforest - một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore, có thể là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đợt tăng thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nhà sáng lập JJ Chai cho biết ông không quá lo lắng.
Rainforest hiện sở hữu 15 thương hiệu, trong đó 90% sản phẩm được bán cho người tiêu dùng Mỹ thông qua Amazon. Phần lớn hàng hóa được nhập từ Trung Quốc.
Công ty này không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khăn vì chi phí nhập khẩu vào Mỹ tăng cao. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử như Amazon đã tăng mức hoa hồng, khiến lợi nhuận bị giảm sút. Nay với mức thuế mới, lợi nhuận càng bị thu hẹp thêm.
Trong bối cảnh đó, về nguồn cung, Rainforest đang xem xét nhập hàng từ Việt Nam, Malaysia và một phần từ Ấn Độ. Thương hiệu Lilly’s Love chuyên về hộp đựng đồ chơi của công ty này đã bắt đầu lấy hàng từ Việt Nam.
Đội ngũ Rainforest. (Ảnh: Rainforest).
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trên Amazon. Amazon thông tin số doanh nghiệp Việt đạt doanh số 1 triệu USD mỗi năm trên sàn thương mại xuyên biên giới của họ tăng gấp 10 lần giai đoạn 2019 - 2023.
Trong giai đoạn này, số lượng sản phẩm Việt bán ra trên Amazon tăng hơn 300%. Số các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần.
Top 5 danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ Việt Nam trên Amazon gồm sức khỏe & chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp. Theo báo cáo Access Partnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86.000 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%.
Amazon dự báo từ năm 2021-2026, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á khoảng 20%. Riêng giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng loại hình này gấp 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường.
Sự chuyển dịch về nguồn cung này là một phần trong chiến lược ứng phó của Rainforest. Trước áp lực về chi phí và thuế quan, Rainforest đã quyết định dừng hoạt động hai thương hiệu có hiệu suất kém. Một số sản phẩm của hai thương hiệu này sẽ được chuyển sang các thương hiệu khác trong hệ thống.
Tổng thống Trump từng nói mức thuế đối ứng với hàng Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh so với mức 145% hiện tại. Tuy nhiên, ông Chai cho biết nhóm của ông vẫn đang làm việc với giả định rằng mức thuế này sẽ được giữ nguyên.
Tàu chở hàng trên sông Sài Gòn, TP HCM. (Ảnh: Đức Huy).
Trong một bài đăng trên LinkedIn hồi tháng 4, Kiren Tanna – cựu CEO và đồng sáng lập công ty Una Brands – cho biết các mức thuế mà chính quyền ông Trump áp dụng có thể khiến các thương hiệu nhập hàng từ Trung Quốc không còn lợi nhuận, nếu họ không tăng giá bán. Điều này còn chưa tính đến chi phí nhân sự và vận chuyển.
Mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau, tùy theo nguồn hàng, thị trường mục tiêu và ngành hàng mà mỗi thương hiệu đang kinh doanh.
Ông Tanna cho rằng các ngành như đồ gia dụng, mẹ và bé, thú cưng, thể thao và làm vườn đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Những ngành này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Việc Mỹ tăng thuế không phải là điều mới. Chính quyền ông Trump từng áp dụng các biện pháp này trong nhiệm kỳ trước. Ông JJ Chai – CEO Rainforest – cho biết các mức thuế trước đây được thiết kế theo từng ngành hàng. Lần này, chúng được áp dụng đồng loạt cho tất cả.
Rainforest từng dự đoán việc tăng thuế sẽ quay lại khi ông Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, ông Chai thừa nhận vẫn bất ngờ vì mức thuế lần này quá cao.
Trong tình huống như vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ chọn cách tăng giá bán. Tuy nhiên, Rainforest hiện vẫn chưa điều chỉnh giá. Ông Chai nói rằng chi phí tăng thêm sẽ được chia đều trong chuỗi cung ứng. Từ doanh nghiệp, nhà cung cấp đến người tiêu dùng, ai cũng sẽ chịu một phần chi phí. Tuy nhiên, hiện rất khó đoán tác động thực tế sẽ như thế nào.
Theo ông, để giữ được lợi nhuận cũ, người bán trên Amazon sẽ phải tăng giá từ 15 đến 20 USD cho mỗi sản phẩm có giá ban đầu là 100 USD.
Rainforest hiện đang có lượng hàng tồn kho đủ dùng trong khoảng ba tháng. Công ty tạm dừng việc nhập thêm sản phẩm từ Trung Quốc. Rainforest cũng đang thu gọn danh mục sản phẩm tại thị trường Mỹ. Họ cắt giảm các mặt hàng cồng kềnh như thảm và khối tập yoga vì chi phí vận chuyển cao.
