Giao dịch đồng vật chất hưởng chênh lệch thuế đang dần kết thúc

Việc Mỹ bất ngờ áp thuế 50% với đồng nhập khẩu từ tháng 8, khiến giá đồng trên sàn CME bật tăng kỷ lục và tạo ra khoảng cách lớn với giá tại London. Thị trường toàn cầu đảo chiều nhanh chóng, từ thiếu hụt sang dư cung, khi chuỗi cung ứng gấp rút điều chỉnh theo thay đổi đột ngột.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thị trường đồng bất ngờ  khi công bố mức thuế nhập khẩu 50% sẽ có hiệu lực từ tháng tới, theo bài phân tích của Reuters.

Thị trường trước đó dự đoán mức thuế sẽ thấp hơn và thời gian thực thi sẽ được kéo dài hơn. Diễn biến này buộc thị trường kỳ hạn phải điều chỉnh nhanh chóng, với giá đồng trên sàn CME lập mức cao kỷ lục mới, khi phản ánh mức chênh lệch thuế gia tăng so với giá trên sàn Giao dịch Kim loại London (LME).

Chuỗi cung ứng đồng vật chất cũng đang phản ứng mạnh. Mốc thời gian 1/8 đánh dấu kết thúc của cuộc chạy đua giao đồng vật chất vào Mỹ để tận dụng cơ hội chênh lệch thuế. Một số ít lô hàng đang trên đường vận chuyển có thể kịp đến nơi trước thời hạn, nhưng hoạt động buôn bán dựa trên thuế quan đang nhanh chóng bị rút khỏi thị trường. Điều này đã thể hiện rõ qua việc tồn kho trên sàn London tăng và khoảng chênh lệch kỳ hạn nới rộng.

Kể từ khi chính quyền Trump khởi động cuộc điều tra về sự phụ thuộc của Mỹ vào nhập khẩu đồng hồi tháng 2, hoạt động kinh doanh dựa trên thuế quan đã trở thành "mỏ vàng" đối với các thương nhân. Nhu cầu cao đã khiến thị trường đồng vật chất toàn cầu, bao gồm cả các kho lưu trữ cuối cùng như LME và Sàn Giao dịch Hợp đồng Tương lai Thượng Hải (ShFE), cạn kiệt nguồn cung.

Nhập khẩu đồng tinh luyện của Mỹ đã tăng vọt lên 541.600 tấn trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, tương đương 60% tổng lượng nhập khẩu trong cả năm 2024. Các lô hàng từ các nguồn cung truyền thống như Chile và Peru tăng mạnh, đồng thời được bổ sung bởi các thương hiệu đồng từ Úc, châu Á và châu Âu.

Tồn kho trên sàn CME đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu tháng 3 và hiện đạt 222.723 tấn, gần chạm mức đỉnh năm 2018. Ngoài ra, còn một lượng lớn đồng đang được giữ ngoài thị trường chính thức. Theo ước tính của các nhà phân tích, lượng thặng dư này vào khoảng 400.000–500.000 tấn – đủ để "xóa sổ" nhu cầu nhập khẩu đồng của Mỹ trong phần còn lại của năm 2025, theo đánh giá của Citi.

Macquarie Bank cho rằng, ngay cả khi tính đến các hợp đồng dài hạn, cũng có thể mất đến 9 tháng để tiêu thụ hết lượng đồng dự trữ khổng lồ này. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu có thể điều chỉnh nhanh hơn, nếu nhìn vào lượng tồn kho đang tăng và chênh lệch kỳ hạn nới rộng trên sàn London.

Thực tế, ngay sau khi thông tin thuế quan được xác nhận, khoảng chênh lệch giữa giá giao ngay và kỳ hạn ba tháng trên LME đã đảo chiều từ trạng thái “backwardation” sang “contango”, do có tới 25.000 tấn đồng vốn được lên kế hoạch xuất kho đã bị hủy bỏ và quay trở lại thị trường.

Theo Investopedia, bù hoãn bán (Backwardation) xảy ra khi giá giao ngay của một tài sản cơ sở cao hơn giá đang được giao dịch tại thị trường tương lai. Bù hoãn bán có thể là kết quả của việc cầu hiện tại của một tài sản đang cao hơn so với cầu vào ngày đáo hạn của tài sản đó trong hợp đồng tương lai. Những nhà giao dịch có thể tận dụng bù hoãn bán để kiếm lợi nhuận bằng cách mở vị thế bán ở giá giao ngay và mở vị thế mua với giá thấp hơn ở thị trường tương lai.

Bù hoãn mua (Contango) là một thị trường đặc trưng bởi giá tài sản trên thị trường giao ngay hiện tại rẻ hơn so với một ngày nào đó trong tương lai khi sử dụng hợp đồng tương lai. Khi giá tương lai của một mặt hàng cao hơn giá giao ngay hiện tại, các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn cho mặt hàng đó trong tương lai. 

