Kết thúc phiên giao dịch 21/7, tại Trung Quốc, giá cao su kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải (SHFE) tăng 0,57% (85 nhân dân tệ) lên mức 14.880 nhân dân tệ/tấn. Tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 8 tăng 0,3% (0,21 baht) lên mức 74,29 baht/kg. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản nghỉ giao dịch nên giá cao su kỳ hạn tháng 8 trên Sàn OSE đi ngang mức 321,2 yen/kg.
Nguồn: Lan Hương tổng hợp từ Sở giao dịch Osaka và Hiệp hội cao su Thái Lan
Tại Trung Quốc, Công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina) vừa hoàn tất việc bàn giao các tổ hợp sản xuất cao su và vật liệu đàn hồi (elastomer) mới tại Quảng Tây, Đông Nam Trung Quốc, theo European Rubber Journal đưa tin.
Dự án này đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược nâng cấp chuỗi sản xuất hóa dầu của tập đoàn mẹ, China National Petroleum Corporation (CNPC), tại khu liên hợp lọc hóa dầu Guangxi Petrochemical.
Theo thông tin từ Ban quản lý khu công nghiệp thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dự án bao gồm hai tổ hợp chính gồm một tổ hợp sản xuất 120.000 tấn/năm cao su styrene-butadiene polymer hóa bằng dung dịch (SSBR), và một tổ hợp 80.000 tấn/năm elastomer styrene-butadiene-styrene (SBS). Đây là những vật liệu quan trọng trong ngành công nghiệp cao su kỹ thuật và sản xuất lốp xe hiệu suất cao.
Cụ thể, tổ hợp SSBR gồm hai dây chuyền sản xuất với công suất 60.000 tấn/năm mỗi dây chuyền – một sử dụng phương pháp polymer hóa liên tục, dây còn lại áp dụng quy trình polymer hóa gián đoạn. Các sản phẩm chính là cao su styrene-butadiene polymer hóa bằng dung dịch (solution SSBR), kèm theo một lượng nhỏ cao su polybutadiene cis thấp (low-cis BR). Nhờ đặc tính vượt trội về độ bám đường và khả năng giảm lực cản lăn, những loại cao su này đang được ưa chuộng trong sản xuất lốp xe bốn mùa, lốp mùa đông, lốp siêu hiệu suất và lốp tiết kiệm nhiên liệu.
Song song đó, tổ hợp SBS sử dụng công nghệ tiên tiến do Công ty Hóa dầu Tân Cương Huanqiu phối hợp phát triển với Dushanzi Petrochemical. Nhờ đó, nhà máy có thể sản xuất các loại elastomer SBS có thành phần và cấu trúc linh hoạt, đáp ứng nhiều ứng dụng khác nhau như cải tiến nhựa đường, sản xuất keo dán và nâng cấp vật liệu polymer.
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc đang mở rộng công suất sản xuất cao su và elastomer, một động thái đáng chú ý khác lại đến từ Vương quốc Anh, nơi chính phủ đang siết chặt quy định liên quan đến xử lý lốp xe phế thải, với mục tiêu bảo vệ môi trường và hạn chế rủi ro hỏa hoạn.
Ngày 15/7, chính phủ Anh thông báo sẽ chính thức bãi bỏ miễn trừ xử lý lốp xe theo diện T8, một quy định cho phép các doanh nghiệp xử lý số lượng nhỏ lốp phế thải bằng các phương pháp như bó, cắt, lột, bào hoặc nghiền mà không cần giấy phép môi trường đầy đủ. Quy định này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ba tháng, tức từ giữa tháng 10 năm nay.
Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Anh (Defra), việc lạm dụng miễn trừ T8 đã dẫn đến hàng loạt vấn đề, bao gồm lưu trữ lốp vượt giới hạn cho phép, vi phạm các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ và gia tăng hoạt động phi pháp trong lĩnh vực tái chế chất thải.
Trong nước, các doanh nghiệp bình ổn giá cao su. Cụ thể, Công ty Phú Riềng chào giá thu mua mủ tạp ở mức 370 đồng/DRC, giá thu mua mủ nước 400 đồng/TSC.
Tương tự tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước ở mức 385 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 12.300 đồng/kg, mủ nguyên liệu ghi nhận 15.300 – 16.500 đồng/kg.
Công ty MangYang báo giá thu mua mủ nước bình ổn khoảng 389 – 393 đồng/TSC (loại 2-loại 1); còn mủ đông tạp khoảng 340 – 388 đồng/DRC (loại 2-loại 1).
Sau khi đưa ra các dự báo quá lạc quan trong năm 2024, cả OPEC và IEA đã trở nên thận trọng hơn khi cập nhật triển vọng năm 2025, dù số liệu nhập khẩu từ đầu năm cho thấy nhu cầu có thể đang phục hồi mạnh.
Ngày 22/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, trường hợp được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản phục vụ dự án trọng điểm theo các nghị quyết của Chính phủ, các mỏ đá tại Đồng Nai sẽ khai thác được gần 4,3 triệu m3 đá, vượt hàng trăm nghìn m3 so với nhu cầu của Dự án sân bay Long Thành. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng chủng loại (sản phẩm) đá phục vụ dự án chưa đủ.
Giá lúa gạo hôm nay (22/7) tại thị trường trong nước ghi nhận mức tăng nhẹ, với gạo nguyên liệu OM18 và cám cùng tăng 50 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu nhích lên 3 USD/tấn, đạt mức 380 USD/tấn.
VASEP dự báo trong tháng 7, xuất khẩu tôm chững lại so với tháng 5, 6 do các đơn hàng "tránh thuế" đã được đẩy đi sớm. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đến 1/8 giúp một số doanh nghiệp tranh thủ xuất thêm hàng trong nửa đầu tháng, nhưng tâm lý dè dặt vẫn bao trùm thị trường.