Trong chương trình Data Talk | The Catalyst tuần này, các chuyên gia sẽ đi sâu vào phân tích kết quả kinh doanh quý I/2025 của các nhóm ngành chủ lực như chăn nuôi, phân bón, hóa chất, thép và cập nhật diễn biến ở dệt may, thủy sản; đồng thời đánh giá sức hấp dẫn của những “ông lớn” ngoài tài chính như MWG, FPT, PNJ, BMP, DGC, FPT…
Đồng hành cùng chương trình Data Talk | The Catalyst là ông Nguyễn Tấn Toàn, Trưởng phòng Khách hàng Trực tuyến Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (Host), cùng hai diễn giả: ông Nguyễn Thanh Sơn – Wealth Manager, Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán HSC và ông Nguyễn Thành Trung, CFA, MBA, Nhà sáng lập FinSuccess.
Toàn cảnh KQKD quý I/2025: Phân hóa rõ nét
Thống kê đến cuối tháng 4/2025 ghi nhận hơn 500 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính. Bức tranh kết quả kinh doanh quý I cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Các lĩnh vực như nhựa xây dựng, điện, phân bón ghi nhận tăng trưởng tích cực, trong khi các nhóm như xi măng, lốp xe, bao bì giấy lại đối mặt với sự sụt giảm.
Đáng chú ý, nhóm phân bón – hóa chất, chăn nuôi nổi lên với kết quả ấn tượng, trong khi một số ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, logistics bắt đầu cảm nhận áp lực từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Theo ông Nguyễn Thành Trung, yếu tố phân hóa không chỉ đến từ ngành mà còn thể hiện rõ trong nội tại từng doanh nghiệp.
Ngành xuất khẩu ổn định trong quý I, áp lực dồn về quý III
Mặc dù nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản và dệt may bị ảnh hưởng bởi thông tin về các biện pháp thuế quan từ Mỹ, nhưng kết quả quý I vẫn giữ được sự ổn định. Trong nhóm thủy sản, doanh nghiệp như FMC ghi nhận doanh thu tăng gần 30%, song lợi nhuận lại giảm tương ứng do yếu tố mùa vụ và đặc thù ngành. Ngược lại, Vĩnh Hoàn – đại diện nhóm cá tra – chứng kiến doanh thu giảm nhẹ khi giá bán chưa phục hồi.
Với ngành dệt may, các doanh nghiệp như TNG, May Sông Hồng, Dệt may Thành Công đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số. Tuy nhiên, theo ông Trung, nhà đầu tư trong nước hiện tại ít quan tâm đến kết quả quý I và II mà chủ yếu hướng sự chú ý đến rủi ro thuế quan trong quý III – thời điểm chính sách miễn trừ 90 ngày kết thúc.
Ông Trung nhận định, hiện tại các nhà nhập khẩu Mỹ đang đẩy mạnh nhập hàng để tận dụng giai đoạn miễn thuế, điều này có thể giúp kết quả quý II tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, áp lực sẽ rõ rệt hơn từ quý III, khi chính sách thuế mới thực sự có hiệu lực.
Biên lợi nhuận ngành phân bón - hóa chất cải thiện, chính sách thuế sẽ hỗ trợ từ quý III
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, dù thiếu vắng các tên tuổi lớn như Đạm Phú Mỹ và Bình Điền trong mùa báo cáo, các doanh nghiệp như Đạm Cà Mau, DGC và DDV vẫn phần nào mô tả bức tranh tích cực của ngành khi ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong quý I.
Dưới góc nhìn phân tích, ông Sơn đánh giá tích cực xu hướng hồi phục của nhóm ngành phân bón, nhờ kết hợp giữa giá đầu vào (khí, apatit, lưu huỳnh, kali) giảm và nhu cầu tiêu thụ cải thiện. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua chính sách hoàn thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón (có hiệu lực từ tháng 7/2025) được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp.
Về phân tích mô hình kinh doanh, ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của biên lợi nhuận cao trong việc tối ưu ROE dài hạn. Các doanh nghiệp có tỷ lệ tiền mặt cao, tài sản lành mạnh, không vay nợ như DDV đang được định giá quanh mức P/E 11 lần, được ông Sơn đánh giá là hấp dẫn sau mùa báo cáo.
Trong khi đó, Đức Giang – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hóa chất – vẫn duy trì nền tảng tài chính và hoạt động ổn định, song tốc độ tăng trưởng đang chững lại. Với P/E khoảng 11 lần, cổ phiếu này được đánh giá phù hợp cho chiến lược đầu tư trung hạn, đặc biệt khi thị trường chiết khấu về vùng P/E 8–10 lần.
Ngành chăn nuôi: Tăng trưởng đột biến nhờ giá heo và chi phí đầu vào
Từ cuối năm 2024, giá heo hơi tại Việt Nam tăng mạnh, có thời điểm vượt 80.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm sâu. Theo ông Nguyễn Thành Trung, đây là cơ hội kép cho các doanh nghiệp như Dabaco và BAF.
Lợi nhuận quý I của Dabaco tăng gần 600% so với cùng kỳ, BAF cũng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi. Ông Trung lưu ý rằng mô hình kinh doanh chăn nuôi có độ biến động cao, phụ thuộc vào cung – cầu, giá thị trường và rủi ro dịch bệnh.
Ngoài ra, từ năm 2025, Luật Chăn nuôi mới bắt đầu có hiệu lực, siết chặt tiêu chuẩn về quy trình và quy mô chăn nuôi. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất khép kín, quy mô lớn chiếm thêm thị phần trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cảnh báo rằng giá heo hơi đang có dấu hiệu điều chỉnh từ vùng đỉnh 80.000 đồng/kg về quanh 70.000 đồng/kg, có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng lợi nhuận trong các quý tiếp theo.
Nhóm cổ phiếu lớn FPT, MWG, Hòa Phát duy trì tăng trưởng tốt, định giá đang ở vùng hấp dẫn hơn
Trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi lo ngại thuế quan, các cổ phiếu bluechips ngoài ngành tài chính trở thành điểm tựa cho nhiều nhà đầu tư. Ông Nguyễn Sơn đánh giá FPT, với mức tăng trưởng lợi nhuận đều đặn 20% mỗi năm, sau đợt giảm mạnh, cổ phiếu này đang giao dịch quanh vùng P/E 15–16 lần – thấp hơn mức trung bình nhiều năm.
Vấn đề hợp nhất FPT Telecom từng gây lo ngại, song theo ông Sơn, nếu có thay đổi từ hợp nhất sang liên kết, tổng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của FPT cũng sẽ không biến động nhiều.
Cùng với đó, ông Trung dành nhiều kỳ vọng cho MWG và Hòa Phát. MWG đã vượt qua giai đoạn khó khăn giai đoạn 2022–2023, phục hồi mạnh mẽ từ cuối 2024 và hiện đã đạt mức lợi nhuận vượt đỉnh nhiều năm. Thị phần bán lẻ cũng gia tăng đáng kể nhờ sự rút lui của các đối thủ nhỏ lẻ.
Hòa Phát – với lợi thế sản xuất nội địa, tích hợp chuỗi, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ chính sách nội địa hóa và đầu tư công. Đồng thời, các yếu tố bên ngoài như thuế phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu càng củng cố thêm triển vọng phục hồi của doanh nghiệp này.
Một quý tích cực, nhưng chưa đủ an tâm cho phần còn lại của năm
Các doanh nghiệp ngoài tài chính ghi nhận một quý I tương đối tích cực, đặc biệt ở các nhóm phân bón – hóa chất, chăn nuôi, bán lẻ và công nghệ. Tuy nhiên, với những bất định đang hiện hữu từ môi trường thuế quan và tăng trưởng toàn cầu, quý II và quý III sẽ là giai đoạn bản lề để kiểm định tính bền vững của xu hướng này.
Data Talk | The Catalyst" khép lại bằng lời khẳng định từ hai chuyên gia: Trong thời kỳ bất định, phân tích báo cáo tài chính, hiểu mô hình kinh doanh và đánh giá đúng đặc thù từng ngành là công cụ quan trọng nhất giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro và tìm kiếm cơ hội một cách có cơ sở.
TMT Mortors - đơn vị phân phối xe Wuling tại Việt Nam - lãi sau thuế gần 34 tỷ đồng quý đầu năm nay, gấp 112 lần cùng kỳ 2024.
Doanh thu quý I giảm 25% nhưng các chi phí chưa hạ tương ứng, khiến lợi nhuận chủ quản công viên nước Đầm Sen sụt về 8,6 tỷ đồng.
Hãng taxi Vinasun lãi gần 14,2 tỷ đồng trong quý I, mức thấp nhất gần 2 năm qua khi hoạt động chở hành khách và quảng cáo trên taxi giảm.
Tập đoàn này đã hoàn thành phân kỳ 1 dự án Dung Quất 2, đưa hơn 20.000 tỷ đồng chi phí dở dang thành tài sản trên bảng cân đối kế toán trong quý đầu năm.