Theo báo cáo tài chính quý I, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 10% đạt 25.675 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó tăng 11% lên 4.090 tỷ đồng, giúp biên lãi gộp nhích nhẹ.
Xét theo cơ cấu, doanh thu bán khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mang về con số lớn nhất với 13.325 tỷ đồng, tăng 2,4% và chiếm tỷ trọng gần 52% nguồn thu. Tiếp đến là doanh thu bán khí khô và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đạt 11.023 tỷ đồng, tăng hơn 18% và chiếm tỷ trọng gần 43%.
Ngoài ra, tổng công ty còn có nguồn thu 562 tỷ đồng từ vận chuyển khí và condensate, hơn 260 tỷ đồng từ bán condensate, 186 tỷ đồng từ bán khí thiên nhiên nén (CNG).
Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Doanh thu tài chính trong kỳ giảm hơn trăm tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi/lãi cho vay, tuy nhiên chi phí tài chính cũng giảm mạnh 35% nhờ giảm tiền lãi vay/lỗ chênh lệch tỷ giá.
Chi phí bán hàng tăng nhẹ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cao gấp rưỡi cùng kỳ khi chịu thêm một khoản phí sử dụng nhãn hiệu phải trả PVN và tăng chi phí cho nhân viên quản lý.
Kết quả, PV GAS ghi nhận lãi sau thuế 2.763 tỷ đồng, tăng 9% so với quý I/2024. Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân chính do sản lượng tiêu thụ LPG tăng 9% và giá LNG tăng 53%, các hoạt động khác diễn ra bình thường.
Theo báo cáo thường niên, tổng công ty đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2025 với doanh thu 73.900 tỷ và lãi sau thuế 5.300 tỷ đồng, giảm tương ứng 29% và 50% so với thực hiện 2024.
Với kết quả trên, doanh nghiệp chuyên về khí đột đã thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu và hơn 52% kế hoạch lãi sau thuế chỉ sau một quý.
Chỉ tiêu kinh doanh của PV GAS. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Tổng tài sản của PV GAS chỉ nhích nhẹ trong kỳ lên 82.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tiền gửi ngân hàng được mở rộng mới với hơn 37.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ so với thời điểm đầu năm và chiếm 45% tài sản.
Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng giảm xuống nhờ thu hồi được nợ xấu. Đáng chú ý trong đó là việc thu hồi được toàn bộ khoản nợ gốc 1.011 tỷ đồng từ công ty TNHH Năng lượng Mê Kông.
Đây là công ty liên doanh giữa EDFI, Sumitomo Corporation và JERA, chịu trách nhiệm vận hành Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 công suất 715 MW ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty này hết hợp đồng vào ngày 4/2 nên đã chuyển giao nhà máy về cho PVN.
Ngoài ra, khoản nợ xấu từ nhóm công ty Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng giảm từ 2.855 tỷ đầu năm về còn 779 tỷ đồng, tức trả khoảng 2.000 tỷ trong một quý. Phần lớn khoản nợ xấu này là của Nhơn Trạch 2 - công ty con của PV Power.
PV GAS thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng từ PV Power và Năng lượng Mê Kông. Nguồn: GAS.
Vốn chủ sở hữu cũng được làm dày thêm nhờ kết quả kinh doanh có lãi, đạt hơn 64.300 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận chưa phân phối là hơn 12.300 tỷ và quỹ đầu tư phát triển duy trì gần 27.000 tỷ đồng.
Hiện PV GAS quản lý và vận hành hệ thống khí trên toàn quốc với hơn 1.500 km đường ống khí, 3 Nhà máy GPP, các trung tâm phân phối khí/kho/cảng LPG lạnh và LNG, tàu kho nổi 44.000 tấn LPG tại phía Bắc, các kho định áp trên 30 ngàn tấn và trạm chiết nạp khí…
Từ tháng 3/2025, PV GAS đã hoàn thành việc nâng công suất tái hóa Kho LNG Thị Vải từ mức 5,7 triệu sm3/h lên 7,7 triệu sm3/h, qua đó đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu tiêu thụ cho các nhà máy điện và khách hàng.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) vừa hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ với kết quả thu về 390 tỷ đồng, phục vụ cho kế hoạch đầu tư vào tuyến cao tốc chiến lược Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Thị trường nội địa trở thành lực đỡ cho các doanh nghiệp thép trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt hơn từ thép Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu. Riêng lợi nhuận nhóm tôn mạ chịu sức ép lớn khi tỷ trọng xuất khẩu cao.
TTC AgriS (Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Mã: SBT) công bố báo cáo tài chính quý III niên độ 2024-2025 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chịu ảnh hưởng từ biến động thương mại và địa chính trị.
Ban lãnh đạo cho biết hàng Trung Quốc dư thừa công suất và các công ty nước ngoài chuyển đầu tư vào Việt Nam đã cạnh tranh khốc liệt với Rạng Đông, lợi nhuận quý đầu năm rơi về mốc 100 tỷ đồng.