Hợp đồng robusta được giao dịch nhiều nhất trên sàn hàng hóa London đã chạm mức 3.459 USD/tấn vào ngày 26/6 — mức thấp nhất kể từ tháng 5/2024 — và duy trì quanh mức 3.600 USD/tấn kể từ đầu tháng 7, theo Nikkei Asia.
Robusta, thường được sử dụng trong cà phê hòa tan, đã tăng mạnh trong năm 2024 và đạt đỉnh 5.849 USD hồi tháng 2 năm nay. Xu hướng tăng giá này xuất phát từ lo ngại về nguồn cung từ Việt Nam, cũng như tác động dây chuyền từ giá arabica tăng cao — loại cà phê được dùng phổ biến tại các quán cà phê.
Hiện tại, giá robusta đã giảm khoảng 40% so với đỉnh gần nhất. Việt Nam — nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới — đang có điều kiện thời tiết thuận lợi cho mùa vụ. Khi cà phê thu hoạch bắt đầu được tung ra thị trường, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dường như đang giảm bớt.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng robusta của Việt Nam trong niên vụ 2025–2026 được dự báo đạt 30 triệu bao (loại 60 kg), tăng khoảng 7% so với năm trước. Diện tích trồng cà phê cũng đang được mở rộng.
Trước đó, xu hướng chuyển đổi sang trồng sầu riêng và hồ tiêu ở các vùng chuyên canh cà phê đã khiến sản lượng sụt giảm. Tuy nhiên, khi giá cà phê tăng mạnh còn giá sầu riêng và hồ tiêu giảm, một số khu vực đang quay lại với cây cà phê, theo bà Judith Ganes – Chủ tịch công ty tư vấn hàng hóa J Ganes Consulting.
Brazil — quốc gia sản xuất arabica lớn nhất thế giới — cũng đang đẩy mạnh sản xuất robusta, cụ thể là giống conilon. Theo số liệu từ Cơ quan Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB), sản lượng conilon niên vụ 2025–2026 được dự báo đạt 18,7 triệu bao, tăng 28% so với năm trước.
So với arabica, robusta có khả năng kháng bệnh tốt hơn và dễ trồng ở các vùng đất thấp.
“Về dài hạn, chúng tôi dự báo sản lượng robusta của Brazil sẽ vượt qua Việt Nam,” ông Michiyuki Tsushi – quản lý mảng cà phê tại Tập đoàn thương mại Marubeni (Nhật Bản) – nhận định.
Giá arabica cũng đang trên đà giảm. Hợp đồng tương lai arabica được giao dịch nhiều nhất trên sàn New York đã giảm xuống 279,6 cent/pound vào ngày 2/7 — mức thấp nhất trong khoảng 7 tháng.
Trước đó, giá arabica tăng do lo ngại sản lượng giảm trong niên vụ 2025–2026, nhưng hiện có quan điểm cho rằng mức sụt giảm sẽ không lớn như dự kiến.
Tuy vậy, nhiều người vẫn tin rằng giá arabica sẽ duy trì ở mức cao, qua đó thúc đẩy nhu cầu robusta như một lựa chọn thay thế rẻ hơn. Năm 2021, khi sương giá gây thiệt hại nặng cho mùa vụ tại Brazil, nguồn cung arabica giảm mạnh, buộc nhiều người chuyển sang robusta — kéo giá robusta tăng vọt.
Tác động về giá cũng lan sang thị trường Nhật Bản, nơi các nhà cung cấp đã phải tăng giá bán lẻ. Hãng Ajinomoto AGF thông báo hồi tháng 3 rằng họ sẽ tăng giá nhiều sản phẩm cà phê tiêu dùng, bắt đầu từ các lô hàng giao từ ngày 1/7.
Đợt tăng giá năm 2024 đã mang lại nguồn thu tốt hơn cho nông dân ở các nước sản xuất.
“Nông dân không cần bán vội với giá thấp vì họ không bị áp lực tiền mặt,” một nhân viên thu mua nguyên liệu thô tại công ty thương mại Nhật Bản cho biết. Tuy nhiên, nếu nông dân sử dụng khoản lợi nhuận này để mở rộng sản xuất, đà tăng giá hiện tại có thể sẽ chấm dứt.
Trung Quốc đang gom lượng lớn nickel khi giá xuống thấp, vừa tận dụng cơ hội thị trường, vừa tăng cường dự trữ chiến lược cho các ngành công nghiệp chủ chốt như thép không gỉ và xe điện.
Các nhà phân phối và thương nhân ngành kim loại châu Âu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM). Một số diễn giả cảnh báo nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong quý I/2026, khi CBAM bắt đầu phát huy toàn bộ hiệu lực.
Sau quyết định của OPEC+ về việc tăng sản lượng dầu thô từ tháng 8, hai câu hỏi lớn đang được giới phân tích đặt ra: Ai sẽ là người mua lượng dầu bổ sung này và liệu nhóm có thực sự xuất khẩu hết số thùng dầu cam kết sẽ sản xuất?
Giá thịt heo được ghi nhận kéo dài xu hướng đi ngang tại hệ thống cửa hàng WinMart và Công ty Thực phẩm Hà Hiền.