Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group - Mã: PAN) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.267 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với quý IV/2023. Tập đoàn báo lãi sau thuế tăng hơn 18% lên 427 tỷ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 231 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái, tăng 13% so với cùng kỳ và là con số cao nhất kể từ khi hoạt động.
PAN Group cho hay các mảng kinh doanh có đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận quý IV gồm tôm xuất khẩu (114%); cá tra xuất khẩu (41%); hạt và hoa quả sấy (21%), trong khi mảng nông dược và khử trùng giữ được mức tương đương với quý IV/2023. Các mảng giống cây trồng, gạo đóng túi và bánh kẹo suy giảm nhẹ từ 8 – 10% do yếu tố lệch mùa vụ kinh doanh.
Lĩnh vực thủy sản với tôm và cá tra xuất khẩu có lợi nhuận vượt trội trong quý IV do có thêm nhiều đơn hàng giá trị gia tăng cao kết hợp giá nguyên liệu rẻ đã mua tích trữ từ giữa năm nên biên lãi gộp lên tới 30% - 40%.
Trong đó, mảng thủy sản có kết quả quý IV tốt nhất với doanh số tăng trưởng 8% nhưng lợi nhuận trước thuế gấp 2 lần so với cùng kỳ. Mảng thực phẩm đóng gói đạt tăng trưởng 13% về doanh số, song lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2024, PAN Group đạt 16.184 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 23% so với 2023 và vượt 9% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn lần đầu vượt mốc nghìn tỷ với 1.148 tỷ, tăng 40,5% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức cao kỷ lục 594 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm 2023 và vượt 33% mục tiêu năm.
Giải trình về kết quả kinh doanh, PAN cho biết điểm chung là lợi nhuận tăng trưởng cao hơn so với doanh thu khi các yếu tố kinh doanh đầu vào (vận tải, nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi..) giảm nhiệt so với 2023, đồng thời trong năm các công ty thành viên tận dụng được nhiều thời điểm để tích trữ, thu mua được nguyên vật liệu giá thấp, từ đó cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều thành viên cũng phát triển được các thị trường mới, sản phẩm mới.
Cụ thể, CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã: VFC) tăng trưởng 7% doanh số và 52% lợi nhuận trước thuế (LNTT); CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) tăng 36% doanh số và 39% LNTT; CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Mã: ABT) tăng trưởng 8% doanh số và 30% LNTT.
CTCP Bibica (Mã: BBC)) tăng trưởng 20% doanh số và 24% LNTT; CTCP CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) tăng 8% doanh số và 57% LNTT; doanh số CTCP Thủy sản 584 Nha Trang tăng 16% doanh số và 26% LNTT; Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã: NSC) tăng 20% về doanh số còn LNTT tăng 2% do chịu ảnh hưởng nhiều của giá lúa cao trong suốt cả năm, đi kèm với ảnh hưởng từ cơn bão Yagi.
Đánh giá về triển vọng năm 2025, tập đoàn dự báo mảng nông nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều động lực tăng trưởng mạnh, nhất là khi các nhiễu động thị trường cuối năm 2024 qua đi (mảng nông dược); các bộ giống lúa mới được kinh doanh chính thức đi kèm với sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh.
Mảng thủy sản tiếp tục đà phục hồi về giá bán tôm chung cũng như sự tiếp tục gia tăng tỷ trọng các sản phẩm tôm cao cấp để nâng cao biên lợi nhuận. Rủi ro từ các chính sách thuế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trở nên rõ ràng hơn sau quý I/2025.
Mảng thực phẩm đóng gói được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao từ đẩy mạnh xuất khẩu đang thuận lợi ở Bibica, Lafooco, SHIN Cà phê; khai thác các kênh phân phối mới trong thị trường nội địa và tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn sau năm 2024 nhiều thách thức.
Quy mô tài sản của PAN tính tới cuối năm 2024 đạt 23.853 tỷ đồng. Tập đoàn nắm giữ khoảng 2.974 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng cùng 690 tỷ đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (không được thuyết minh chi tiết).
Ngoài ra, PAN còn có khoản chứng khoán kinh doanh 9.895 tỷ đồng tại ngày 31/12, tăng 48% so với đầu năm. Theo thuyết minh, đây là khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 12 tháng tại các ngân hàng thương mại với mức lãi suất áp dụng.
Năm qua, PAN thu về 432 tỷ lãi tiền gửi, lãi cho vay đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của tập đoàn.
Tổng dư nợ vay cuối kỳ của tập đoàn là 11.700 tỷ, giảm hơn 6% sau một quý song tăng 30% so với đầu năm và chủ yếu là vay ngắn hạn.
Khoản nợ vay của PAN chiếm gần nửa nguồn vốn và gấp 1,32 lần vốn chủ sở hữu. Chi phí lãi vay năm qua là 354 tỷ đồng, vẫn thấp hơn khoản lãi tiền gửi, lãi cho vay tập đoàn thu về. Ngoài chi phí lãi vay thì tổng chi phí tài chính năm ngoái của tập đoàn là 591 tỷ gồm khoản lỗ tỷ giá và chi phí khác (không được thuyết minh).
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2024 của PAN ghi nhận âm hơn 1.600 tỷ, năm 2023 âm tới 4.268 tỷ đồng do đẩy mạnh chi tiền cho chứng khoán kinh doanh.
Trái với bức tranh kinh doanh khởi sắc của nhóm xuất khẩu thuỷ sản, dệt may, hàng không thì năm 2024 là một năm buồn của doanh nghiệp phân phối xăng dầu và nhóm nhiệt điện.
PNJ dự kiến tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2024 trong tháng 3 năm nay.
So với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, DIC Corp vượt 55% mục tiêu doanh thu và thực hiện được 29% mục tiêu lợi nhuận năm.
Công ty tăng cường khai thác các dòng hàng khó và thị trường mới, áp dụng công nghệ tự động, robot, tăng năng suất lao động... giúp tăng doanh thu và lợi nhuận lên mức kỷ lục.