Khi “cánh cửa” vận chuyển hàng vào Mỹ đã đóng, tồn kho trên LME đã tăng thêm 33.525 tấn trong tháng này, phần lớn nhờ các lô hàng từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Xuất khẩu đồng tinh luyện của Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ tháng 3 nhằm đáp ứng nhu cầu từ Mỹ và thu hẹp mức chênh lệch trên LME.

Các kho của LME tại Đài Loan và Hàn Quốc vốn là những điểm đến chính cho đồng Trung Quốc, nhưng việc mở thêm kho tại Hồng Kông đã cho phép giao hàng nhanh hơn. Tính từ khi mở cửa ngày 15/7, các kho ở Hồng Kông đã tiếp nhận 5.975 tấn đồng.

Dự báo sẽ còn nhiều lô hàng nữa được chuyển tới. Chênh lệch giá trên LME hiện đang ở mức contango thoải mái là 66 USD/tấn, so với mức backwardation hơn 300 USD/tấn vào cuối tháng 6.

Thuế quan mới của ông Trump đã chia cắt thị trường đồng toàn cầu thành hai nửa: Mỹ và phần còn lại của thế giới. Giới đầu cơ giá lên đang hoan hỉ trước đà tăng lịch sử của giá đồng trên CME, nhưng đây là phản ứng trực tiếp với mức thuế nhập khẩu cao hơn kỳ vọng, chứ không phản ánh đúng cung cầu toàn cầu.

Chênh lệch giá giao ngay giữa CME và LME đã tăng từ 1.233 USD/tấn hôm 7/7 lên 3.095 USD. Xét về tỷ lệ, mức chênh lệch do thuế gây ra đã tăng từ 13% lên 31% kể từ khi Trump kích hoạt chính sách thuế mới.

Trong khi đó, giá kỳ hạn ba tháng trên LME vẫn “giậm chân tại chỗ” dưới ngưỡng 10.000 USD/tấn, còn cách khá xa mức đỉnh hơn 11.000 USD hồi tháng 5/2024.

Dù lượng hàng tồn toàn cầu đổ về Mỹ, tổng tồn kho tại các sàn vẫn không thay đổi nhiều so với đầu năm. Nếu tính cả tồn kho ngoài sổ sách trên LME và lượng đồng đăng ký tại chi nhánh quốc tế INE của ShFE, tổng tồn kho toàn cầu chỉ giảm nhẹ 18.000 tấn so với đầu tháng 1. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ trong chính sách thuế mới. Liệu các sản phẩm đồng cũng sẽ bị áp thuế? Liệu sẽ có hạn chế đối với xuất khẩu phế liệu đồng từ Mỹ? Và có ngoại lệ nào dành cho các đối tác được ưu ái hay không?

Câu trả lời vẫn chưa có. Nhưng một điều chắc chắn: giá đồng toàn cầu vừa chính thức bị chia đôi.

“Bác sĩ Đồng” – biểu tượng phản ánh sức khỏe kinh tế toàn cầu – giờ đây có thêm một “bản sao” bên kia bờ Đại Tây Dương. Song, chỉ có giá tại London mới phản ánh đúng nhịp đập sản xuất toàn cầu.

 

 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Nhà sản xuất thép Brazil Usiminas cảnh báo rủi ro từ thép nhập khẩu và thuế Mỹ

Nhà sản xuất thép Brazil Usiminas bày tỏ lo ngại rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp mức thuế 50% đối với hàng hóa từ quốc gia Nam Mỹ này sẽ làm gia tăng rủi ro cho các khách hàng xuất khẩu của hãng, theo Bloomberg.

Thị trường lúa gạo chờ 'sóng' mới từ nhu cầu thu mua tăng

Trong tuần qua, giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết tiếp tục đi ngang. Song thị trường đang có tín hiệu thương nhân tăng cường thu mua lúa gạo từ nông dân để phục vụ cho các hợp đồng trong tương lai.

Giá tiêu hôm nay 27/7: Chưa có nhiều chuyển biến, giá tiêu tiếp tục giảm nhẹ trong tuần qua

Tổng kết tuần qua, giá tiêu trong nước giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Doanh nghiệp trong ngành nhận định rằng trong ngắn hạn, giá hồ tiêu sẽ chưa có nhiều biến động lớn do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị, thương mại và lượng tồn kho tại một số thị trường lớn.

Thịt heo ở Quảng Ngãi, Gia Lai ế vì dịch tả

Virus dịch tả heo không lây sang người, thịt cũng được kiểm định trước khi đến chợ, nhưng nhiều người ở Quảng Ngãi, Gia Lai vẫn e ngại.