Vĩ Mô 25/11/2024 17:28

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh, giảm số bậc trong biểu thuế TNCN

Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất đối với mức giảm trừ gia cảnh và số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân tại Tờ trình gửi Chính phủ về xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế).

Tại Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, đã có ba lần sửa đổi kể từ khi Luật Thuế TNCN bắt đầu được áp dụng, từ năm 2009 đến nay, từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng với bản thân người nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cũng cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng, tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.

(Ảnh minh hoạ: VGP).

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế. 

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn, cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...

Bộ Tài chính cho rằng, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. 

Mặt khác, Bộ Tài chính khẳng định, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành của Việt Nam đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bởi nếu mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này là đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập, vô hình sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây. 

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Nghiên cứu giảm bớt số bậc trong biểu thuế

Cũng tại tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, có ý kiến cho rằng quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35% tại khoản 2 điều 22 Luật thuế TNCN là chưa hợp lý.

"Quy định này có quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính cho hay, việc áp dụng thu thuế TNCN theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện là giảm số bậc trong biểu thuế để đơn giản hoá việc này.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp, đồng thời xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. 

Việc sửa đổi biểu thuế TNCN sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và với thông lệ quốc tế.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 25/11/2024 17:27
Tăng sốc thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia, GDP có thể giảm hàng nghìn tỷ đồng

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như hai phương án mà Bộ Tài chính đề ra có thể làm giảm từ 14.000 -  32.000 tỷ đồng GDP trong giai đoạn 5 năm 2026 - 2030.

Vĩ Mô 25/11/2024 16:33
Tính đến 15/11, xuất nhập khẩu hơn 681 tỷ USD, xuất siêu đạt gần 23,3 tỷ USD

Tính đến ngày 15/11, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681,48 tỷ USD, tăng 15,7% tương ứng tăng 92,28 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 23,28 tỷ USD.

Vĩ Mô 25/11/2024 16:33
Bộ Chính trị quyết định sắp xếp những cơ quan đã có phương án

Trung ương giao Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18, quyết định sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Vĩ Mô 25/11/2024 15:02
Lương lao động Đông Nam Á dự kiến tăng vào năm tới: Singapore chót bảng, Việt Nam hạng mấy?

Theo báo cáo mới của hãng tư vấn Aon, mức lương của người lao động Đông Nam Á vào năm 2025 sẽ tăng cao hơn năm 2024.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO