Tới nay, lạm phát ở Mỹ chưa tăng vọt vì thuế quan. (Ảnh minh họa: Getty Images).
Các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây ra ít ảnh hưởng kinh tế hơn những gì giới chuyên gia từng lo sợ.
Khảo sát hàng quý của Wall Street Journal (WSJ) cho thấy hiện nay, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn, tạo thêm nhiều việc làm hơn so với ba tháng trước. Đồng thời, họ còn giảm dự báo về lạm phát và xác suất suy thoái.
Lý do là khảo sát trước đây của WSJ được tiến hành trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi ông Trump đe dọa áp thuế đối ứng cao ngất lên các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Không lâu sau đó, ông quyết định tạm hoãn áp thuế.
Trung bình, các nhà kinh tế dự đoán GDP quý IV sẽ tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm trước (sau khi điều chỉnh cho lạm phát). Con số này cao hơn 0,2 điểm % so với ước tính họ đưa ra trong tháng 4, nhưng chỉ bằng một nửa dự báo hồi tháng 1.
Các chuyên gia dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi về 1,9% trong năm 2026, tương tự như các khảo sát trước đó.
Trung bình, họ đánh giá khả năng suy thoái trong 12 tháng tới vào khoảng 33%, thấp hơn so với mức 45% hồi tháng 4, nhưng vẫn cao hơn mức 22% vào tháng 1.
Ông Chad Mourtray, nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ, nhận xét: “Bất chấp hàng loạt thách thức, nền kinh tế Mỹ vẫn rất kiên cường. Người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu, nhưng tâm lý của họ đã chuyển từ táo bạo sang thận trọng”.
Khảo sát mới nhất của WSJ được tiến hành từ ngày 3 đến 8/7, thu thập ý kiến từ 69 nhà kinh tế tại nhiều tổ chức, từ các ngân hàng Phố Wall cho đến các công ty tư vấn nhỏ.
Trong khoảng cách ba tháng giữa hai cuộc khảo sát, nền kinh tế Mỹ đón nhận nhiều dữ liệu đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng việc làm hàng tháng trung bình đạt 150.000, cao hơn dự báo hồi tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,2% trong tháng 5 xuống 4,1% vào tháng 6, tương tự như các con số ghi nhận vào năm ngoái.
Số liệu hàng tuần về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu - chỉ báo gần như theo thời gian thực về tình hình sa thải - cũng không cho thấy tín hiệu đáng lo ngại.
Tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng dường như đã ổn định trở lại sau khi suy yếu đáng kể vào hồi đầu năm. Chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới trong tháng 7. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất là lạm phát chưa tăng vọt vì thuế quan.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI lõi) - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động - tăng 2,8% trong tháng 5 so với một năm trước đó, đánh dấu mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mục tiêu lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đặt ra là 2%.
Theo WSJ, mặc dù dự báo của các nhà kinh tế đã trở nên tích cực hơn so với cuộc khảo sát trước, họ vẫn khá bi quan, có thể là do tình trạng bất ổn thương mại kéo dài và tăng trưởng kinh tế đến nay vẫn ảm đạm.
Tuần trước, ông Trump thông báo với hàng loạt đối tác thương mại của Mỹ - bao gồm Brazil, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu - rằng họ sẽ đối mặt với mức thuế quan cao hơn đáng kể từ ngày 1/8.
Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG Mỹ, cảnh báo rằng các chỉ báo chính thức thường khó có thể phản ánh các “bước ngoặt” của nền kinh tế.
Bà giải thích: “Dù dữ liệu thống kê của Mỹ rất tốt, chúng không được thiết kế để phản ánh những thay đổi chính sách lớn và đột ngột như hiện nay. Điều đó khiến việc dự đoán tình hình càng trở nên khó khăn”.
Các chính sách lớn của ông Trump - về thương mại, nhập cư và ngân sách - có thể cũng cần thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế thực.
Một số quan chức Fed đoán các doanh nghiệp sẽ không tăng giá cả cho đến khi họ tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho đã tích trữ trước khi thuế quan có hiệu lực, theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 6.
Trung bình, các nhà kinh tế ước tính kế hoạch thuế quan của ông Trump sẽ khiến tỷ lệ lạm phát đo lường theo CPI tăng thêm 0,7 điểm % trong quý IV/2025. Song, dự báo trung bình về lạm phát vào tháng 12 đã giảm xuống còn 3% - thấp hơn so với ước tính 3,6% hồi tháng 4.
Ông Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại Comerica Bank, bình luận: “Dù thuế quan có vẻ vẫn sẽ gây áp lực lên lạm phát trong nửa cuối năm, tác động của chúng sẽ được bù đắp phần nào nhờ giá năng lượng và chi phí nhà ở hạ nhiệt”.
Nhìn chung, mức thuế quan cuối cùng và ảnh hưởng kinh tế của chúng vẫn là những ẩn số lớn. Các nhà kinh tế của JPMorgan ước tính mức thuế suất trung bình của Mỹ vào ngày 12/5 - sau khi ông Trump giảm mạnh thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc - là khoảng 12,2%.
Kể từ đó, thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với nhôm, thép, đồng, Nhật Bản và các nước khác đã nâng thuế suất lên mức 14,6%. Ngoài ra, JPMorgan ước tính các đề xuất khác của ông Trump sẽ khiến thuế quan tăng thêm 6,1 điểm %.
Mặt khác, triển vọng của thị trường việc làm đã được cải thiện kể từ tháng 4. Hiện tại, các nhà kinh tế dự kiến Mỹ sẽ có thêm trung bình 74.070 việc làm trong 12 tháng tới, cao hơn ước tính hồi tháng 4 là 54.619. Họ còn hạ dự đoán về tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 12 từ 4,7% xuống 4,5%.
Điều đó có thể giúp Fed có thêm thời gian trước khi giảm lãi suất từ phạm vi mục tiêu hiện tại 4,25 - 4,5%. Nhìn chung, các nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ tung ra một hoặc hai đợt cắt giảm lãi suất với quy mô mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm nay.
Tính chung nửa đầu năm nay, thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc đạt xấp xỉ 586 tỷ USD - cao hơn gần 35% so với cùng kỳ.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố nguồn thu từ thuế hải quan trong tháng 6 đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng gấp 4 lần so với năm trước, lên tới 27,2 tỷ USD.
Trong một chương trình của ABC News vào cuối tuần qua, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett đã đề cập một khả năng để Tổng thống Donald Trump có thể sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell.
4 cổ phiếu mà tập đoàn của Warren Buffett đang nắm giữ - chiếm khoảng 32,4% danh mục - đang triển khai các kế hoạch AI để nâng cấp hoạt động kinh doanh truyền thống của họ.