Điều gì khiến giá cà phê giảm gần một nửa chỉ trong vòng 5 tháng?

Nguồn cung được dự báo tăng sẽ tiếp tục là nhân tố tạo nên sức ép làm giảm giá cà phê.

Giá cà phê giảm 40% từ đỉnh

Thị trường cà phê trong nước và thế giới đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Tại thị trường nội địa, giá cà phê đã trải qua một đợt điều chỉnh giảm kéo dài suốt hai tháng rưỡi vừa qua.

Từ mức đỉnh 135.500 đồng/kg vào tháng 3, giá cà phê tại Tây Nguyên đã giảm xuống còn 89.500–90.300 đồng/kg tính đến giữa tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024.

 Nguồn: Giacaphe.com (H.Mĩ tổng hợp)

Tại thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao trong tháng 9 tại ngày 16/7 ở mức 3.423 USD/tấn, giảm 40% so với mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2.

 Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam, nhận định giá cà phê giảm còn nhiều nguyên nhân trong đó có tác động của giới đầu cơ tài chính trên sàn London và nguồn cung đang cải thiện. Tình hình thời tiết ở các nước trồng cà phê ở một số nước chủ chốt như Việt Nam, Brazil,…được dự báo ổn định, không xuất hiện tình trạng khô hạn. Điều này tác động tích cực đến nguồn cung cà phê.

Chia sẻ với chúng tôi ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng giá cà phê giảm phần lớn do thông tin cung - cầu thời gian gần đây. Các nông trại cà phê robusta tại Brazil trong niên vụ 2025 - 2026 được dự báo được mùa. Do đó, giá loại cà phê này giảm mạnh hơn so với arabica.

“Nhiều khi các nhà sản xuất tại các nước “tung hoả mù” thông tin sản lượng nhưng tôi cho rằng lần này nhiều khả năng thông tin Brazil được mùa là đúng. Sản lượng robusta của nước này có thể tăng rất cao”, ông Minh nói.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Brazil – quốc gia xuất khẩu  cà phê  lớn nhất thế giới – dự kiến tăng trong niên vụ 2025-2026 (từ tháng 7/2025 đến tháng 6/2026), ước đạt khoảng 65 triệu bao loại 60 kg, tăng 0,5% so với vụ 2024-2025.

USDA cho biết mức tăng về sản lượng chủ yếu đến từ cà phê robusta. Sản lượng robusta dự báo đạt 24,1 triệu bao, tăng 15% so với vụ trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi tại các vùng sản xuất chủ yếu.

Trong khi đó, sản lượng arabica được dự báo giảm xuống 40,9 triệu bao, thấp hơn 6,4% so với vụ 2024-2025. Nguyên nhân bao gồm thời tiết khô hạn, nhiệt độ cao kéo dài trong năm 2024 và ảnh hưởng của chu kỳ sản lượng thấp theo năm.

Brazil đang trên lộ trình phục hồi sản lượng cà phê trong năm tới, mở ra hy vọng giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, theo nhận định của nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, theo Bloomberg.

“Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, có thể nói khá chắc chắn rằng sản lượng năm sau sẽ cao hơn năm nay,” ông David Neumann, Giám đốc điều hành của Neumann Gruppe GmbH, cho biết bên lề một hội nghị tổ chức tại Campinas, bang Sao Paulo.

Lượng mưa đều đặn đã hỗ trợ sự phát triển của cây cà phê tại các vùng trồng arabica chủ chốt, tạo điều kiện cho đợt phục hồi sau khi hạn hán làm sụt giảm sản lượng trong năm nay.

Cùng lúc đó, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam - quốc gia trồng loại cà phê này lớn nhất thế giới cũng được dự báo tăng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê  niên vụ 2025 - 2026 của Việt Nam đạt 31 triệu bao (quy đổi cà phê nhân xanh), do nông dân mở rộng sản xuất nhờ giá cà phê tăng cao. Trong đó, sản lượng robusta ước đạt 30 triệu bao, còn arabica đạt khoảng 1 triệu bao.

