Ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá (UBND tỉnh), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều đơn vị khác để trao đổi, tìm cách tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc của dự án thuỷ điện Hồi Xuân.
Dự án có quy mô công suất 102 MW, đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 -2015, có xét đến năm 2025. Dự kiến hàng năm cung cấp 328,5 triệu kWh, dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá; là nguồn điện nền, điện sạch đóng góp quan trọng vào cung ứng điện năng cho khu vực Miền Trung và cả nước.
Dự án đã khởi công từ năm 2014, đến nay đã thực hiện được 9 năm với khối lượng hoàn thành đạt 93% tổng khối lượng thiết kế được duyệt; tuy nhiên dự án đã bị dừng thi công từ 4-5 năm nay, gây hệ lụy lớn, phá vỡ cân đối điện Quốc gia giai đoạn 2020-2025; ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư dự án cần khẩn trương đánh giá tổng thể, rà soát kỹ lưỡng để tìm ra những nút thắt cần tháo gỡ, từ đó có kiến nghị xác đáng, kịp thời với cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết dứt điểm để thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án.
Đồng thời tập trung thu xếp vốn cho việc đền bù, di dời, tái định cư, xây dựng các công trình hoàn trả để tránh bức xúc của người dân vùng dự án và hoàn thành các phần việc xây lắp còn lại để sớm đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ đã cam kết.
Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, cần huy động tối đa nguồn nội lực, sát sao với công việc, kịp thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền, các tổ chức tài chính, tín dụng có liên quan; chủ động phối hợp tốt với các đơn vị chức năng ở Trung ương, địa phương, cơ sở để thực hiện có hiệu quả các phần việc còn lại của dự án.
Đối với UBND tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ Chủ đầu tư trong việc thu xếp vốn; thực hiện đền bù, tái định cư và giải quyết những khó khăn, vướng mắc khác mà Dự án đang gặp phải. Xem xét gia hạn tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật...
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu EVN cần rà soát các hợp đồng mua bán điện đã ký và xem xét, thương thảo, giải quyết những khuyến nghị của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư dự án trong việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử và các kiến nghị cụ thể khác của chủ đầu tư về các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của EVN.
Ngoài ra Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch sát sao hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý những nút thắt, điểm nghẽn một cách nhanh, chuẩn xác và hiệu quả nhất.
"Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan để hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; đồng thời, sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của dự án", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ đạt kỷ lục mới.
Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp nhôm đùn ép nhập khẩu, trong đó không có sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Khảo sát thị trường quốc tế, giá thép Trung Quốc giảm trở lại trong phiên giao dịch chiều nay, không thể duy trì mốc 3.300 CNY/tấn, trong khi giá quặng sắt đi ngang lo ngại về nhu cầu thép tại quốc gia tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Nỗi lo sợ “bỏ lỡ cơ hội” của các nhà đầu tư đã thúc đẩy nhu cầu vàng cao kỷ lục, ngay cả khi giá cao khiến các ngân hàng trung ương giảm mua vào, theo Financial Times.