Trao đổi với chúng tôi bên lề ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã: TVN) cho biết trong năm 2025 - 2026, công ty sẽ nghiên cứu để sản xuất thép HRC. Dự án này là một phần nằm trong chiến lược phát triển công ty đến năm 2035.
“Việc đầu tư sản xuất HRC nhằm phủ chuỗi giá trị sản xuất thép của công ty. Hiện tại, tổng công suất của VNSteel là 4 triệu tấn/năm, trong đó 60% là thép dài. Còn đối với thép dẹt, các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở thép cán nguội và tôn mạ. Do đó, định hướng của công ty trong thời gian tới là gia tăng chuỗi giá trị, tham gia sâu hơn vào thép thượng nguồn, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh”, ông Đa cho biết.
Để thực hiện mục tiêu này, ông cho biết công ty cần phải đầu tư một khu liên hợp sản xuất thép lớn.
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có hai doanh nghiệp sản thép cán nóng là Formosa và Hoà Phát. Trong đó, năm nay Hoà Phát sẽ hoàn thiện khu liên hợp Dung Quất 2, nâng tổng công suất thép HRC tối đa lên 8,6 triệu tấn. Còn công suất thiết kế của Formosa tối đa khoảng 5 triệu tấn.
Các doanh nghiệp nghiệp này đang sử dụng công nghệ lò cao (BOF) để xuất thép HRC. Theo đó, nguyên liệu đầu vào là quặng sắt (thay vì thép phế liệu).
Đầu tiên, quặng sắt với hàm lượng và kích cỡ khác nhau được chế biến, phối trộn theo tỷ lệ yêu cầu, kết hợp với than coke, vôi và dôlômit được đưa vào lò cao luyện ra gang lỏng.
Tiếp theo, nước gang được chuyển sang lò thổi ôxy (BOF), lò tinh luyện để tạo ra các mác thép theo yêu cầu của thị trường, thông qua hệ thống máy đúc đúc ra các loại phôi - thép thô bán thành phẩm.
Cuối cùng, tại nhà máy cán thép, phôi vuông sẽ được cán ra thép xây dựng thành phẩm gồm thép thanh vằn và thép cuộn; phôi dẹt được cán thành thép HRC.
Chia sẻ về việc lựa chọn công nghệ để sản xuất HRC, ông Đa cho biết: “Đôi khi việc đầu tư muộn hơn lại có lợi thế. Công nghệ sẽ hay hơn và không nhất thiết dùng tới lò cao”.
Cụ thể, nhiều phương án sẽ được tính đến trong đó có việc sử dụng công nghệ sản xuất HRC mới của Trung Quốc. Công nghệ này không nhất thiết phải dùng đến than cốc và dùng trực tiếp than cám. Điều này giúp giảm 30% khí thải ra môi trường và việc vận hành trở nên đơn giản hơn, không phải trải qua khâu luyện cốc. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất không yêu cầu quặng sắt chất lượng quá cao, hàm lượng từ 40 - 50%Fe, thấp hơn so với công nghệ lò cao thông thường, yêu cầu hàm lượng từ 62%Fe trở lên.
Công nghệ thứ hai được doanh nghiệp xem xét là sử dụng lò điện. Ông Đa cho biết công nghệ này được được công ty thép Tokyo Steel sử dụng. Chi phí năng lượng lò điện sẽ rẻ hơn so với lò cao truyền thống.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (Ảnh: H.Mĩ)
Để xây dựng khu liên hợp gang - thép, doanh nghiệp sẽ cần đến tiềm lực tài chính tốt và quỹ đất rộng lớn, thuận lợi cho việc giao thông, vận tải, đặc biệt là đường biển.
Đối với vị trí xây dựng, ông Đa cho biết một trong những tiêu chí quan trọng là thuận tiện xây dựng cảng nước sâu. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa xác định cụ thể địa điểm nào sẽ được lựa chọn.
Việc tìm được địa điểm thích hợp không phải là điều dễ dàng. Trước đó, chia sẻ ở ĐHĐCĐ thường niên 2025 hôm 17/4, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát ví von Phú Yên là “mảnh đất cuối cùng thích hợp để làm thép” khi nói về dự án mới của tập đoàn này.
Đối với thách thức về nguồn vốn, việc xây dựng khu liên hợp gang - thép sẽ cần một số tiền không nhỏ.
Điển hình như trường hợp Hoà Phát khi doanh nghiệp này chi 85.000 tỷ đồng để xây dựng khu liên hợp Dung Quất 2 với diện tích 280 ha. Trong đó 50% vốn tự có và 50% còn lại là vay.
