Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý I năm nay đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận sự phục hồi ấn tượng tại nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia CPTPP. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn.
Trung Quốc và Hong Kong là điểm sáng nổi bật với kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 288 triệu USD, tăng ấn tượng 125%.
Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc phục vụ kỳ nghỉ lễ Lao động khiến sức mua tăng cao, giúp giá tôm sú Việt trong tháng 3 tăng nhẹ so với tháng 1, lên 9,6 USD/kg. Tuy nhiên, giá tôm thẻ vẫn thấp, 6,6 USD/kg, cho thấy sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ quý I đạt 134 triệu USD, tăng 11% nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2025, theo nhận định của VASEP.
Mỹ hiện là thị trường có giá xuất khẩu cao nhất, với tôm thẻ bình quân đạt 10,9 USD/kg và tôm sú 17,7 USD/kg. Tuy vậy, doanh nghiệp tôm Việt vẫn đối mặt với rủi ro sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp tôm Việt còn phải đối phó với 2 vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Mỹ.
Tại thị trường châu Âu, xuất khẩu tôm Việt Nam cũng tăng 33% trong quý I, đạt 107 triệu USD. VASEP đánh giá, việc tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn như Seafood Expo Global 2025 tại Tây Ban Nha sẽ mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm và mở rộng đơn hàng tại thị trường EU, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh từ Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador ngày càng gay gắt.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực, lần lượt đạt 124 triệu USD và 77 triệu USD. Tuy nhiên, giá bán có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ so với đầu năm do áp lực cạnh tranh tăng. Giá tôm thẻ giảm từ 9,5 USD/kg xuống 8,4 USD/kg, tôm sú giảm nhẹ từ 14,7 USD/kg xuống 13,6 USD/kg.
VASEP nhận định, dù quý đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhưng mục tiêu đạt 4 tỷ USD xuất khẩu tôm trong năm 2025 vẫn rất thách thức. Ngành tôm không chỉ chịu sức ép từ thuế quan Mỹ, mà còn phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các đối thủ quốc tế, trong khi chưa tận dụng được hết các cơ hội mà CPTPP mang lại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, đơn vị lựa chọn nhà đầu tư dự án điện đủ năng lực, bám sát tiến độ, thay vì lướt sóng, ăn chênh lệch.
Ngay từ đầu mùa, sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó tại thị trường Trung Quốc do việc kiểm dịch siết chặt và đối thủ mới trỗi lên, khiến giá bán giảm mạnh.
Lãnh đạo của Tổng Công ty Thép Việt Nam chia sẻ đang lên kế hoạch sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) nhằm phủ chuỗi giá trị sản xuất thép của công ty.
Thị trường lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận biến động trái chiều, với giá gạo tăng nhẹ trong khi giá lúa giảm. Trên thị trường châu Á, giá gạo tại các nước khác đồng loạt tăng, riêng giá gạo Việt Nam duy trì ổn định.