Giá điện tăng tác động thế nào đến ngành thép và xi măng?

Giá điện bán lẻ bình quân tại Việt Nam tăng 4,8% từ ngày 10/5, đánh dấu lần điều chỉnh thứ tư kể từ tháng 5/2023, gây áp lực lên các ngành sản xuất, đặc biệt là xi măng và thép. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp buộc phải tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm năng lượng.

Giá điện tiếp tục tăng, doanh nghiệp đối mặt với chi phí tăng lên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tuần trước đã điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là hơn 2.204 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 10/5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân liền trước đó. Theo thống kê của công ty chứng khoán Yuanta, đây là lần tăng giá điện thứ 4 kể từ tháng 5/2023 đến nay. 

“Nếu như trước đây khoảng 2 năm tăng giá điện một lần với mức tăng khoảng 6%- 8% thì những năm gần đây tần suất tăng giá điện trở nên nhanh hơn do chi phí sản xuất điện tăng nhanh.

Giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ. Mặc dù giá dầu, khí, than trong xu hướng giảm nhưng tỷ giá tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá lần này, và một phần để bù đắp khó khăn tài chính của Tập đoàn EVN những năm gần đây”, Yuanta cho biết.  

  Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Tác động từ việc tăng giá điện lần này sẽ lan rộng đến nhiều ngành sản xuất, trong đó có ngành Xi măng - lĩnh vực vốn tiêu thụ điện năng lớn trong hoạt động sản xuất clinker và vận hành dây chuyền. Việc chi phí điện tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất đầu vào đội lên, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như than, xăng dầu, chi phí vận tải… vẫn đang neo cao, việc giá điện tiếp tục tăng tạo thêm áp lực cho các nhà máy xi măng, đặc biệt là những doanh nghiệp có công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng. Một số chuyên gia trong ngành nhận định, để thích ứng, các doanh nghiệp xi măng cần đẩy mạnh tiết kiệm điện, nâng cấp dây chuyền công nghệ và tối ưu vận hành nhằm giảm thiểu tác động từ các đợt điều chỉnh giá điện trong tương lai.

Trao đổi với chúng tôi ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết điện chiếm khoảng 15% giá thành sản xuất trong ngành xi măng. Quyết định tăng giá điện vừa qua có thể khiến tỷ trọng này nâng lên 17%. 

Báo cáo của công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết xi măng là một trong những ngày chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá điện tăng bên cạnh thép, hoá chất và giấy.  Theo đó, tỷ lệ giá vốn bán hàng của xi măng tăng khi giá điện tăng là 1,13%. 

 Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Trước tình hình giá điện tăng lên, ông Long cho biết việc tăng giá bán là điều không thể tránh khỏi. Thời gian gần đây, nhu cầu xi măng cũng đang tăng lên. Theo đó, tổng lượng tiêu thụ đạt gần 24 triệu tấn trong quý I, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kênh nội địa đóng góp chủ yếu (65%), đạt 15,5%, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Còn đối với ngành thép, việc giá điện tăng được đánh giá là tác động sẽ tác động không đồng đều, tuỳ thuộc vào công nghệ sản xuất thép. Theo đó, với doanh nghiệp sản xuất thép bằng lò cao như Hoà Phát, tỷ trọng chi phí điện trong giá vốn sẽ ảnh hưởng thấp hơn so với doanh nghiệp sử dụng lò cảm ứng. Bởi, công nghệ lò cao chủ yếu dùng than để nung đốt, trong khi lò cảm ứng sử dụng điện. 

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng phòng phân tích, Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) cho biết chi phí điện chiếm khoảng 8 - 10% giá vốn của các lò cảm ứng. Tuy nhiên, theo ông, việc tăng giá điện 4,8% không khiến tỷ lệ giá vốn tăng quá nhiều, chỉ khoảng 0,5%. Thêm vào đó, giá thép phế thời gian qua giảm nhiều nên áp lực chi phí đối với các doanh nghiệp sản xuất thép bằng lò cảm ứng cũng không quá lớn. Hiện, giá thép phế ở quanh mức thấp nhất kể từ tháng 12/2024. 

 Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), mỗi khi giá điện tăng các doanh nghiệp thép phải đối mặt với việc giá các nguyên liệu đầu vào khác tăng theo và “điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp”.

Còn với công nghệ lò cao, việc tận dụng nhiệt, khí dư giúp doanh nghiệp tiết kiệm được phần lớn chi phí điện. Hoà Phát cho biết, năm ngoái các nhà máy điện nhiệt dư thuộc hai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất có tổng lượng điện phát đạt 3,18 tỷ kWh, tăng 29% so với cùng kỳ, giúp Hòa Phát tự chủ trên 90% lượng điện cho sản xuất.

Tổng lượng điện phát tự chủ được của Hòa Phát tại hai Khu liên hợp Hải Dương và Dung Quất tương đương một nhà máy nhiệt điện tầm trung, quy đổi theo giá điện hiện hành, sản lượng phát điện năm 2024 có giá trị khoảng 5.400 tỷ đồng.

Riêng tại Dung Quất, ngày 5/2, Nhà máy Nhiệt điện – Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất chính thức cán mốc sản lượng điện lũy kế từ khi hoạt động đến nay là 10 tỷ kWh, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp đang làm gì để ứng phó với giá điện tăng

Trong bối cảnh hiện tại, để giảm tác động của việc tăng giá điện, ông Long cho biết, các doanh nghiệp đang tăng cường tiết kiệm điện, tận dụng chính sách giá điện rẻ hơn ở các giờ thấp điểm để đẩy mạnh công suất. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang sử dụng công nghệ tận dụng nhiệt dư để phát điện. 

“Trong ngành sản xuất xi măng, việc tận dụng nhiệt dư để phát điện rất quan trọng bởi điều này góp phần giảm chi phí điện. Hệ thống này giúp doanh nghiệp tự chủ được 30 - 40% nguồn cung điện”, ông Long cho biết. 

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Xi măng cho biết việc ứng dụng điện tái tạo như điện mặt trời và điện gió còn hạn chế. Do đó, ông đề xuất Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để doanh nghiệp đẩy mạnh việc đầu tư, ứng dụng điện tái tạo vào trong sản xuất.

Hoà Phát cho biết hiện doanh nghiệp đang áp dụng 5 giải pháp sản xuất thép tiết kiệm năng lượng.

Giải pháp thứ nhất là thu hồi nhiệt dư, khí nóng lò cốc, lò cao, lò thổi sản xuất điện. Nhiệt dư phát sinh từ quá trình sản xuất than cốc, khí dư từ quá trình luyện gang, luyện thép được thu hồi, tận dụng phục vụ cho phát điện để cung cấp cho sản xuất. 

Hai là sử dụng công nghệ dập cốc khô thân thiện với môi trường để sản xuất điện. 

Ba là công nghệ tuabin thu hồi năng lượng Quạt gió lò cao (BPRT), vận hành các quạt gió công suất lớn, giúp tiết kiệm đến 50% lượng điện tiêu thụ so với phương pháp truyền thống.

Bốn là sử dụng nhiệt dư để sản xuất điện trong quá trình thiêu kết quặng.

Năm là công nghệ đúc – cán liên tục, tận dụng nhiệt từ phôi nóng, phôi nóng sau đúc có nhiệt độ 750-900 độ C sẽ được chuyển ngay sang dây chuyền cán để sản xuất thép thành phẩm. Giải pháp này đã tiết giảm tối đa sử dụng năng lượng, làm giảm chi phí sản xuất, đồng thời giảm phát thải CO2/tấn sản phẩm.

Còn với VNSteel, doanh nghiệp đang tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng  áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả, như sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép để giảm tiêu hao năng lượng tổng thể, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng và nhiều biện pháp khác.

Lãnh đạo của VNSteel cho biết máy móc, thiết bị của hầu hết các công ty thành viên đều được đầu tư từ 20 năm trước, mới nhất cũng khoảng 10 năm.

Năm nay, VNSteel lên kế hoạch đầu tư 542 tỷ đồng để phục vụ đầu tư dự án mới. Trong đó có việc tăng vốn điều lệ tại CTCP thép Nhà Bè đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng bổ sung công đoạn luyện phôi 150.000 tấn/năm; mua lại 6% vốn góp của các đối tác nước ngoài tại Tôn Phương Nam; góp vốn đầu tư 1 nhà máy sản xuất luyện cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại phía Nam. 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Dự báo giá heo hơi ngày 14/5: Thị trường đang có dấu hiệu trở lại đà tăng

Theo các chuyên gia, giá heo hơi ngày mai có thể đi lên tại một số địa phương do diễn biến thị trường những ngày qua đã cho thấy đà tăng đang dần trở lại.

Giá sầu riêng hôm nay 13/5: Có nơi còn 25.000 đồng/kg

Giá sầu riêng hôm nay neo ở mức thấp, dao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, đối với loại mua xô. Trong khi đó, Thái Lan đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc, vì mùa sầu riêng hiện đang vào vụ.

OPEC+: Giá dầu cần thêm thời gian để hồi phục

OPEC+ liên tiếp nâng sản lượng dù giá dầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại và chương trình cắt giảm không còn phát huy hiệu quả. Arab Saudi, quốc gia chịu phần lớn gánh nặng cắt giảm, tỏ ra không hài lòng khi nhiều thành viên trong Khối khai thác vượt hạn ngạch, khiến mục tiêu hỗ trợ giá dầu không đạt được như kỳ vọng, theo Financial Times.

Brazil nối lại nhập khẩu cá rô phi, đàm phán tăng cường nhập khẩu cá tra Việt Nam

Cá tra Việt Nam đứng trước cơ hội bứt phá tại thị trường Brazil khi quốc gia này đẩy nhanh đàm phán mở cửa nhập khẩu.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO