Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo chí. (Ảnh: Bloomberg).
Vào ngày 15/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã đạt một thoả thuận thương mại với Indonesia. Theo đó, hàng hoá từ quốc gia này vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 19%, trong khi hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ không bị đánh thuế.
“Họ sẽ phải trả mức thuế 19% và chúng ta không phải trả bất cứ khoản nào”, ông Trump chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng. “Chúng ta sẽ có toàn quyền tiếp cận với thị trường Indonesia”.
Sau đó, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump tiết lộ rằng Indonesia cũng đồng ý mua 15 tỷ USD năng lượng, 4,5 tỷ USD nông sản Mỹ và 50 máy bay Boeing, “nhiều trong số đó là máy bay 777”.
Theo Bloomberg, ông Trump ban đầu công bố thoả thuận mới trên mạng xã hội mà không cung cấp thông tin chi tiết. Ông cho biết mình đã làm việc trực tiếp với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto để hoàn tất thoả thuận.
Indonesia đang chuẩn bị một tuyên bố chung với Mỹ, trong đó nêu chi tiết thông tin, bao gồm các biện pháp phi thuế quan và hiệp định thương mại, ông Susiwijono Moegiarso - quan chức cấp cao tại Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia - cho hay trong một tin nhắn văn bản vào cuối ngày tại Jakarta.
Trước tuyên bố đạt thoả thuận với Indonesia, trong tuần qua, ông Trump đã gửi thư thông báo thuế quan đối ứng tới nhiều đối tác thương mại, gia tăng áp lực lên các nhà đàm phán trước hạn chót 1/8. Theo nội dung lá thư, hàng hoá Indonesia sẽ phải chịu mức thuế 32%.
Nhà đàm phán chính của Indonesia, Bộ trưởng Airlangga Hartarto tuần trước đã gặp các quan chức Mỹ, bao gồm Đại diện Thương mại Jamieson Greer, Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent để thảo luận một thoả thuận tốt hơn.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trước đó đã đề xuất mức thuế gần bằng 0 đối với khoảng 70% hàng nhập khẩu từ Mỹ, cùng các thoả thuận kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp và quốc phòng.
Tuy nhiên, đề xuất nêu trên đã không thể thuyết phục được ông Trump giảm thuế quan đối với hàng hoá Indonesia từ mức 32% - con số mà vị tổng thống lần đầu đưa ra vào tháng 4.
Vào ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế đối ứng mà ông ấp ủ từ lâu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hoá cũng như khôi phục ngành sản xuất của Mỹ.
Theo đó, ông Trump áp mức thuế tối thiểu 10% đối với hầu hết hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và đánh thuế cao hơn với gần 60 đối tác thương mại lớn.
Đến ngày 9/4, ông thông báo tạm hoãn các mức thuế cao hơn trong 90 ngày để tạo điều kiện cho các nước đàm phán. Trong thời gian này, hàng hoá của gần 60 đối tác thương mại lớn sẽ chịu mức thuế 10%. Sau đó, đến ngày 7/7, ông ký một sắc lệnh dời hạn chót sang ngày 1/8.
Sau các vòng đàm phán, Mỹ đã đạt thoả thuận thương mại với Anh và Indonesia, đồng thời đồng ý đình chiến thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch sẽ sớm triển khai thuế quan với dược phẩm và chất bán dẫn. Và về thuế đối ứng, ông dự kiến Mỹ sẽ có thêm hai hoặc ba thỏa thuận trước hạn chót 1/8.
Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm điểm khi các nhà giao dịch lo ngại áp lực lạm phát từ thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump. Ở chiều ngược lại, Nasdaq Composite lập kỷ lục mới nhờ động lực từ cổ phiếu Nvidia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent gợi ý hạn chót của thoả thuận đình chiến thuế quan với Trung Quốc là linh hoạt, khuyên các nhà đầu tư đừng quá lo lắng.
Giá tiêu dùng tại Mỹ đã bật tăng trong tháng 6 khi thuế quan của Tổng thống Donald Trump bắt đầu chầm chậm tác động đến nền kinh tế.