Lâm Đồng khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng

Theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng... có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.

Báo Lâm Đồng dẫn số liệu thống kê cho biết diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh là 17.163 ha, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng... có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.

UBND các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh ổn định; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất hữu cơ; quản lý dịch hại tổng hợp đối trên cây sầu riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển sầu riêng bền vững.

Các địa phương hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã… đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu để đảm bảo việc tiêu thụ sầu riêng từ các diện tích trồng xen, không phụ thuộc vào việc xuất khẩu sầu riêng trái tươi đi thị trường Trung Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ với người dân và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm sầu riêng chế biến…

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tăng cường quản lý chất lượng cây giống sầu riêng, đảm bảo cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân sản xuất; công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu.

Mới đây, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Toàn bộ mã số mới vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt vào ngày 23/2, trong đó ba tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất.

Lũy kế đến nay, Việt Nam đã có 246 mã số vùng trồng sầu riêng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Như Huỳnh
CÙNG CHUYÊN MỤC
So sánh giá vàng 25/4: Vàng SJC và vàng 24K cắm đầu lao dốc

Tại thời điểm 11h00, giá vàng miếng SJC và vàng nữ trang 24K cùng cắm đầu lao dốc trong phiên giao dịch trưa nay (25/4).

Giá lúa gạo ngày 25/4 tiếp đà đi ngang đối với các mặt hàng

Ghi nhận cho thấy,  giá lúa gạo hôm nay (25/4) lặng sóng. Việc vị thế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được củng cố, giá gạo xuất khẩu giữ ở mức cao trong hơn một năm qua càng đặt ra những đòi hỏi về chất lượng giống lúa tương xứng.

Huỷ đấu thầu vàng vì chỉ có 1 doanh nghiệp nộp phiếu

Đây là lần thứ hai trong tuần này Ngân hàng Nhà nước ra thông báo huỷ thầu do không đủ thành viên tham gia.

Giá vàng tham chiếu phiên đấu thầu sáng nay 82,5 triệu đồng/lượng

Mức giá tham chiếu 82,5 triệu đồng/lượng sáng nay  cao hơn so với giá mà các công ty kinh doanh vàng mua từ người dân khoảng 1 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá bán ra là 1,2 triệu đồng/lượng.