Tài chính Doanh nghiệp 05/05/2025 15:51

Nội địa là trục đỡ của ngành thép, lợi nhuận nhóm tôn mạ tiếp tục chịu sức ép lớn

Thị trường nội địa trở thành lực đỡ cho các doanh nghiệp thép trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt hơn từ thép Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu. Riêng lợi nhuận nhóm tôn mạ chịu sức ép lớn khi tỷ trọng xuất khẩu cao.

Quý I/2025, ngành thép Việt Nam chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa thị trường nội địa và xuất khẩu. Đứng trước khó khăn về rào cản thương mại thế giới, nhu cầu trong nước là động lực tiêu thụ thép chủ lực của quý này.

Theo góc nhìn của Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), việc Mỹ áp dụng thuế mở rộng với các quốc gia khác đã gây ra phản ứng dây chuyền dẫn đến tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đảo lộn dòng chảy thương mại thép toàn cầu.

Các doanh nghiệp thép đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường ngoài Mỹ làm tăng thêm áp lực cạnh tranh tại các thị trường này khiến cho hoạt động xuất khẩu thép nói chung gặp nhiều khó khăn.

Ngược lại, tại thị trường Việt Nam, sau giai đoạn trầm lắng của năm 2023 và sự phục hồi chậm trong năm 2024, thị trường thép nội địa ghi nhận những cải thiện đáng kể về sản xuất và tiêu thụ thép.

Sự hồi phục chung của thị trường thép Việt Nam đến từ nhiều yếu tố bao gồm đầu tư công tăng tốc trở lại sau Tết, nhu cầu xây dựng dân dụng phục hồi tại các đô thị lớn, cùng với động lực từ các khu công nghiệp mới tại miền Trung và phía Nam.

Doanh nghiệp nắm thị phần số 1 về thép xây dựng là Hoà Phát, tiếp tục có một quý kinh doanh khởi sắc với doanh thu thuần tăng 22% so với cùng kỳ lên 37.622 tỷ đồng.

Tập đoàn cho hay mặt hàng thép của Hòa Phát không bị tác động trực diện từ chính sách thuế của Mỹ do vốn dĩ đã chịu thuế nhập khẩu 25% tại thị trường này từ năm 2018. Bên cạnh đó việc không phụ thuộc vào bất kể thị trường xuất khẩu nào và tập trung vào nội địa đã giúp tập đoàn vẫn giữ được đà tăng trưởng trong quý I.

Hoà Phát báo lãi ròng 3.344 tỷ đồng quý đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá nguyên vật liệu sản xuất thép như quặng sắt và than mỡ luyện coke giảm lần lượt 4,2% và 36,5% so với cùng kỳ giúp biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát cải thiện từ 13,46% cùng kỳ lên 14,42% quý đầu năm.

  Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Đà phục hồi cũng diễn ra ở Tổng Công ty thép Việt Nam (VNSteel - Mã: TVN) khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ.

Doanh thu trong quý của VNSteel đạt 10.030 tỷ, lãi ròng 96 tỷ; tăng lần lượt 33% và 162% so với cùng kỳ do tăng sản lượng bán hàng và có thêm nguồn thu nhập tài chính.

Trái lại, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) tiếp tục có một quý kinh doanh kém khả quan khi lợi nhuận ròng chưa tới 2 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ do không còn khoản thu nhập bất thường và doanh thu rơi về mức thấp nhất 15 năm.

 Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Quý ảm đạm của nhóm tôn mạ

Nhóm tôn mạ tiếp tục có một quý kinh doanh ảm đạm trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu suy khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt hơn từ thép Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu.

Ông lớn số 1 mảng tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) báo doanh thu trong kỳ giảm 9% so với cùng kỳ còn 8.452 tỷ, gần sát với mức giảm 6% của sản lượng bán. Điều này cho thấy giá bán trung bình giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

Lãi ròng của Hoa Sen giảm 36% còn 205 tỷ đồng trong quý II niên độ 2024 - 2025.

Phía Hoa Sen cho biết do tâm lý thận trọng của khách hàng, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của công ty đã tạm gián đoạn từ tháng 9/2024 đến nay và công ty đang tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới.

  Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Tương tự, doanh thu thuần ba tháng đầu năm của CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) giảm 23% so với cùng kỳ còn 4.090 tỷ, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ giảm 19%. Mức giảm này đến từ hoạt động xuất khẩu yếu, với sản lượng xuất khẩu giảm 44% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, sản lượng bán hàng nội địa tăng 33%, nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm mạnh từ xuất khẩu. Trừ đi các chi phí, Nam Kim báo lãi ròng 65 tỷ, giảm 56% so với cùng kỳ 2024.

Bức tranh ảm đạm của ngành cũng bao trùm lên CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) khi doanh thu suy giảm gần 3% cùng biên lợi nhuận co hẹp khiến lãi ròng giảm 34% còn 63 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Các thách thức với nhóm tôn mạ được dự báo gia tăng trong nửa cuối năm. Chứng khoán Vietcap cho biết chi phí đầu vào tăng sau khi mức thuế AD20 được áp dụng đối với HRC của Trung Quốc từ tháng 3/2025, và hạn ngạch mới của EU đối với tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4/2025.

Việc hạn ngạch mới của EU dự kiến sẽ khiến sản lượng xuất khẩu tôn mạ từ Việt Nam sang khu vực này giảm một nửa. EU chiếm 30-35% tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam trong 2024.

Một điểm tích cực là việc áp dụng thuế chống bán phá giá (AD19) đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù điều này sẽ giúp làm giảm đáng kể áp lực từ thép nhập khẩu, nhưng Vietcap cho rằng dư địa tăng giá vẫn sẽ bị hạn chế do cạnh tranh gia tăng tại thị trường trong nước vốn đã dư cung, do sự chuyển hướng của hàng xuất khẩu.

Hoàng Kiều
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 05/05/2025 16:47
Đèo Cả thu 390 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, lên kế hoạch huy động thêm gần 500 tỷ đồng

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) vừa hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ với kết quả thu về 390 tỷ đồng, phục vụ cho kế hoạch đầu tư vào tuyến cao tốc chiến lược Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Tài chính Doanh nghiệp 05/05/2025 15:42
PV GAS thu hồi hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu từ PV Power và Năng lượng Mê Kông

Kết quả kinh doanh tích cực giúp PV GAS tích lũy thêm lượng tiền và tiền gửi ngân hàng lên hơn 37.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ so với thời điểm đầu năm và chiếm hơn 45% tài sản.

Tài chính Doanh nghiệp 05/05/2025 14:55
TTC AgriS hoàn thành 86% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 quý, giá cổ phiếu vượt đỉnh 3 năm

TTC AgriS (Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Mã: SBT) công bố báo cáo tài chính quý III niên độ 2024-2025 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chịu ảnh hưởng từ biến động thương mại và địa chính trị.

Tài chính Doanh nghiệp 05/05/2025 11:41
Trước 'cơn đại hồng thủy' hàng giá rẻ Trung Quốc, Bóng đèn Rạng Đông giảm phân nửa lợi nhuận

Ban lãnh đạo cho biết hàng Trung Quốc dư thừa công suất và  các công ty nước ngoài chuyển đầu tư vào Việt Nam đã cạnh tranh khốc liệt với Rạng Đông, lợi nhuận quý đầu năm rơi về mốc 100 tỷ đồng.