(Hình minh họa: Bloomberg).
Vào tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách thực thể của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ. Các công ty bị liệt vào danh sách này chịu những hạn chế nghiêm ngặt đến mức trên thực tế, họ bị cắt đứt hoàn toàn khỏi ngành công nghệ Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã lo ngại về rủi ro gián điệp liên quan đến Huawei từ 20 năm trước. Sự ra đời của mạng 5G buộc Washington phải hành động thật nhanh bởi nếu không sẽ ngày càng nhiều thiết bị và hạ tầng thiết yếu của Mỹ gắn với phần cứng của Huawei.
Chưa thỏa mãn với việc ngăn cấm Huawei tại nước nhà, giới chức Mỹ còn tổ chức chiến dịch trên toàn cầu để thuyết phục những nước khác cấm ông lớn công nghệ Trung Quốc.
Động thái của Mỹ ngay lập tức gây ra tác động rõ rệt. Doanh thu của Huawei giảm hơn 25% trong hai năm sau. Nhưng sau đó, điều bất ngờ đã xảy ra. Dù bị trục xuất khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới, Huawei vẫn sống sót.
Tình hình tài chính của Huawei dần khởi sắc và năm ngoái doanh thu của công ty đã trở về gần mức đỉnh cao trước khi bị Mỹ áp hạn chế.
Sự hồi phục của Huawei là minh chứng rõ rệt cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm Trung Quốc có thể phản tác dụng, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ và cả nền an ninh quốc gia.
Trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone lớn nhất thế giới.
Sau khi bị tước quyền tiếp cận công nghệ Mỹ, Huawei nỗ lực phát triển hệ điều hành có tên HarmonyOS. Vào năm 2024, công ty này tiến xa hơn với màn ra mắt HarmonyOS Next, hệ điều hành được người hâm mộ mệnh danh là “Máu thuần chủng” bởi nó hoàn toàn được phát triển nội bộ.
Một phần nhờ vào Harmony OS, gần đây Huawei đã soán ngôi Apple trở thành nhà sản xuất smartphone số một tại Trung Quốc về doanh số.
Hiện tại HarmonyOS chỉ hoạt động tại Trung Quốc, nhưng hệ điều hành này đã được cài đặt trên một tỷ thiết bị, từ smartphone, máy tính đến ô tô và thiết bị gia dụng.
Song, ông lớn Trung Quốc không thỏa mãn với việc chiến thắng tại quê nhà mà ấp ủ tham vọng thách thức thế thống trị toàn cầu của Android Google và iOS Apple.
Chủ tịch Eric Xu của Huawei tuyên bố họ muốn HarmonyOS trở thành “hệ điều hành di động thứ ba cho thế giới”. Năm ngoái, Huawei vạch ra kế hoạch xây dựng hệ sinh thái ứng dụng ở Trung Quốc trước khi “dần dần tiến ra” những nước khác.
Huawei đã đạt được một số chiến thắng ban đầu. McDonald’s, Grab và Emirates Airline đều phát triển ứng dụng cho HarmonyOS.
Để thu hút thêm nhiều nhà phát triển, đặc biệt là bên ngoài Trung Quốc, Huawei cung cấp công cụ để biến các ứng dụng Android trở nên tương thích với HarmonyOS. Công ty cũng trợ giúp tài chính cho các nhà phát triển.
Bản thân Huawei cũng nhận được sự giúp đỡ của các nhà chức trách Trung Quốc. Hồi tháng 3, chính quyền Thâm Quyến đã công bố kế hoạch thúc đẩy phát triển các ứng dụng gốc của HarmonyOS, bao gồm cả một số trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp.
Nếu Huawei thành công, Harmony có thể trở thành kẻ thách thức đáng gờm với Android, iOS và Windows.
Cuộc đua trở thành hệ điều hành điện thoại thống trị có ý nghĩa to lớn bởi sự phổ biến của smartphone và cả những thiết bị liên kết với nó. Và bước tiến của Harmony ra quốc tế cũng sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Ứng dụng trợ lý smartphone Xiaoyi của Huawei sử dụng DeepSeek, PC của Huawei cũng cài đặt sẵn các ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn của DeepSeek.
Theo tờ Bloomberg, trường hợp của Huawei cho thấy các quan chức Mỹ nên nghĩ kỹ lại về chiến lược cấm cả doanh nghiệp Trung Quốc.
Mỹ đã tốn nhiều công sức để củng cố an ninh dữ liệu bằng cách loại bỏ thiết bị Huawei khỏi hạ tầng mạng lưới khắp thế giới.
Theo chương trình “Xé toạc và thay thế” bắt đầu từ năm 2020, các quan chức Mỹ đã ra sức thuyết phục những nước khác loại bỏ phần cứng Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông. Lý do Mỹ đưa ra là công ty này có lịch sử về lỗ hổng bảo mật mạng.
Nếu HarmonyOS thành công tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc, Bloomberg cho rằng điều này sẽ gây ra một loạt rủi ro an ninh mới do smartphone, laptop, ô tô và đồ gia dụng của Huawei sẽ vận hành dựa trên mạng lưới viễn thông của các nước.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng tỷ USD mà các quốc gia chi để loại bỏ thiết bị Huawei khỏi hạ tầng và những nỗ lực của Mỹ trong 5 năm qua sẽ đổ bể.
Bài học ở đây không chỉ liên quan tới một doanh nghiệp Trung Quốc đơn lẻ. Giới chức Mỹ coi sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Họ lập luận rằng việc hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ngăn Bắc Kinh giành lợi thế chiến lược về công nghệ.
Nhưng ví dụ của Huawei cho thấy rõ các chính sách kìm hãm Trung Quốc có hạn chế. Chúng thậm chí có thể thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc đổi mới và phát triển.
Tương tự, lệnh hạn chế xuất khẩu Mỹ mới áp đặt gần đây với chip H20 của Nvidia có thể gây ra nỗi đau ngắn hạn với Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng nó sẽ đẩy nhanh năng lực tự sản xuất chip của nước này.
Huawei đang hành động để lấp đầy khoảng trống, dự kiến sẽ vận chuyển chip AI Ascend 910C cho các khách hàng ngay từ tháng sau.
ECB dự kiến sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6/2025.
Lo sợ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đẩy nền kinh tế vào suy thoái, không ít người Mỹ đang cuống cuồng học cách thích nghi với khó khăn dựa trên những kinh nghiệm từ thế hệ đi trước.
Động thái của Shein có thể tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã kêu gọi Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masato Kanda thực hiện các bước cụ thể nhằm chấm dứt việc cho Trung Quốc vay vốn.