Hay như dự án “siêu dự án” thép Cà Ná của Hoa Sen đòi hỏi số vốn khoảng hơn 10 tỷ USD nhưng sau đó không thể thực hiện được do một số vấn đề liên quan đến môi trường, công nghiệp và thiết bị.
Mới đây, Xuân Thiện cũng công bố dự án tổ hợp sản xuất thép trị giá 100.000 tỷ đồng, trong đó sẽ sản xuất thép HRC để cạnh tranh với Hoà Phát và Formosa.
Đối với VNSteel, ông Đa cho biết dự kiến nguồn vốn tự có dự kiến chiếm khoảng 30% và vay là 70%. Trong đó, doanh nghiệp sẽ huy động nguồn vốn từ các cổ đông chiến lược. Hiện tại, cơ cấu cổ đông của VNSteel khá cô đặc. Trong đó, đại diện vốn Nhà nước chiếm tới gần 94%.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của VNSteel là 24.531 tỷ đồng, giảm 585 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Vốn chủ sở hữu của công ty 9.442 tỷ đồng trong khi nợ phải trả là hơn 15.000 tỷ đồng; tức tỷ lệ nợ/tổng nguồn vốn của công ty là 61%. Trong đó, nợ ngắn hạn tính đến ngày 31/3 là 11.760 tỷ đồng, gấp 3,5 lần nợ dài hạn. Tuy nhiên, con số này đã giảm 703 tỷ đồng so với đầu năm 2024.
Tài sản của VNSteel qua các các năm (Nguồn: Wichart)
Ông Đa cho biết để huy động được vốn, trước tiên VNSteel phải tái cơ cấu các công ty thành viên, đặc biệt là Tisco và VTM nhằm cải thiện kết quả kinh doanh chung của Tổng Công ty.
"Chúng tôi đang cố gắng giảm lỗ một số dự án chẳng hạn như Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) . Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng Công ty.
Năm nay, chúng tôi sẽ tập trung khắc phục dự án này. Ngay ngày hôm qua (27/4) VTM đã khôi phục lại sản xuất, phấn đấu giảm lỗ luỹ kế trên 100 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp kết quả chung của Tổng Công ty cải thiện", ông Đa chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên trong sáng ngày 28/4.
Bên cạnh việc tái cơ cấu, doanh nghiệp này cũng sẽ đầu tư trang thiết bị mới để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Những cái gì nhỏ lẻ, lạc hậu thì sẽ bỏ đi và thay thế bằng những cái mới”, ông cho biết.
Lãnh đạo của VNSteel cho biết máy móc, thiết bị của hầu hết các công ty thành viên đều được đầu tư từ 20 năm trước, mới nhất cũng khoảng 10 năm. Trong suốt nhiều năm qua, hệ thống cơ sở sản xuất của VNSteel gần như không có sự tăng thêm về công suất.
Năm nay, VNSteel lên kế hoạch đầu tư 542 tỷ đồng để phục vụ đầu tư dự án mới. Trong đó có việc tăng vốn điều lệ tại CTCP thép Nhà Bè đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng bổ sung công đoạn luyện phôi 150.000 tấn/năm; mua lại 6% vốn góp của các đối tác nước ngoài tại Tôn Phương Nam; góp vốn đầu tư 1 nhà máy sản xuất luyện cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại phía Nam.
Ngoài ra, VNSteel còn lên kế hoạch đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết để thực hiện mua sắm, nâng cấp tài sản với tổng nhu cầu vốn 2.384 tỷ đồng, bao gồm 1.289,7 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và 1.094,9 tỷ đồng cho đầu tư mua sắm, nâng cấp tài sản cố định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, đơn vị lựa chọn nhà đầu tư dự án điện đủ năng lực, bám sát tiến độ, thay vì lướt sóng, ăn chênh lệch.
Ngay từ đầu mùa, sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó tại thị trường Trung Quốc do việc kiểm dịch siết chặt và đối thủ mới trỗi lên, khiến giá bán giảm mạnh.
Xuất khẩu tôm Việt Nam quý I tăng mạnh 37% nhờ nhu cầu tại các thị trường chủ chốt hồi phục. Tuy nhiên, ngành tôm cũng đang phải đối mặt thách thức lớn từ chính sách thuế mới của Mỹ và áp lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Thị trường lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận biến động trái chiều, với giá gạo tăng nhẹ trong khi giá lúa giảm. Trên thị trường châu Á, giá gạo tại các nước khác đồng loạt tăng, riêng giá gạo Việt Nam duy trì ổn định.