Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 15:55

Quân bài mặc cả mới của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đồng ý nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ để đổi lấy việc Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images/Kyodo). 

Tín hiệu mới

Vài năm trước, cựu Tổng thống Joe Biden tuyên bố các lệnh hạn chế xuất khẩu là “tài sản chiến lược mới” nhằm giúp Mỹ duy trì cách biệt với Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ cao. Giờ đây, Tổng thống Donald Trump đang đảo ngược cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm.

Trong tuần này, Nvidia cho biết chính phủ Mỹ đã đảm bảo sẽ cấp cho công ty giấy phép xuất khẩu chip H20 sang Trung Quốc. Advanced Micro Devices cũng nhận được đảm bảo tương tự từ Bộ Thương mại Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick giải thích rằng chính quyền ông Trump muốn các nhà phát triển Trung Quốc trở nên phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Ông cũng khẳng định Mỹ sẽ không bán cho Trung Quốc những sản phẩm công nghệ “tốt nhất” của nước này.

Vị bộ trưởng cho rằng mục tiêu đó đòi hỏi một chiến lược cân bằng hơn, để Mỹ “luôn đi trước một bước”, khiến Trung Quốc phải tiếp tục mua chip của Mỹ.

Mỹ thay đổi chiến lược trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị cho cuộc gặp tiềm năng với Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay. Điều đó đặt ra câu hỏi: Mỹ sẵn sàng nới lỏng đến đâu các biện pháp hạn chế kinh doanh với Trung Quốc mà trước đó Washington áp đặt vì lý do an ninh quốc gia?

Ông Kevin Xu, nhà sáng lập công ty đầu tư công nghệ Interconnected Capital, bình luận: “Có vẻ Mỹ đang nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đối với chip H20. Đó có thể là dấu hiệu báo trước những gì sẽ xảy ra.

Hiện tại, một loạt quân bài mặc cả đang được đặt lên bàn đàm phán cho một thỏa thuận công nghệ tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng bao gồm thiết bị sản xuất chất bán dẫn, đất hiếm, công nghệ pin, chip AI, thậm chí cả khả năng tiếp cận thị trường chung”.

Hiện tại, Mỹ vẫn còn rất nhiều hạn chế với Trung Quốc, từ lệnh hạn chế xuất khẩu cho đến giới hạn đầu tư và các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, những động thái gần đây của ông Trump đã mở ra cánh cửa để tái định hình mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. 

Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump từng nâng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc lên 145%. Các cuộc đàm phán ở Geneva và London đã giúp Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại tạm thời.

Theo đó, Mỹ đồng ý giảm mạnh thuế quan và nới lỏng các hạn chế xuất khẩu. Đổi lại, Trung Quốc sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu nam châm đất hiếm và rút lại một số biện pháp trả đũa.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã thúc đẩy Washington tập trung vào mối nguy từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông là người linh hoạt và không quá cứng rắn về các vấn đề an ninh quốc gia truyền thống.

Ông Dominic Chiu, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, đánh giá: “Nếu ông Trump nhận thấy các biện pháp hạn chế xuất khẩu là quân bài có thể khiến Trung Quốc nhượng bộ về đất hiếm và những thứ khác, ông ấy sẽ sử dụng nó”.

Yêu cầu của mỗi bên

Trong thời gian gần đây, Nhà Trắng cũng đã bày tỏ thiện chí với Trung Quốc qua những hoạt động ngoại giao, bao gồm cuộc gặp thân mật giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Malaysia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent dự kiến sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong “trong vài tuần tới”. Hôm 15/7, ông Bessent cũng báo hiệu nhiều khả năng Mỹ sẽ gia hạn thoả thuận đình chiến thuế quan giữa hai bên sau hạn chót 12/8.

Tờ Bloomberg nhận xét có vẻ hai bên đang dần tiến tới một loạt thỏa thuận nhỏ - hoặc một thỏa thuận lớn, bao quát -  trước thềm cuộc gặp mặt tiềm năng giữa nguyên thủ hai nước.

Giới phân tích đang đồn đoán rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập có thể sẽ gặp nhau vào cuối tháng 10, khi hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Hàn Quốc. 

Sau khi gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc tuần trước, Ngoại trưởng Rubio cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung có thể diễn ra. Ông nói thêm: “Cả hai bên đều rất mong muốn thực hiện việc này”. Song, ông không hé lộ khung thời gian cụ thể.

Mục tiêu của ông Trump hiện nay có thể cũng giống với nhiệm kỳ đầu tiên, đó là đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ mua lượng lớn hàng hóa Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại. Ông cũng có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để ngăn dòng chảy fentanyl vào Mỹ.

 

Washington cũng muốn tìm ra giải pháp về tương lai của ứng dụng TikTok, đồng thời đảm bảo Bắc Kinh sẽ không vũ khí hóa đất hiếm và các khoáng sản thiết yếu khác.

Về phần mình, Trung Quốc cũng có nhiều yêu cầu lớn. Một trong số đó là Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các loại thuế quan đánh vào hàng hóa nước này - bao gồm mức thuế 20% liên quan tới nạn buôn lậu fentanyl và các mức thuế được áp dụng từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Bắc Kinh cũng có thể sẽ thúc đẩy Mỹ nới lỏng các hạn chế đầu tư và tiếp tục dỡ bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Ông Kurt Tong, đối tác của công ty cố vấn The Asia Group, chỉ ra rằng trong khi ông Biden quyết tâm bảo vệ đến cùng ưu thế công nghệ của Mỹ, ông Trump lại chú ý đến vấn đề khác. Vị chuyên gia nói tiếp: “Ông Trump chú trọng đến thương mại, thâm hụt, đầu tư vào Mỹ và hòa thuận với Trung Quốc”.

Do đó, ông Trump có thể sẽ hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, trái ngược với ý muốn của các chính trị gia ở Washington.  

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 17:05
Thái Lan đưa đề xuất thứ ba cho Mỹ, đặt mục tiêu đưa thuế quan về khoảng 20%

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết đề xuất thương mại mới nhất của nước này đã đáp ứng mọi yêu cầu của phía Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 15:30
Thuế quan của Mỹ đang làm chao đảo các công xưởng tại Trung Quốc

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải chạy đua để thích ứng.

Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 14:34
Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tăng nóng 80%, đạt gần 4.000 tấn vào tháng 6

Trong tháng 6, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 3.808 tấn đất hiếm, tăng vọt so với mức đáy 5 năm vào tháng 5.

Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 13:45
Từng thành công ghìm cương giá thép, nay Trung Quốc đau đầu chưa thể xoá sổ cuộc chiến giá kiểu mới

Các cuộc chiến giá khốc liệt đang gây ra vòng lặp tai hại, đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chìm sâu vào giảm phát. Tình trạng này khiến các quan chức Trung Quốc không khỏi lo ngại.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO