Kinh tế Quốc tế 27/07/2025 16:39

Doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau giảm giá nhưng người tiêu dùng chưa chắc hưởng lợi, lý do là gì?

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng nhạy cảm về giá và cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu. Giữa lúc đó, nhiều doanh nghiệp trong nước, tiêu biểu là các hãng xe điện, đang vật lộn để duy trì thị phần bằng cách hạ giá bán.

Một showroom của hãng xe điện BYD. (Ảnh: EEYAUT Waihung/Wikimedia Commons). 

Giảm giá sốc

Các cuộc chiến giá khốc liệt đang ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc, từ các nhà sản xuất ô tô, tấm pin mặt trời cho đến dịch vụ giao đồ ăn. Chúng bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp và khiến áp lực giảm phát của đất nước tỷ dân càng trở nên trầm trọng.

Đối với người tiêu dùng, các chương trình giảm giá sâu có thể rất thu hút, nhưng chúng có thể đi kèm với những hệ lụy tiềm ẩn, khó đoán trước.

Kể từ sau đại dịch COVID-19 và khi bong bóng nhà đất đổ vỡ, người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên nhạy cảm về giá cả. Họ tập trung vào giá trị và cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Để duy trì khả năng cạnh tranh, gần đây các nhà sản xuất ô tô đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại và giảm giá mạnh, làm leo thang cuộc chiến giá cả. 

Trong lĩnh vực thương mại tức thời, Alibaba, JD.com và Meituan đang chạy đua để mở rộng mảng giao hàng. Các ông lớn này cam kết chi hàng tỷ nhân dân tệ để trợ giá cho cả người bán lẫn người mua, thu hút khách hàng với những ưu đãi như trà sữa chưa đến 1 USD.

Dĩ nhiên, xu hướng trên rất hấp dẫn đối với một số người tiêu dùng. Ví dụ tiêu biểu là anh Li Kun, một cư dân ở Bắc Kinh đang cân nhắc mua ô tô điện của XPeng. Anh cho biết bản thân đã lập tức bị thu hút sau khi một nhân viên bán hàng gọi điện và thông tin về chương trình trợ giá mới.

Anh tuyên bố: “Các nhà sản xuất càng cạnh tranh quyết liệt, người mua càng được lợi. Tôi cầu cho họ cứ cạnh tranh thỏa sức đi!”

Nhưng anh Yu Peng, một cư dân Bắc Kinh đang cân nhắc nâng cấp ô tô, lại có cách nhìn khác. Anh nói rằng nếu giá cứ giảm liên tục thì thời điểm mua xe chẳng khác nào đánh bạc. Anh phàn nàn: “Người tiêu dùng chẳng có cách nào khác ngoài việc âm thầm chấp nhận tình trạng này”.

 

Chi phí ẩn

Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đi kèm với những chi phí tiềm ẩn với khách hàng.

Một số người tiêu dùng ở Trung Quốc đồng tình rằng chất lượng và độ an toàn của ô tô có thể không được đảm bảo nếu các hãng xe cắt giảm chi phí để bán hàng giá rẻ. Họ đề cập đến những vụ thu hồi xe và các tính năng hỗ trợ người lái bị đánh giá kém.

Và Bắc Kinh đang lo lắng rằng các cuộc chiến giá không những làm tổn thương các doanh nghiệp, nhà cung ứng mà còn cả tiền lương, doanh thu thuế và toàn bộ nền kinh tế.

Trong những tuần gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tăng cường chỉ trích các cuộc chiến giá. Trong tháng 7, tạp chí Qiushi cảnh báo về cuộc đua xuống đáy có thể buộc doanh nghiệp phải đánh đổi chất lượng. Tạp chí này lưu ý các cuộc chiến giá “cuối cùng sẽ gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng”.

Bài viết cũng chỉ trích một số chính quyền địa phương vì cung cấp các khoản trợ cấp không công bằng.

 

Hôm 16/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ kiềm chế tình trạng cạnh tranh “phi lý” trong ngành xe điện bằng cách siết chặt việc kiểm tra chi phí và giá bán. Một biện pháp khác là chuyển hướng cuộc cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng và công nghệ.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng ưu tiên hàng đầu của các nhiều nhà sản xuất hiện nay vẫn là duy trì thị phần.

Ông Felipe Munoz, nhà phân tích xe tại Jato, nhận xét trong bối cảnh thị trường xe điện đã “bão hòa” với vô vàn thương hiệu và mẫu xe tương tự nhau, những công ty sợ mất thị phần thấy rằng cách duy nhất để sống sót trong ngắn hạn là hạ giá.

Hiệu ứng lan tỏa

Tác động từ các cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc còn đang lan sang cả những nước khác.

Một số người tiêu dùng hoan nghênh nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế của các hãng xe điện Trung Quốc, bởi điều đó sẽ buộc những doanh nghiệp khác phải cung cấp những sản phẩm tốt hơn.

Bà Julia Poliscanova, Giám đốc cấp cao về xe cộ của tổ chức Transport and Environment, cho biết xe điện Trung Quốc đã giúp lấp đầy khoảng trống do sự chậm trễ của các thương hiệu châu Âu gây ra.

Ở thị trường châu Âu, các công ty Trung Quốc định giá xe đắt hơn so với ở thị trường quê nhà. Tuy nhiên, chúng vẫn rẻ hơn một chút, hoặc cung cấp phạm vi hoạt động hay công nghệ tốt hơn những chiếc xe khác trong cùng tầm giá.

Tuy nhiên, yếu tố chính trị cũng có ảnh hưởng đến bước tiến ra nước ngoài của các hãng xe điện Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh châu Âu đang đàm phán về thuế quan và giá xe điện tối thiểu với Bắc Kinh.

Theo bà Poliscanova, câu hỏi đặt ra với các nhà hoạch định chính sách là làm cách nào để khuyến khích các nhà sản xuất pin và xe điện Trung Quốc nội địa hóa chuỗi cung ứng tại châu Âu - giống như những gì các hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm cách đây hàng chục năm.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu quá trình xây dựng các cơ sở ở châu Âu, chủ yếu để phục vụ thị trường xe cỡ nhỏ.

Ngoài ra, tuy người tiêu dùng châu Âu thường quan tâm đến chất lượng hơn là xuất xứ của xe, họ cũng lưu ý về tác động kinh tế tổng thể. Ví dụ, một số người có thể ngần ngại mua xe điện Trung Quốc vì không muốn công nhân của một nhà máy sản xuất ô tô địa phương mất việc.

Ford và Volvo Cars là hai trong số những nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm việc làm ở châu Âu trong những tháng gần đây, một phần bởi sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 27/07/2025 19:23
Tuần mới bùng nổ của thị trường: Ngoài cuộc họp Fed và hạn chót thuế quan, NĐT còn đón chờ gì?

Tuần tới dự kiến sẽ là khoảng thời gian sôi động của thị trường tài chính Mỹ với cuộc họp chính sách của Fed và một loạt sự kiện quan trọng không kém.

Kinh tế Quốc tế 26/07/2025 22:39
Tương lai khó đoán định của TikTok

TikTok sẽ phải ngừng hoạt động tại Mỹ nếu Trung Quốc không chấp thuận thỏa thuận bán ứng dụng chia sẻ video ngắn này do công ty ByteDance sở hữu và đang được khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng.

Kinh tế Quốc tế 26/07/2025 20:17
Chuyên gia gióng hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bong bóng trên thị trường Mỹ

Các chuyên gia của Bank of America cảnh báo nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán Mỹ đang lớn dần.

Kinh tế Quốc tế 26/07/2025 19:35
Kỷ lục về phát hành trái phiếu - tín hiệu đẩy mạnh đầu tư công của Trung Quốc

Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) cho biết giá trị phát hành trái phiếu chính phủ của Trung Quốc đã đạt mức cao lịch sử trong nửa đầu năm nay, khi Trung Quốc thực hiện chính sách tài chính chủ động hơn.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO