Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 13:45

Từng thành công ghìm cương giá thép, nay Trung Quốc đau đầu chưa thể xoá sổ cuộc chiến giá kiểu mới

Các cuộc chiến giá khốc liệt đang gây ra vòng lặp tai hại, đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chìm sâu vào giảm phát. Tình trạng này khiến các quan chức Trung Quốc không khỏi lo ngại.

Giá cả nhiều mặt hàng như xe điện và thép giảm sâu đang khiến các quan chức Trung Quốc lo ngại. (Ảnh minh họa: EPA-EFE).

Các cuộc chiến giá và áp lực giảm phát

Doanh nghiệp thường hoạt động với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và để làm được điều đó, một trong những cách đơn giản nhất là tăng giá bán. Nếu doanh nghiệp tăng giá quá đà và chèn ép khách hàng, chính phủ các nước sẽ lên tiếng chỉ trích hoặc can thiệp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhưng ở Trung Quốc, điều ngược lại đang diễn ra. Vào tháng 5, giới chức Bắc Kinh đã khiển trách các nhà sản xuất ô tô vì giảm giá quá sâu. Giá bán một chiếc xe điện mới, sành điệu ở Trung Quốc hiện nay có thể còn chưa tới 8.000 USD (tương đương gần 210 triệu đồng).

Trong một tuyên bố, Bộ Công nghiệp Trung Quốc cảnh báo: “Không ai chiến thắng trong một cuộc chiến giá và càng không thể mong chờ một tương lai tốt đẹp từ đó”.

Thương trường là chiến trường, đôi khi các doanh nghiệp còn sử dụng chiến lược gây sốc hơn cả giảm giá sâu để thu hút khách hàng. Cụ thể, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang bán xe mới dưới mác xe cũ thông qua một mạng lưới trung gian.

Cách làm này cho phép họ chia thị trường làm hai nửa: cung cấp những chiếc xe cũ “chạy 0 km” cho nhóm khách hàng muốn mua giá rẻ và bán những chiếc xe giống hệt cho những người còn lại với giá cao hơn.

Tờ báo chính thức của chính phủ Trung Quốc People’s Daily chỉ ra: “Phương pháp giảm giá trá hình này đang làm rối loạn trật tự thị trường”.

Tuy nhiên, ô tô không phải ngành duy nhất đang chìm trong cuộc chiến giá cả. Trong tháng 5, giá xuất xưởng của 25 trong số 30 ngành công nghiệp quan trọng tại Trung Quốc đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 8 ngành chứng kiến mức giảm giá nặng nề hơn cả ô tô. Đặc biệt, các công ty thép còn bán hàng với giá bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất. 

Sang tháng 6, tình hình không cải thiện mà còn trở nên trầm trọng hơn. Chỉ số giá sản xuất (PPI) nối dài đà giảm sút sang tháng thứ 33 liên tiếp, với mức giảm tồi tệ hơn dự kiến của các chuyên gia.

Xu hướng sụt giảm kéo dài của giá sản xuất còn gây ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Kể từ năm 2023 đến nay, lạm phát giá tiêu dùng hàng tháng của Trung Quốc thường xuyên mấp mé mức 0% và đã nhiều lần rơi xuống mức âm. Tuy các quan chức Trung Quốc tránh dùng trực tiếp từ “giảm phát”, tình trạng này vẫn khiến họ thấy lo lắng.

 

Quyết tâm chấn chỉnh cuộc chiến giá

Tại cuộc họp cấp cao vào ngày 2/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng “cạnh tranh giá rẻ hỗn loạn”, kêu gọi các quan chức khẩn trương ban hành quy định để ngăn chặn các cuộc chiến giá cả đang lan rộng.

Ngoài ra, ông Tập cũng lưu ý chính phủ cần hành động để nâng cao chất lượng sản phẩm, loại bỏ các công ty kém hiệu quả và giảm công suất công nghiệp dư thừa.

Tuyên bố của Chủ tịch Tập đánh dấu bước ngoặt lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

Mới năm ngoái, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Paris, ông Tập còn khẳng định: "Không hề có thứ gọi là 'vấn đề dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc'”.

Thêm nữa, cách ông Tập mô tả tình trạng cạnh tranh gay gắt là “hỗn loạn” báo hiệu Bắc Kinh thực sự quyết tâm giải quyết vấn đề này. Trước đây, Trung Quốc cũng từng hành động quyết liệt sau khi đưa ra những cảnh báo tương tự.

Ví dụ, Bắc Kinh đã mạnh tay siết quản lý ngành công nghệ vào năm 2020 sau khi chỉ trích “tình trạng mở rộng vốn hỗn loạn” - mô tả đà tăng trưởng quá nhanh chóng của một số công ty tư nhân theo hướng tiêu cực, ví dụ như cạnh tranh theo cách không công bằng hay theo đuổi sự độc quyền.

Nếu Trung Quốc có thể tìm ra biện pháp để chấm dứt các cuộc chiến giá cả, đó sẽ là tin tốt với thế giới. Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc từ lâu đã khiến các đối tác như Mỹ và châu Âu bất bình. Khi vấn đề được giải quyết, căng thẳng thương mại có thể dịu bớt.

Kinh nghiệm quá khứ và khó khăn hiện tại

Trước đây, Bắc Kinh từng thành công kéo Trung Quốc ra khỏi vòng xoáy giảm phát. Một thập kỷ trước, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một cuộc cải cách phía cung, chủ yếu tập trung giảm mạnh sản lượng trong các ngành công nghiệp nặng như than và thép.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc - vốn đang mắc kẹt ở mức âm trong suốt 54 tháng - đã phục hồi nhanh chóng nhờ chính sách trên, tờ Bloomberg cho hay.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng rất có thể Trung Quốc sẽ sử dụng lại chiến lược cũ. Tuy nhiên, các thách thức hiện nay phức tạp hơn nhiều so với quá khứ.

Thứ nhất, đa số các công ty thép và than thuộc sở hữu của nhà nước. Do đó, chính phủ Trung Quốc có thể cắt giảm lần lượt 7% và 13% công suất trong hai ngành này trong vòng hai năm sau khi công bố chương trình cải cách.

Tuy nhiên, những ngành công nghiệp xảy ra tình trạnh cạnh tranh giá cả khốc liệt nhất hiện nay - như xe điện và tấm pin mặt trời - lại do những tay chơi tư nhân thống trị. Do đó, năng lực cắt giảm công suất của chính phủ sẽ bị hạn chế.

 

Thứ hai, các quan chức địa phương có thể sẽ phản đối những biện pháp đe dọa việc làm, thay vào đó tiếp tục gồng sức nuôi những công ty thua lỗ.

Cuộc cải cách một thập kỷ trước đã khiến số việc làm trong ngành thép, than, kính và xi măng sụt giảm 31% trong giai đoạn 2016 - 2019, theo tính toán của Macquarie Group.

Thứ ba, Trung Quốc có thể cần tung ra kích thích quy mô lớn để thúc đẩy nhu cầu. Nỗ lực cải cách phía cung năm 2015 không phải yếu tố duy nhất giúp Trung Quốc thoát khỏi giảm phát.

Nghiên cứu năm 2018 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy biện pháp giảm công suất chỉ đóng góp 34% mức tăng của giá thép và 25% mức tăng giá than. Các yếu tố nhu cầu - bao gồm chính sách nhà ở của chính phủ - mới là yếu tố quyết định.

Từ năm 2015 đến 2019, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay giá rẻ quy mô khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 418 tỷ USD) để hỗ trợ các dự án tái phát triển khu dân cư lụp xụp.

Trong bối cảnh hiện nay, để kích cầu, Trung Quốc cần chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản và đẩy mạnh các chương trình kích thích tiêu dùng.

Nhìn chung, để chấm dứt các cuộc chiến giá cả, giới chức Trung Quốc sẽ phải tìm cách thuyết phục doanh nghiệp tư nhân giảm sản lượng, yêu cầu các quan chức địa phương để doanh nghiệp thua lỗ sụp đổ và tung ra một gói kích thích lớn. Đây sẽ là một công việc không dễ dàng.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 17:05
Thái Lan đưa đề xuất thứ ba cho Mỹ, đặt mục tiêu đưa thuế quan về khoảng 20%

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết đề xuất thương mại mới nhất của nước này đã đáp ứng mọi yêu cầu của phía Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 15:55
Quân bài mặc cả mới của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đồng ý nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ để đổi lấy việc Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 15:30
Thuế quan của Mỹ đang làm chao đảo các công xưởng tại Trung Quốc

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải chạy đua để thích ứng.

Kinh tế Quốc tế 18/07/2025 14:34
Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tăng nóng 80%, đạt gần 4.000 tấn vào tháng 6

Trong tháng 6, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 3.808 tấn đất hiếm, tăng vọt so với mức đáy 5 năm vào tháng 5.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO