ICO: Giá cà phê thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm trong khi xuất khẩu tiếp tục chậm lại

Báo cáo tháng 7 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá cà phê thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm do tiến độ thu hoạch vụ mới của Brazil diễn ra nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn chưa có nhiều cải thiện so với những tháng trước.

Giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm

Giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO tiếp tục giảm 7,2% trong tháng 7 xuống còn bình quân 158,4 US cent/pound (tương ứng 155,6 – 162,6 US cent/pound), mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay. 

Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê đều giảm trong tháng vừa qua. Trong đó, arabica Colombia giảm tới 10% xuống mức trung bình 190,6 US cent/pound. Nhóm cà phê arabica khác và arabica Brazil cũng giảm lần lượt 6,7% và 9,6% xuống mức trung bình 193,5 US cent/pound và 159,5 US cent/pound.

Riêng giá cà phê robusta giảm ít nhất, chỉ giảm 3,4% và đạt trung bình 127,6 US cent/pound. 

Trên thị trường kỳ hạn New York và London giá cà phê robusta và arabica cũng giảm lần lượt 8,6% và 4,7% xuống 159,6 US cent/pound và 113,6 US cent/pound. Chênh lệch giá cà phê trên hai sàn giao dịch tiếp tục giảm 16,9% xuống còn 45,95 US cent/pound trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2023

Nguồn: ICO

Giá cà phê arabica giảm mạnh hơn so với robusta do chịu sức ép bởi vụ thu hoạch mới của Brazil đang diễn ra với tiến độ nhanh hơn năm ngoái. 

Báo cáo của Cooxupe, hợp tác xã xuất khẩu cà phê của Brazil, cho thấy vụ thu hoạch cà phê của Brazil đã hoàn thành 58,8% tính đến ngày 21/7, cao hơn mức 52,6% hoàn thành vào cùng thời điểm năm ngoái.

Tuy nhiên, vào cuối tháng giá cà phê arabica đã có sự khởi sắc trở lại khi đồng Real Brazil leo lên mức cao nhất trong gần 14 tháng vào ngày 29/7. Đồng real mạnh hơn không khuyến khích các hoạt động bán ra từ các nhà sản xuất cà phê Brazil.

Trong khi giá cà phê robusta trong tháng vừa qua tiếp tục được hưởng lợi bởi xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ cà phê giá thành cao sang cà phê có giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí sinh hoạt người tiêu dùng tăng cao.

Trong tháng 7, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York đã giảm 2,9% xuống còn 0,58 triệu bao (loại 60 kg/bao). Trong khi tồn kho robusta trên sàn London giảm tới 29,4%, xuống còn 0,89 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn ở mức thấp

Báo cáo của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6/2023 đạt 10,4 triệu bao, giảm so với gần 11,2 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, xuất khẩu cà phê toàn cầu sau 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 6/2023) đã giảm 6,7% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 93,4 triệu bao.

Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 84 triệu bao, giảm 6,5% so cùng kỳ niên vụ trước và chiếm gần 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu.

Tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 9,4 triệu bao, giảm so với con số 10 triệu bao của cùng kỳ năm trước và là tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp kể từ đầu niên vụ 2022-2023. 

Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ nhóm cà phê arabica. Cụ thể, xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica Brazil giảm 7,6% xuống còn 2,5 triệu bao. Tính chung 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu arabica Brazil đạt 25,8 triệu bao, giảm 10,9% so với cùng kỳ niên vụ trước. 

Tương tự, xuất khẩu cà phê arabica Colombia giảm 13% xuống 0,8 triệu bao trong tháng 6, đánh dấu tháng tăng trưởng âm thứ 12 liên tiếp. Do đó, xuất khẩu nhóm cà phê này từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023 đã giảm 13,4% xuống 8,2 triệu bao.

Các lô hàng arabica khác cũng giảm tới 19,3% trong tháng 6 xuống 2,3 triệu bao. Tổng cộng 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu nhóm cà phê này chỉ đạt 16,2 triệu bao, giảm 13,1% so với cùng kỳ vụ trước.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 9 tháng đầu niên vụ từ 2019-2020 đến 2022-2023 (Tháng 10 đến tháng 6)

 Nguồn: ICO 

Ngược lại với arabica, xuất khẩu cà phê nhân xanh robusta tăng 6,1% lên 3,7 triệu bao trong tháng 6. Đây là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp của nhóm cà phê robusta và tính chung 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuất khẩu nhóm cà phê này đã tăng 3% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 33,9 triệu bao.

Do đó, tỷ trọng của robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023 đã tăng lên 40,3% từ mức 36,6% trong cùng kỳ năm trước.

Tỷ trọng cà phê arabica và robusta trong 9 tháng đầu niên vụ  2019-2020 đến 2022-2023 

 Nguồn: ICO 

Với mặt hàng cà phê hoà tan, sau khi tăng vào tháng trước đã giảm trở lại 8,1% trong tháng 6 xuống mức 0,9 triệu bao. Riêng Brazil, nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới đã vận chuyển 0,34 triệu bao trong tháng 6 vừa qua.

Tổng cộng 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã có gần 8,9 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm 3,2% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tuy nhiên, tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu của tất cả các dạng cà phê đã tăng lên mức 9,5% từ 9,2% trong cùng kỳ năm trước. 

Ngược lại, xuất khẩu cà phê đã rang tăng 11,3% trong tháng 6 lên 72.237 bao so. Lũy ​​kế 9 tháng đầu niên vụ xuất khẩu cà phê đã rang đạt 0,56 triệu bao, giảm so với 0,61 triệu bao của cùng kỳ.

Tỷ trọng xuất khẩu của các chủng loại cà phê trong 9 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu giảm ở hầu hết khu vực, ngoại trừ châu Á

Ngoại trừ khu vực châu Á có sự tăng trưởng, xuất khẩu cà phê của tất cả các khu vực còn lại trên thế giới đều giảm trong tháng 6 và 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023.

Theo ICO, Nam Mỹ vẫn là khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong tháng 6 với khối lượng đạt 3,65 triệu bao, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu là do hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất khu vực là Brazil và Colombia chứng kiến ​​các lô hàng xuất khẩu giảm lần lượt 15,5% và 20,3%, xuống còn 2,6 triệu và gần 0,8 triệu bao. 

Xuất khẩu của Brazil vẫn còn thấp do nguồn cung tương đối hạn chế sau hai năm liên tiếp thu hoạch dưới mức trung bình, mặc dù vụ thu hoạch hiện tại đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn vụ trước.

Còn với Colombia, các vấn đề về sản xuất trong nước là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm xuất khẩu trong niên vụ cà phê hiện tại. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch nhu cầu từ arabica sang robusta có chi phí rẻ hơn. Trong đó, Colombia là nước bị tác động nhiều nhất do nước này chủ yếu sản xuất arabica chế biến ướt chất lượng cao với giá thành vượt trội so với các nước sản xuất khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến arabica Colombia là loại cà phê có giá giảm mạnh nhất kể từ đầu niên vụ đến nay.

Xuất khẩu cà phê theo khu vực trong 9 tháng đầu niên vụ từ 2019-2020 đến 2022-2023

 Nguồn: ICO 

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê từ châu Á và châu Đại Dương tăng 0,5% lên 3,6 triệu bao trong tháng 6/2023 và tăng 2,9% lên 35,3 triệu bao trong 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023. 

Việt Nam là động lực chính cho sự tăng trưởng này với khối lượng xuất khẩu tính từ đầu niên vụ 2022-2023 đến nay đạt 24,1 triệu bao, tăng 6% so với 22,8 triệu bao của cùng kỳ vụ trước. Điều này phản ánh sự chuyển dịch nhu cầu sang cà phê robusta có giá rẻ hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia. 

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 12 tháng qua đang chậm lại, từ mức tăng 12,5% vào tháng 10/2022 xuống 4,2% vào tháng 6/2023. Điều này cho thấy việc thu hẹp chênh lệch giá giữa cà phê arabica và robusta có thể tác động đến nhu cầu cà phê từ Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, với tỷ lệ pha trộn trong cà phê hòa tan quay trở lại hướng sử dụng tương đối cao hơn của arabica.

Tại châu Phi, xuất khẩu cà phê của khu vực đã giảm 0,6% trong tháng 6 và giảm 4,2% trong 9 tháng niên vụ xuống còn 9,5 triệu bao. Trong tháng 6, xuất khẩu của Bờ Biển Ngà và Ethiopia giảm tổng cộng 18,8%, trong khi Burundi, Kenya, Tanzania và Uganda tăng 14,0%.

Xuất khẩu cà phê của khu vực Trung Mỹ và Mexico cũng giảm 4,6% xuống còn 1,86 triệu bao trong tháng 6 và là tháng tăng trưởng âm thứ 6 kể từ đầu niên vụ hiện tại. Trong khu vực, xuất khẩu của Guatemala và Mexico giảm lần lượt là 16,7% và 21,6%, xuống 0,4 triệu bao và 0,3 triệu bao.

Do đó, tổng xuất khẩu của khu vực châu Phi trong 9 tháng đầu niên vụ hiện tại đã giảm 2,5% so với cùng kỳ, xuống còn 11,9 triệu bao. 

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá cà phê hôm nay 8/9: Trong nước và thế giới cùng giảm mạnh trong tuần qua

Tuần qua, giá cà phê thế giới giảm 3,5 – 3,6% do tình trạng khô hạn tại Brazil đã giảm bớt. Giá cà phê trong nước theo đó cũng được điều chỉnh giảm 3.100 – 3.400 đồng/kg, xuống mức bình quân 118.600 đồng/kg.

Giá vàng hôm nay 8/9: Vàng thế giới, vàng miếng SJC đồng loạt giảm nhẹ tuần qua

Tuần qua, giá vàng thế giới ghi nhận xu hướng giám là chủ đạo vì áp lực chốt lời và dữ liệu kinh tế mới nhất từ Mỹ. Giá vàng trong nước, vì vậy, cũng điều chỉnh giảm nhẹ 500.000 đồng/lượng.

Giá heo hơi hôm nay (8/9): Hà Nội có giá giao dịch cao nhất cả nước

Sau khi ghi nhận điều chỉnh tăng rải rác 1.000 đồng/kg trong tuần này, thị trường heo hơi hôm nay giữ giá đi ngang trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 8/9: Đảo chiều ngày cuối tuần, nhiều nước tăng mua tiêu Việt Nam

Giá tiêu hôm nay ngày 8/9 giảm 1.000 đồng/kg ở các địa phương trong điểm. Tuy nhiên, tính chung trong tuần qua giá tiêu đã tăng khoảng 2.000 – 4.000 đồng/kg. Kết thúc 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Ấn Độ, UAE.. đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.