Kinh doanh & Thị trường 03/04/2025 16:23

Những nơi đang sốt đất theo tin sáp nhập

Thông tin về sáp nhập tỉnh, thành khiến đất nền tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang, Đồng Nai... lên cơn sốt giá. Theo chuyên gia, bên cạnh cơ hội lướt sóng thì rủi ro đi kèm là rất cao, nhà đầu tư không nên mạo hiểm bởi nếu không kịp thoát hàng sẽ lâm cảnh đu đỉnh, mắc cạn.

Thời gian gần đây, những thông tin xoay quanh đề xuất sáp nhập tỉnh, thành đã khiến giá đất tại nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận diễn biến tăng nóng. Thị trường chứng kiến nhiều nhóm nhà đầu tư vào cuộc săn đất, gom hàng. 

Ở khu vực phía Bắc, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy giá đất Hưng Yên tại tháng 3/2025 tăng trung bình 6 - 15% so với cuối năm 2024. Hiện đất khu vực TP Hưng Yên tăng từ 5 - 7% so với đầu năm. Ở khu vực vòng xuyến Văn Giang, đất nền đang được rao bán từ 125 - 150 triệu/m2. Đất tại các xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao (huyện Văn Giang) có nhiều tin đăng bán với giá 40 - 55 triệu/m2, tăng khoảng 5 - 7% so với tháng 2.  

Theo chia sẻ của môi giới địa phương, đất nền Văn Giang đang sốt nóng do có những thông tin về việc Hưng Yên sẽ sáp nhập với tỉnh Thái Bình, còn riêng huyện Văn Giang sáp nhập về TP Hà Nội do có vị trí nằm ngay cửa ngõ Thủ đô. Nếu người mua có tài chính khoảng 2 tỷ trở xuống thì chỉ có thể tìm nguồn hàng là đất trong ngõ và nếu may mắn mới tìm được ngõ đi vừa ô tô.    

Ở TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), giá đất tại các xã, phường trung tâm như Thanh Miếu, Gia Cẩm, Thọ Sơn, Bạch Hạc, Sông Lô, Trưng Vương… ghi nhận gia tăng so với cuối năm 2024. Nguyên nhân chính xuất phát từ tin đồn sáp nhập tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, với trụ sở hành chính dự kiến đặt tại Phú Thọ, khiến kích thích làn sóng đầu tư.  

Ở Khu đô thị Bến Gót (phường Thọ Sơn), môi giới chia sẻ từ đầu tháng 3 trở lại đây, mỗi ngày có cả chục người đến đây xem đất. Trước Tết Nguyên đán, giá đất ở khu vực này chỉ khoảng 15 triệu/m2 nhưng đến nay đã lên hơn 20 triệu/m2. Trước thực trạng này, Sở Xây dựng tỉnh đã cảnh báo việc giá đất tăng cao rất có thể chỉ là các chiêu trò thổi giá của cò đất.   

Thông tin từ Báo Bắc Giang, ngay khi những đề xuất sáp nhập tỉnh, thành được đưa ra, giá đất tại nhiều khu vực tiềm năng của địa phương này đã tăng lên, trong đó mạnh nhất là khu vực TP Bắc Giang. Nguyên nhân do nhiều người kỳ vọng TP Bắc Giang sẽ là thủ phủ khi sáp nhập tỉnh, sẽ có đông dân cư vào ở tại khu vực trung tâm hành chính mới, nhiều dịch vụ sẽ phát triển.  

Hiệp hội Bất động sản tỉnh khuyến cáo, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng bởi những thông tin về sáp nhập địa giới hành chính chưa chính thức. 

Tại Ninh Bình, một số khu vực trước đây có giá giao dịch phổ biến từ 3,2 - 3,4 tỷ/lô đất 80 m2, hiện được rao bán giá dao động 3,5 - 4 tỷ/lô. Ở phường Nam Thành (TP Hoa Lư), một lô đất 70 m2 vào cuối năm 2024 có giá 2,3 tỷ, đến tháng 2/2025 đã tăng lên 3,3 tỷ.  

Giữa tháng 3, Sở Xây dựng tỉnh đã có văn bản đề nghị kiểm tra tình hình tăng giá bất thường của bất động sản tại TP Hoa Lư. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sốt đất được cho là sau khi Ninh Bình hoàn tất việc sáp nhập huyện Hoa Lư vào TP Ninh Bình để thành lập TP Hoa Lư. Đồng thời, TP Hoa Lư được công nhận là đô thị loại I. Sự kiện này đã tạo ra tâm lý kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của khu vực, kéo theo làn sóng đầu tư và đẩy giá đất lên cao. 

Bắc Ninh, môi giới địa phương cho biết, thực trạng sốt đất sau Tết Nguyên đán xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như TP Bắc Ninh, TP Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ hay các huyện Gia Bình, Lương Tài.  

“Đất đẹp trong dân không có nhiều, hàng ra là hết. Từ sau Tết, ngoài người dân địa phương thì tôi còn tiếp rất nhiều khách hàng khác ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc,... kéo đến mua đất", người này nói.  

Thực trạng sốt đất sau Tết Nguyên đán xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Môi giới cung cấp).

Tại miền Trung, môi giới chia sẻ, lượng nhà đầu tư đổ về săn đất tại các dự án Khu đô thị Thái Dương, Khu đô thị số 3, Khu đô thị 1A - 1B (thuộc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) tăng nhiều sau tin đồn về việc sáp nhập địa giới hành chính Đà Nẵng - Quảng Nam. 

Khu vực Nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nếu như trong năm 2024, mỗi lô đất rộng 100 m2 có giá từ 2,4 - 2,7 tỷ đồng/lô, thì hiện đã tăng lên 3,2 - 3,5 tỷ đồng/lô - tiệm cận mức đỉnh vào đầu năm 2019. 

Vào đến phía Nam, theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, ngay sau khi tin tức về sáp nhập xuất hiện, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại những địa phương liên quan đã cải thiện đáng kể. Mức độ quan tâm tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng 41%, Thuận An (Bình Dương) tăng 26%, Dĩ An (Bình Dương) tăng 23%.  

Trong tháng 3/2025, giá đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 48% so với cùng kỳ. Còn ở Bình Dương, đất nền Khu đô thị Golden Center City có giá 14 - 16 triệu/m2, thay cho mức 12 - 15 triệu/m2 hồi cuối năm ngoái; những lô đất có vị trí đẹp ở dự án Richland Residence (TP Bến Cát), nằm trên mặt tiền đường Hòa Lợi, giá chào bán tăng từ 24 - 27 triệu/m2 lên 26 - 29 triệu/m2.   

Theo bà Nguyễn Thị Triều, CEO Blue Bridge Investment Partners, giá bất động sản tại một số khu vực có vị trí kết nối trực tiếp với TP HCM hay có thông tin đồn đoán sẽ sáp nhập như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Long An… đã tăng trưởng rất ấn tượng trong những tháng đầu năm nay. 

(Nguồn: Batdongsan.com.vn). 

Cơ hội đi kèm rủi ro

Dưới góc độ chuyên gia, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam đánh giá, thông tin sáp nhập đã tạo nên làn sóng quan tâm mạnh mẽ của người dân với thị trường bất động sản. Lượt tìm kiếm bất động sản tại nhiều tỉnh thành đã tăng mạnh sau khoảng 1 tuần từ khi thông tin sáp nhập lan truyền.

Tại khu vực lân cận TP HCM, một số địa bàn có lượt tìm kiếm tăng mạnh gồm Nhơn Trạch (tăng 41%); Thuận An (26%) hay Dĩ An (23%). Sự gia tăng này phản ánh tâm lý tích cực và đồng thuận của nhà đầu tư đối với tiềm năng của việc sáp nhập, đặc biệt tại các khu vực có vị trí chiến lược. 

Cùng với lượt tìm kiếm, giá bán bất động sản tại nhiều địa bàn cũng tăng nóng. Trong đó tại Nhơn Trạch, giá đất đã tăng 20 - 30% và đang quay về mức đỉnh của năm 2022 (nơi các tay to thoát hàng). Điều này cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro. 

Vị này nhận định, giá tăng trong các đợt sốt đất gần đây chủ yếu do tâm lý thị trường. Nhà đầu tư cần thận trọng với các khu vực có dấu hiệu tăng nóng. Bên cạnh cơ hội lướt sóng thì rủi ro đi kèm là rất cao, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Theo chuyên gia, giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư, và nền tảng kinh tế địa phương.

Do đó, ông Tuấn khuyến cáo nhà đầu tư không chuyên không nên mạo hiểm tham gia thị trường, bởi nếu không kịp thoát hàng sẽ lâm cảnh đu đỉnh và mắc cạn.
Thạch Phong
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 10:36
Giấc mơ tỷ đô trên đất Mỹ của ly cà phê Việt: Thuế quan là phép thử

Chuyên gia chỉ ra thương mại điện tử là con đường ngắn nhất giúp các thương hiệu cà phê Việt chiếm lĩnh thị trường tỷ đô của Mỹ.

Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 09:36
Nhà cung cấp lớn nhất của Apple rót thêm tiền đầu tư vào Việt Nam

Apple phụ thuộc nhiều vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 09:04
Doanh nghiệp bất động sản có thể tìm nguồn vốn mới từ đâu?

Một câu chuyện rất gian nan của các doanh nghiệp bất động sản là nguồn vốn để có thể vực dậy. Nguồn vốn của nhóm này chủ yếu đến từ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và một phần ứng trước từ khách hàng. Với những gì đã diễn ra, doanh nghiệp bất động sản phải chắc chắn thực hiện được hoạt động xây dựng, bàn giao thì mới có thể lấy lại được niềm tin từ khách hàng, nhà đầu tư.

Kinh doanh & Thị trường 04/04/2025 08:26
'Khó dự báo kịch bản thị trường BĐS Việt Nam khi Mỹ áp thuế 46%'

Với việc Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị Mỹ áp mức thuế đối ứng cao nhất với 46%, chuyên gia cho rằng tâm lý các nhà đầu tư bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO