Trong hai ngày 29 và 30/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và các đồng nghiệp sẽ tham gia cuộc họp chính sách tiếp theo để thảo luận về vấn đề lãi suất.
Nhìn chung, thị trường dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên chi phí đi vay liên ngân hàng trong phạm vi mục tiêu 4,25 - 4,5%. Giới chức Fed đã duy trì khoảng lãi suất này kể từ tháng 12 năm ngoái.
Trong một dịp hiếm hoi, các nhà hoạch định chính sách sẽ họp mặt gần thời điểm chính phủ Mỹ công bố một loạt báo cáo quan trọng gồm tăng trưởng kinh tế quý II, số liệu việc làm tháng 7 và thước đo lạm phát ưa thích của Fed vào tháng 6.
Giới chuyên gia dự đoán báo cáo GDP mới sẽ cho thấy hoạt động kinh tế tại siêu cường số một thế giới đã phục hồi trong quý II, chủ yếu do thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ thu hẹp đáng kể.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định tăng trưởng việc làm đã chững lại trong tháng 7 và lạm phát lõi có thể đã tăng nhẹ trong tháng 6 so với tháng liền trước, Bloomberg thông tin.
Trên phạm vi toàn cầu, lệnh tạm hoãn áp thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ kết thúc vào ngày 1/8. Đây là mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều quốc gia.
Đáng chú ý, các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Thuỵ Sỹ vẫn hy vọng sẽ đạt một thoả thuận thương mại với chính quyền ông Trump trước khi hạn chót kết thúc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến Scotland để gặp Tổng thống Trump nhằm cố gắng đạt một thoả thuận. Theo kế hoạch, hai bên sẽ gặp nhau vào ngày 27/7.
Song, các quan chức châu Âu đã nhiều lần cảnh báo rằng thoả thuận thương mại vẫn phụ thuộc vào ông Trump, khiến kết quả cuối cùng khó có thể dự đoán.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg).
Chính phủ Mỹ ước tính nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,4% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Trong quý đầu năm, GDP Mỹ giảm 0,5% do thâm hụt thương mại hàng hoá tăng mạnh.
Theo các chuyên gia, báo cáo GDP quý II có thể cho thấy nhu cầu của các hộ gia đình và đầu tư của các doanh nghiệp chỉ tăng trưởng khiêm tốn. Bản báo cáo dự kiến sẽ được công bố vào ngày 30/7.
Ước tính trung vị của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cho thấy chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 1,5% trong quý II, đánh dấu mức tăng hàng quý yếu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Đến ngày 31/7, chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 6. PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của các nhà hoạch định chính sách Fed.
Các chuyên gia dự đoán PCEPI lõi (chỉ số không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) đã tăng nhẹ so với tháng liền trước, cho thấy doanh nghiệp đang dần đẩy chi phí gia tăng do thuế quan sang người tiêu dùng.
Đến ngày 1/8, chính phủ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 7. Các nhà kinh tế nhận định báo cáo sẽ cho thấy các doanh nghiệp đang thận trọng hơn trong hoạt động tuyển dụng.
Mức tăng việc làm phi nông nghiệp có thể đã chững lại trong tháng 7 sau khi tăng vượt dự báo vào tháng 6, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 4,2%.
Theo Bloomberg, trong nửa đầu năm nay, tốc độ tuyển dụng của các công ty đã chậm lại so với mức trung bình năm 2024. Phạm vi tăng trưởng việc làm cũng thu hẹp hơn.
Một báo cáo riêng biệt - dự kiến sẽ được công bố vào ngày 29/7 - có thể cho thấy số vị trí trống cần tuyển dụng đã giảm trong tháng 6.
Một vài quan chức Fed đã bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng thị trường việc làm có thể đang suy yếu. Trong đó, hai quan chức phát tín hiệu họ đang cân nhắc cắt giảm lãi suất ngay bây giờ.
Áp lực chính trị đối với Fed cũng đang gia tăng. Tổng thống Trump đã nhiều lần thúc giục ông Powell và các đồng nghiệp hạ thấp chi phí đi vay cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Chủ nhân Nhà Trắng thường xuyên chỉ trích ông Powell vì hành động quá chậm chạp. Gần đây, giới chức chính quyền ông Trump còn nhắm đến dự án cải tạo trụ sở Fed vốn đang bị đội vốn so với kế hoạch ban đầu.
Trong khi đó, ông Powell và các quan chức Fed nhấn mạnh họ cần kiên nhẫn bởi thuế quan của ông Trump có nguy cơ làm lạm phát tăng tốc trở lại. Cho đến nay, áp lực giá vẫn ở mức khiêm tốn dù Mỹ đã áp đặt nhiều loại thuế quan.
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng nhạy cảm về giá và cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu. Giữa lúc đó, nhiều doanh nghiệp trong nước, tiêu biểu là các hãng xe điện, đang vật lộn để duy trì thị phần bằng cách hạ giá bán.
TikTok sẽ phải ngừng hoạt động tại Mỹ nếu Trung Quốc không chấp thuận thỏa thuận bán ứng dụng chia sẻ video ngắn này do công ty ByteDance sở hữu và đang được khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng.
Các chuyên gia của Bank of America cảnh báo nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán Mỹ đang lớn dần.
Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) cho biết giá trị phát hành trái phiếu chính phủ của Trung Quốc đã đạt mức cao lịch sử trong nửa đầu năm nay, khi Trung Quốc thực hiện chính sách tài chính chủ động hơn.