Một siêu thị ở Manhattan. (Ảnh: Getty Images).
Chứng khoán Mỹ đang phát đi tín hiệu báo động đỏ. Ngay cả những người không để tiền trong thị trường, đây cũng là điều đáng lo.
Chứng khoán sụt giảm có thể là dấu hiệu về rắc rối của nền kinh tế trong tương lai, dù không phải lúc nào cũng báo đúng. Đôi khi thị trường sụp đổ và suy thoái ập đến, ví dụ như những gì xảy ra sau vụ đổ vỡ bong bóng dot-com năm 2000. Cũng có lúc chứng khoán rơi xuống thị trường gấu nhưng nền kinh tế vẫn bền vững, giống như trong cuộc khủng hoảng nợ Nga năm 1998.
Nhà kinh tế nổi tiếng Paul Samuelson từng nói đùa vào năm 1966 rằng các chỉ số chứng khoán chính đã dự báo 9 trong số 5 cuộc suy thoái gần nhất. Song, giá cổ phiếu trượt dốc không chỉ là dấu hiệu nền kinh tế có thể đang gặp rắc rối. Đà giảm của thị trường có nguy cơ làm tăng thêm nỗi đau của nền kinh tế.
Lý do dễ thấy nhất là tình hình tài chính của hàng triệu người Mỹ gắn liền với thị trường chứng khoán. Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy vào năm 2022, khoảng 58% hộ gia đình Mỹ nắm giữ cổ phiếu dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, ví dụ như tài khoản hưu trí.
Đối với những người thuộc nhóm 50% thu nhập thấp nhất có nắm giữ cổ phiếu, giá trị trung vị số cổ phiếu họ nắm giữ là 12.600 USD. Con số này đối với các cá nhân thuộc top 10% là 608.000 USD.
Đà tăng ấn tượng của chứng khoán Mỹ kể từ năm 2020 đã thúc đẩy hàng triệu người tập tành đầu tư. Điều này khiến tình hình tài chính của người Mỹ gắn chặt với thị trường chứng khoán hơn bao giờ hết.
Tỷ trọng của cổ phiếu trong tổng tài sản tài chính của các hộ gia đình Mỹ đã nhảy vọt lên 36% vào đầu năm 2025. Ông Ed Clissold, Giám đốc đầu tư tại Mỹ của công ty nghiên cứu Ned Davis Research, cho biết đây là mức cao nhất kể từ thập niên 1950 đến nay.
Tờ WSJ cho biết nhiều người Mỹ đã quen với việc thường xuyên kiểm tra tài khoản chứng khoán, biến chỉ số S&P 500 trở thành thước đo thời gian thực cho của cải của họ.
Thêm nữa, nhiều người vẫn nhớ rằng các đợt náo loạn của thị trường trong quá khứ - ví dụ như vụ sụp đổ bong bóng dot-com hay khủng hoảng tài chính 2008 - gắn liền với các giai đoạn suy thoái.
Khi thị trường tăng điểm và giá trị các danh mục đầu tư tăng lên, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu. Các nhà kinh tế gọi đây là hiệu ứng của cải.
Nghiên cứu năm 2022 của ba nhà kinh tế Gabriel Chodorow-Reich, Plamen Nenov và Alp Simsek tính toán rằng khi giá trị danh mục đầu tư tăng thêm 1 USD, chi tiêu của người tiêu dùng tăng 0,032 USD một năm. Tiêu dùng đi lên giúp tạo ra thêm việc làm và cải thiện tiền lương của người lao động.
Trường hợp của ông Rob Baruch, một doanh nhân 58 tuổi đã về hưu ở bang Maryland, là ví dụ điển hình cho hiệu ứng của cải. Ông đã tham gia thị trường chứng khoán trong nhiều năm, từng đầu tư xuyên suốt vụ đổ vỡ của bong bóng dot-com và thường mua cổ phiếu khi giá giảm. Nhưng những lần biến động mạnh như hiện nay vẫn làm ông thấy căng thẳng và suy nghĩ lại về các chuyến du lịch xa xỉ hay khoản mua sắm lớn.
Ông cho biết: “Nếu các khoản đầu tư sinh lời tốt, tôi thấy thoải mái hơn khi mua rượu sang”. Nhưng khi cổ phiếu lao dốc, ông tự hỏi: “Liệu mình có nên đi du lịch ở Harlan năm nay không?”
Cổ phiếu là một nguồn tài trợ quan trọng cho doanh nghiệp, biến động của cổ phiếu cũng thường ảnh hưởng đến các nguồn tài trợ khác. Sau khi giá cổ phiếu trượt dốc vì kế hoạch thuế quan đối ứng của ông Trump, nhà đầu tư cũng bán tháo trái phiếu doanh nghiệp, kéo lợi suất lên cao.
Hậu quả là nhiều doanh nghiệp sẽ tốn kém hơn khi huy động vốn trên thị trường đại chúng thông qua các buổi chào bán cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp đã hoãn hoặc lùi kế hoạch vay nợ. Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp hạng đầu tư - thường có tình hình tài chính lành mạnh - đã ngừng lại vào ngày 4/4. Trong ngày hôm đó, chỉ số S&P 500 lao dốc gần 6% và khép lại tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020.
Đối với một số doanh nghiệp, cánh cửa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng đã đóng sập lại, bao gồm công ty fintech Chime và công ty tiền mã hóa Circle Internet Financial, tờ WSJ cho hay.
Giá cổ phiếu giảm cũng có thể báo hiệu cho lãnh đạo một doanh nghiệp rằng giờ là lúc họ cần thắt chặt chi tiêu, ví dụ như hoãn hoặc hủy kế hoạch mở rộng và ngừng tuyển dụng.
Các công ty tư nhân không trên sàn cũng có thể coi giá cổ phiếu giảm là dấu hiệu họ cần cẩn trọng hơn. Ví dụ, một xưởng cơ khí coi ngành công nghiệp ô tô là khách hàng chính sẽ lo lắng nếu cổ phiếu ô tô bắt đầu giảm.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng vượt dự kiến trong tháng 3 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để tránh thuế quan trừng phạt của Mỹ, trong khi nhập khẩu tiếp tục giảm do nhu cầu trong nước trì trệ.
Mỹ phụ thuộc nặng nề vào nguồn khoáng sản thiết yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là đất hiếm. Do đó, Bắc Kinh có thể biến nguồn tài nguyên này thành công cụ gây sức ép hiệu quả trong căng thẳng thương mại với Washington.
Ông Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ hùng mạnh Bridgewater Associates, lo ngại hệ thống tiền tệ toàn cầu sẽ gặp cú sốc lớn hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo thông tin có phần hỗn loạn từ Tổng thống Trump và các cấp dưới, các miễn trừ thuế quan đối ứng với điện thoại thông minh, máy tính và chip sẽ sớm bị đảo ngược.