Cơ quan này giữ nguyên ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 ở mức 29 triệu bao (gồm 28 triệu bao robusta). Giá cà phê tăng cùng điều kiện thời tiết thuận lợi đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng cà phê của Việt Nam.

Như vậy, sản lượng cà phê do USDA ước tính cho niên vụ 2025 - 2026 cao hơn gần 7% so với niên vụ trước đó.

Ông Minh cho biết mùa vụ 2025 - 2026 có dấu hiệu cải thiện sản lượng nhờ thời tiết thuận lợi. “Năm nay mùa khô, tình trạng khô hạn không quá nghiêm trọng và mưa cũng đến sớm hơn. Điều này giúp cho cây có đủ nước nó phát triển, quả nhiều và kích thước lớn. Điều này giúp sản lượng cà phê năm nay có thể đạt tốt, cao hơn năm trước một chút”, ông nói.

Mặc dù giá cà phê lao dốc, tình hình tiêu thụ mặt hàng này của Việt Nam vẫn cho thấy tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 đạt 117.983 tấn, kim ngạch thu về gần 677,9 triệu USD, tăng mạnh 52,1% về lượng và 92,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp của mặt hàng này.

Kết quả là tổng xuất khẩu cà phê trong quý II vừa qua đã tăng 40,6% về lượng và 95,8% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 451.322 tấn, kim ngạch 2,6 tỷ USD.

 Nguồn: Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt nam đã xuất khẩu 947.102 tấn cà phê với kim ngạch đạt 5,4 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng tới 66,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm, gần vượt qua mốc 5,6 tỷ USD của cả năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tăng tới 59% (2.117 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước, lên mức 5.705 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 6, giá xuất khẩu đạt 5.746 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2025 vẫn tích cực nhờ nhu cầu tiêu dùng thế giới phục hồi, nguồn cung trong nước tăng.

Áp lực giảm giá trong trung hạn

Xét về dài hạn, giá cà phê được đánh giá sẽ có thể tiếp tục giảm vì áp lực nguồn cung tăng lên trong thời gian tới.Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma ThuộtTrịnh Đức Minh nhận định một “con sóng” giá cà phê chỉ có thể kéo dài tối đa 4 - 5 năm, sau đó điều chỉnh xuống và hiện tại nhiều nước cũng đang lên kế hoạch tăng sản lượng. 

Theo Jakarta Globe, Indonesia đang đặt mục tiêu vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, khi chính phủ đẩy mạnh các nỗ lực tăng sản lượng trong nước và tận dụng nhu cầu toàn cầu đang gia tăng.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Lương thực Zulkifli Hasan (ông Zulhas), cho biết Indonesia hiện đứng thứ tư toàn cầu với hơn 700.000 tấn cà phê  được sản xuất hàng năm. Ông tin rằng con số này có thể tăng đáng kể nếu áp dụng đúng chiến lược.

“Giá hiện tại rất thuận lợi, vì vậy chúng ta cần tăng năng suất,” ông Zulhas nhấn mạnh. Ông cho rằng cần cải thiện chất lượng giống cây trồng, quy trình xử lý sau thu hoạch và bao bì cạnh tranh hơn để nâng cao giá trị của cà phê Indonesia.

Bên cạnh Indonesia, ông Minh cho biết đối thủ đáng lo ngại nhất là Brazil bởi nước này còn nhiều dư địa tăng sản lượng bởi tài nguyên, đất đai còn nhiều và họ biết cách tổ chức sản xuất một cách bài bản, quy củ. 

Nhà xuất khẩu cà phê Brazil Grupo Tristao nhận định sản lượng cà phê tại bang Espirito Santo có thể vượt qua Việt Nam trong vài năm tới. Công ty cũng lên kế hoạch xây dựng một kho hàng lớn mới tại khu vực này nhằm đáp ứng nguồn cung gia tăng, theo Reuters.

