Vĩ Mô 27/07/2025 15:38

Kết thúc nửa đầu năm, các tổ chức quốc tế cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế 2025 như thế nào?

Sau khi Việt Nam công bố mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% – mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, Standard Chartered và ADB hạ kỳ vọng do lo ngại rủi ro thuế quan và tín hiệu chững lại trong thương mại toàn cầu, thì AMRO và UOB lại nâng dự báo nhờ triển vọng tích cực từ FDI, tiêu dùng nội địa và các cải cách thể chế.

Theo Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025. Tính chung GDP 6 tháng đầu tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2012 đến nay. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ Cục Thống kê).  

Lo ngại thương mại toàn cầu chững lại 

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa mới công bố, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản của Việt Nam vẫn duy trì ổn định. Xuất khẩu đã cải thiện và Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại ở mức vừa phải. Nhập khẩu tăng, chủ yếu tập trung vào nguyên liệu thô, thiết bị sản xuất và linh kiện.

Về hoạt động kinh tế đối ngoại, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại mạnh mẽ ở mức 2,8 tỷ USD trong tháng 6, góp phần hỗ trợ đồng VND và cải thiện cán cân thanh toán.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã cải thiện mạnh mẽ, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất, tiếp theo là lĩnh vực bất động sản. Trong nửa đầu năm 2025, FDI giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước lên 11,7 tỷ USD, trong khi vốn FDI cam kết tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước lên 21,5 tỷ USD.

Tuy vậy, Standard Chartered cho rằng do triển vọng thương mại trong ngắn hạn có dấu hiệu chững lại nên tăng trưởng trong nửa cuối năm dự kiến ở mức 4,9%. Dự kiến cả năm tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,1%, so với dự báo trước đó ở mức 6,7%. 

Tương tự, trong ấn phẩm Triển vọng Phát triển Châu Á mới công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 6,6% xuống còn 6,3% vào năm 2025 và từ 6,5% xuống 6,0% vào năm 2026. 

Nguyên nhân là do việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng mới từ 1/8 dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu trong phần còn lại của năm 2025 và sang năm 2026. Trong khi đó, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) liên tục dưới mức 50 điểm cho thấy sản xuất công nghiệp đã chậm lại từ cuối năm 2024.

Về triển vọng, ADB kỳ vọng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025 và 2026 nhờ tăng trưởng xuất - nhập khẩu mạnh mẽ cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm 2025.

Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoại tăng 32,6%, trong khi giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, đạt 31,7% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc đẩy mạnh xuất khẩu để ứng phó với bất ổn thuế quan đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nhưng điều này khó có thể duy trì trong nửa cuối năm.

"Bất chấp những rủi ro gia tăng từ sự bất ổn về thuế quan, các cải cách trong nước, nếu được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng, có thể giảm thiểu những rủi ro này bằng các yếu tố trong nước được củng cố", ADB khuyến nghị. 

Các tổ chức quốc tế thay đổi dự báo GDP của Việt Nam năm 2025. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp). 

Có đủ dư địa chính sách để hỗ trợ

Trái ngược với xu hướng điều chỉnh giảm Standard Chartered và ADB, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2025 của kinh tế Việt Nam lên 7%, cao hơn mức 6,5% đưa ra hồi tháng 4.

Sự điều chỉnh tích cực này dựa trên kết quả kinh tế khả quan của Việt Nam trong nửa đầu năm. Cụ thể, GDP trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7,52%, mức cao nhất trong nhiều năm, nhờ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

AMRO cho rằng Việt Nam có đủ dư địa chính sách để hỗ trợ nền kinh tế khi cần. Các cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư và hạ tầng cũng đang giúp Việt Nam củng cố vị thế vững chắc hơn.

"Tuy nhiên, ngoài các mục tiêu ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với các nền kinh tế trong khu vực để thu hút hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)," AMRO lưu ý.

Trước đó, trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam II, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) đánh giá nền kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc trong quý II nhờ xuất khẩu tăng tốc do các doanh nghiệp tăng cường đơn hàng để tránh thuế quan cao.

Cùng với đó, diễn biến mới nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực đối với Việt Nam. UOB cho rằng, giai đoạn căng thẳng nhất đã qua và dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025 sẽ ở mức vừa phải.

"Chúng tôi hiện dự báo xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng nhẹ 5%. Với các thị trường ngoài Mỹ kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 10%, tương đương mức tăng 11,3% trong năm 2024. Tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ tăng 8,5% trong năm 2025, thấp hơn đáng kể so với mức 14% của năm trước", các chuyên gia UOB dự báo.

Dựa trên các giả định này, và sau khi tính đến tác động đối với sản xuất và dòng vốn FDI, mô hình của chúng tôi ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ cao hơn 0,9 điểm % so lên mức 6,9% (so với dự báo trước đó là 6,0%), so với mức 7,09% trong năm 2024. 

Riêng hai quý cuối năm, UOB dự báo tăng trưởng GDP quý III và quý IV năm 2025 ở mức khoảng 6,4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nay. 

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia Kinh tế Cấp cao phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered đánh gia dù triển vọng thương mại trong ngắn hạn có dấu hiệu chững lại, song triển vọng thương mại của Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và du lịch.

"Mặc dù một số chỉ số kinh tế trong và ngoài nước có thể chững lại trong ngắn hạn, điều này cũng tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước tái xây dựng dự trữ ngoại hối. Nhìn chung, chúng tôi tin rằng Việt Nam có nền tảng vững chắc để ứng phó với những thách thức trước mắt và duy trì đà tăng trưởng”, Tim Leelahaphan nêu rõ. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 27/07/2025 16:20
'Muốn GDP tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng phải tăng trưởng 13%'

Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3% thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải tăng khoảng 13%, trong khi nửa đầu năm 2025 mới chỉ tăng trưởng quanh mức 8 - 9%.

Vĩ Mô 27/07/2025 14:06
Long Thành được dự báo thành siêu sân bay thập kỷ tới

OAG dự báo cảng hàng không quốc tế Long Thành rất có thể sẽ gia nhập CLB sân bay 100 triệu khách trong thập kỷ tới.

Vĩ Mô 27/07/2025 10:55
Cầu gần 970 tỷ đồng bắc qua kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau

Cầu Bạc Liêu 5 bắc qua kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau, vốn đầu tư 969 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nôi đô thị.

Vĩ Mô 27/07/2025 08:09
Bộ Tài chính gỡ vướng tài chính với mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Bộ Tài chính sẽ có 06 tổ công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố để cùng với các địa phương lắng nghe, giải quyết trực tiếp nhưng vướng mắc trong tài chính - ngân sách.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO