Người tiêu dùng mua hàng tại một siêu thị H-E-B ở Austin, Texas. (Ảnh: Getty Images).
Vài tuần trước, khi Kiki Rough ngày càng trở nên lo lắng về bức tranh kinh tế, cô đã bắt đầu nghĩ đến những giai đoạn khó khăn về tài chính trong quá khứ. Rough nghĩ về những kỹ năng cô học được, về việc kiếm tiền trong các cuộc suy thoái.
Đối mặt với cảm giác bất an tương tự về triển vọng kinh tế, cô bắt đầu làm video hướng dẫn nấu ăn dựa trên các công thức được xuất bản trong thời kỳ suy thoái, khủng hoảng và chiến sự trước kia.
Cô gái 28 tuổi nhấn mạnh với những người theo dõi rằng mình không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng cô có kinh nghiệm nấu ăn từ những thực phẩm đổi từ tem phiếu, một chương trình hỗ trợ người khó khăn của chính phủ Mỹ.
Từ căn bếp tông vàng đen ở vùng ngoại ô Chicago, Rough hướng dẫn người xem cách chế biến những bữa ăn giá rẻ và những món thay thế cho bánh strudel ăn sáng hay donut. Cô thường nhắc nhở mọi người thay thế nguyên liệu bằng những thứ họ có sẵn tại nhà.
“Tôi liên tục thấy câu nói đùa này trong phần bình luận: Nghèo xưa dạy nghèo nay”, Rough tiết lộ với CNBC. “Chúng ta cần chia sẻ kiến thức ngay bây giờ vì mọi người đều sợ hãi và học hỏi sẽ mang lại cho mọi người niềm tin để vượt qua nghịch cảnh”.
Các video của chuyên gia tư vấn tự do này nhanh chóng tìm thấy lượng lớn người xem trên TikTok và Instagram. Theo thống kê của Rough, cô có 350.000 người theo dõi và thu hút khoảng 21 triệu lượt xem trong tháng qua trên cả hai nền tảng.
Chính sách thuế quan đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố vào đầu tháng 4 khiến công chúng ngày càng bất an rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, đặc biệt là trong vài tuần gần đây.
Khi những người như Rough ngày càng lo lắng về tương lai, họ lại nhớ về những mẹo hay mà mình từng sử dụng để vượt qua những giai đoạn đen tối như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào năm 2008.
Google dự đoán lượt tìm kiếm liên quan đến khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ tăng đột biến trong tháng này. Các lượt tìm kiếm về “khủng hoảng tài chính toàn cầu” dự kiến sẽ đạt mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2010, trong khi các lượt tìm kiếm về “Đại Suy thoái” dự kiến sẽ đạt đỉnh kể từ đại dịch COVID-19.
Trên TikTok, một nhóm thế hệ Millennials và Gen X đã vào vai những người anh chị lớn tuổi hơn, hồi tưởng lại quá khứ và đưa ra lời khuyên cho những người trẻ tuổi về cách tiết kiệm.
Một số Gen Z cũng kêu gọi những “đàn anh, đàn chị” chia sẻ kinh nghiệm về suy thoái vì họ còn quá trẻ để cảm nhận được toàn bộ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính từng định hình thập niên 2000.
“Đây có khả năng... là lần đầu tiên thế hệ Millennials có thể trở thành ‘chuyên gia’ về một lĩnh vực nào đó”, anh Scott Sills (33 tuổi) cho hay. Sills hiện là nhân viên truyền thống tại Louisiana.
Những người đưa ra lời khuyên đang du hành ngược về miền ký ức cuối những năm 2000. Khi đó, những chuyến nghỉ mát giá rẻ đến Florida là chuyện bình thường, thay thế cho những chuyến đi chơi xa hoa ra nước ngoài.