Espirito Santo hiện là bang sản xuất cà phê lớn thứ hai của Brazil, chỉ sau Minas Gerais. Tuy nhiên, nếu Minas Gerais chủ yếu trồng cà phê arabica – loại có giá trị cao hơn – thì Espirito Santo lại tập trung vào giống robusta, thường có giá rẻ hơn và chủ yếu được dùng để sản xuất cà phê hòa tan.

Nếu được xem là một quốc gia riêng biệt, Espirito Santo sẽ đứng thứ ba thế giới về sản lượng cà phê, chỉ sau Brazil và Việt Nam. Tuy vậy, ông Sergio Tristao – người đứng đầu Grupo Tristao, một trong những nhà xuất khẩu cà phê nhân và cà phê hòa tan hàng đầu – tin rằng bang này sẽ sớm thu hẹp khoảng cách với Việt Nam, quốc gia cũng chủ yếu sản xuất cà phê robusta.

“Không phải là không thể khi hình dung rằng trong vòng 5 năm tới, Espirito Santo sẽ sản xuất nhiều hơn cả Việt Nam,” ông Tristao chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Ông dẫn các yếu tố như công nghệ tiên tiến, hệ thống tưới tiêu hiện đại và tiềm năng mở rộng diện tích trồng trên các đồng cỏ bị thoái hóa là nguyên nhân thúc đẩy đà tăng sản lượng. Nhiều nhà giao dịch trên thị trường cũng tỏ ra bất ngờ trước tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của sản lượng cà phê robusta tại Brazil.

Còn tại Việt Nam, ông Minh cho hay, trong hơn hai năm qua, giá cà phê tăng mạnh nên nhiều hộ đẩy mạnh việc tái canh. Điển hình như tại địa bàn Buôn Ma Thuột, diện tích cà phê trung bình hàng năm là khoảng 4.000 ha, năm nay có thể lên đến khoảng 5.000 ha. Số diện tích mới trồng này sẽ bắt đầu cho thu hoạch trong một vài năm tới, khiến nguồn cung tăng lên. 

Tuy nhiên, theo ông, giá sẽ không giảm sâu như thời kỳ khủng hoảng giá trước đây: “Giá sẽ không xuống mức đáy quá thấp 30.000 - 40.000 đồng như trước đây bởi những yếu tố đầu vào hiện nay đã khác, giá cả đầu vào cũng đã khác. Do đó, giá có thể giảm nhưng mức đáy sẽ cao hơn so với chu kỳ giá xuống trước đây”, ông Minh nói.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ hụt hơi trong tháng 6

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng mạnh trong tháng 3, tháng 4 và đặc biệt là tháng 5 – thời điểm kim ngạch đạt hơn 234 triệu USD, cao nhất trong nửa đầu năm và tăng tới 61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sang tháng 6, xuất khẩu sụt mạnh gần 18%, chỉ còn 131 triệu USD.

Giá xăng giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít chiều ngày 17/7

Trong kỳ điều hành chiều ngày 17/7, giá xăng RON96 giảm hơn 100 đồng/lít, đưa giá mặt hàng này xuống dưới mốc 20.000 đồng/lít.

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu phôi thép nhằm đối phó làn sóng phòng vệ thương mại

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang gia tăng xuất khẩu phôi thép – sản phẩm bán thành phẩm ít bị đánh thuế hơn – sang các thị trường như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm né tránh các hàng rào thuế quan ngày càng dày đặc trên toàn cầu.

Bảng giá vàng ngày 17/7: Vàng SJC ổn định trên 120 triệu, nhẫn trơn và nữ trang có nơi tăng vọt 700.000 đồng/lượng

Trưa 17/7, giá vàng trong nước nhìn chung đi ngang. Vàng miếng SJC giữ nguyên mức 120,6 triệu đồng/lượng sau phiên lao dốc hôm trước, trong khi vàng nhẫn trơn và nữ trang 24K, 18K ghi nhận diễn biến trái chiều tùy theo từng thương hiệu.