Theo ông JJ Chai, túi đựng bỉm vẫn là sản phẩm bán chạy. Ngành hàng mẹ và bé có nhu cầu ổn định hơn so với nhiều ngành khác. Rainforest vẫn đánh giá cao tiềm năng của ngành này.
Lý do là vì đây là các sản phẩm thiết yếu. Nhu cầu ít bị ảnh hưởng bởi thu nhập. Ông Chai cho rằng người tiêu dùng vẫn sẽ mua, ngay cả khi giá tăng. Tăng giá để bù chi phí là một lựa chọn. Tuy nhiên, điều này có thể khiến nhu cầu giảm xuống.
Về lâu dài, Rainforest đang đẩy nhanh việc mở rộng sang các thị trường mới như Canada và Anh. Mục tiêu là giảm tỷ trọng doanh thu từ Mỹ xuống còn khoảng 60% đến 70%.
Công ty cũng bắt đầu thử nghiệm bán hàng tại Đông Nam Á, với điểm khởi đầu là Singapore.
Dự báo cho thấy ngành hàng chăm sóc trẻ em tại Đông Nam Á sẽ đạt doanh thu khoảng 421 triệu USD vào năm 2025. Trong khi đó, riêng mảng tã trẻ em tại Mỹ đã đạt doanh thu 8 tỷ USD vào năm ngoái.
Bên cạnh việc tìm nguồn cung ở Việt Nam và các nước khác, Rainforest không loại trừ khả năng sẽ nhập hàng trực tiếp từ Mỹ. Tuy nhiên, theo ông JJ Chai, hiện tại rất khó tìm được nhà cung cấp phù hợp tại đây.
Ông Shannon Cullum là đồng sáng lập công ty The Wild Ventures có trụ sở tại Singapore. Công ty này bán các sản phẩm như túi đựng chất thải cho chó trên Amazon Mỹ. Ông cho biết việc sản xuất hàng hóa tại Mỹ không phù hợp với phần lớn sản phẩm D2C. Lý do là chi phí tại Mỹ quá cao.
Một số doanh nghiệp đang tìm cách tránh thuế bằng cách nhập hàng từ Trung Quốc rồi thay đổi sản phẩm tại nước khác. Nhờ đó, sản phẩm hoàn thiện không còn bị tính là “sản xuất tại Trung Quốc”.
Ông Pushkar Singh là đồng sáng lập công ty tư vấn và đầu tư Tremis Capital. Ông cho biết nhiều thương hiệu D2C ở Ấn Độ đang dùng cách này khi nhập hàng từ Trung Quốc.
Trong khi đó, The Wild Ventures chọn một hướng đi khác. Họ không nhập hàng từ Trung Quốc về Mỹ theo cách truyền thống. Thay vào đó, họ hợp tác với các đơn vị dropship tại Mỹ. Đơn vị dropship sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình sản xuất. Nguồn gốc sản phẩm có thể khác nhau, nhưng nhiều sản phẩm vẫn được sản xuất tại châu Á.
Theo ông Cullum, các đơn vị dropship sẽ xử lý mọi thủ tục liên quan đến thuế. Khi có đơn hàng, sản phẩm được gửi từ Mỹ đến tay khách hàng. Do đó, công ty không bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu.
Ông cho biết hình thức dropshipping thường có lợi nhuận thấp hơn. Nguyên nhân là vì đơn vị dropship sẽ cộng thêm chi phí của họ vào giá sản xuất. Tuy vậy, ông cho rằng các thương hiệu vẫn không thể bỏ qua thị trường Mỹ vì quy mô và tiềm năng lớn.
Casino Corona Phú Quốc báo doanh thu năm 2024 hơn 1.130 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ đồng mỗi ngày, chỉ bằng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 4/2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Foxconn để triển khai dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology tại Nghệ An. Đây là nơi chuyên sản xuất các thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử dân dụng...
Trong năm 2024, chỉ một mình Vinfast đã khiến bức tranh đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam có những thay đổi rõ rệt, khi đẩy Indonesia và Ấn Độ vào Top 3. Tuy nhiên, Lào vẫn là thị trường được các DN Việt Nam ưa chuộng nhất, bởi nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực, ví dụ như cho THACO.
Từ ngày 1/7, ông Alejandro Osorio sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành của Grab Singapore; ông Mã Tuấn Trọng sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành của Grab Việt Nam.