Họ dành dụm phiếu giảm giá để mua những món hàng giá trị lớn. Trang phục công sở giản dị là thứ thường thấy tại các sự kiện xã hội vì họ không đủ khả năng mua nhiều kiểu quần áo.
Cốt lết heo là món ăn chính trong bữa tối vì giá cả tương đối phải chăng. Một nhà sáng tạo nội dung còn nói cốt lết heo “có vị giống” như Đại Suy thoái. Họ pha thức uống từ các loại rượu rẻ tiền tại những bữa tiệc gia đình, thay vì uống cocktail tại các quán bar.
Và chắc chắn, một số cuộc thảo luận bây giờ còn tập trung vào lạm phát, khi áp lực giá khiến một số mẹo hay không còn khả thi. Một số nhà sáng tạo nội dung chỉ ra rằng mức lương tối thiểu trên toàn quốc vẫn là 7,25 USD/giờ kể từ năm 2009, dù chi phí sinh hoạt đã tăng vọt.
Cô Kimberly Casamento sống tại New Jersey phát hiện ra rằng chi phí cho những bữa ăn lúc trước được coi là giá rẻ đã tăng vọt từ 100% đến 150%. “Mọi khía cạnh của cuộc sống đều trở nên rất tốn kém đến mức khó có ai có thể tồn tại. Nếu một ai đó có thể giảm chi phí bữa ăn 5 USD, đó đã là một thắng lợi”, cô nói.
Cốt lết heo trở thành lựa chọn hàng đầu cho bữa tối vì giá phải chăng hơn. (Ảnh minh hoạ: Kenneth Sponsler).
Theo bà Megan Way, Phó Giáo sư tại Đại học Babson, kiểu chia sẻ kiến thức cộng đồng này rất phổ biến trong thời kỳ kinh tế bất ổn và người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng.
Hồi cuối những năm 2000, những người hàng xóm trò chuyện với nhau về cách cắt giảm chi phí hoặc giúp bữa ăn trở nên tiết kiệm hơn. Ngày nay, các cuộc trao đổi diễn ra trên môi trường mạng nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội, bà Way giải thích.
“Việc tiếp cận người khác khi tình hình trở nên không chắc chắn và cố gắng học hỏi kinh nghiệm là một điều rất tự nhiên. Sẽ rất khác biệt nếu bạn có chút chuẩn bị cho tương lai. Một trong những điều tồi tệ nhất với nền kinh tế là nỗi sợ hãi khủng khiếp”, vị giáo sư nhấn mạnh.
Bà nhận định người Mỹ nhanh chóng hồi tưởng lại khủng hoảng tài chính năm 2008 vì cuộc suy thoái đó quá sốc và gây tác động sâu rộng, khiến nhiều người cùng chịu ảnh hưởng.
Song, bà cho biết có những điểm khác biệt lớn giữa tình hình lúc đó và bây giờ, chẳng hạn hiện tại nền kinh tế không đối mặt với nợ xấu - nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của thị trường nhà ở năm xưa.
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý người Mỹ vẫn đang đối mặt với sự bất ổn trên nhiều mặt trận, từ nền kinh tế, môi trường địa chính trị đến các ưu tiên chính sách trong nước (như cắt giảm nhân sự liên bang hoặc hạn chế người nhập cư). Bất ổn có thể khơi lại cảm giác bất an về tương lai.
Trong năm 2025, rõ ràng là niềm tin của người Mỹ vào nền kinh tế đang nhanh chóng xấu đi. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ vào tháng 4.
ECB dự kiến sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6/2025.
Động thái của Shein có thể tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ.
Trường hợp của Huawei cho thấy các hạn chế thương mại sâu rộng của Mỹ thực chất đang thúc đẩy Trung Quốc đạt bước tiến đáng kể trong lĩnh vực công nghệ, thậm chí có thể tạo ra thay đổi lớn trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã kêu gọi Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masato Kanda thực hiện các bước cụ thể nhằm chấm dứt việc cho Trung Quốc vay vốn.