Kinh doanh & Thị trường 18/07/2025 09:53

‘Sắp tới, KOLs/KOCs phải có giấy chứng nhận mới được livestream bán hàng’

Theo Giám đốc eComDX, nếu dự thảo Luật Thương mại điện tử được Chính phủ bấm nút thông qua vào tháng 10 tới; KOLs/KOCs phải học để lấy các chứng nhận sau đó mới được livestream bán hàng, nội dung livestream phải được lưu trữ trong một năm…

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ Số (eComDX), Bộ Công Thương đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý về dự thảo Luật Thương mại điện tử trong TikTok Shop Vietnam Summit 2025. Nếu dự thảo này được Chính phủ bấm nút đồng ý vào tháng 10 tới, thì nhiều khả năng nó sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.

“Trong những năm trước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích để ngành TMĐT phát triển bùng nổ; còn trong năm 2026, sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn. Chính phủ sẽ có những quy định về pháp luật chặt chẽ hơn về thuế, bảo vệ người tiêu dùng, quảng cáo…”, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho hay.

Theo ông, nếu dự thảo Luật Thương mại điện tử được thông qua, sẽ tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung, người làm tiếp thị liên kết, sàn TMĐT. Tất cả các bên liên quan đến ngành TMĐT đều chịu những tác động nhất định. 

TikTok Shop Vietnam Summit 2025 (Ảnh: TikTok)

Bên chịu tác động lớn nhất sẽ là nhà bán hàng

Trong tất cả, người bán hàng sẽ là bên chịu tác động lớn nhất của Dự luật này. Đầu tiên, là tác động về mặt uy tín và sự minh bạch; khi tất cả người bán hàng online sẽ phải định danh. Điều này sẽ tạo ra những cản trở nhất định cho những người muốn tạo ra nhiều tài khoản để kinh doanh online.  

Thứ hai, người bán hàng phải minh bạch về thông tin nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, như cung cấp thông tin chi tiết chứng nhận hợp quy (nếu có). Quy định này sẽ khiến những sản phẩm xách tay về công nghệ rất khó có đất sống.

Về bán hàng qua livestream: hiện mảng này có hai đối tượng chính là người bán hàng thông qua hình thức livestream và người thực hiện livestream để bán hàng.

Trách nhiệm của người cung cấp hàng hóa là phải cung cấp đầy đủ tài liệu – bằng chứng về xuất xứ và chất lượng hàng hóa cho người livestream, để người livestream có căn cứ cung cấp tài liệu - bằng chứng xác thực cho người tiêu dùng.

“Theo đó, trách nhiệm của các nhà bán hàng với sản phẩm cũng rõ ràng hơn. Chứ không phải như bây giờ, các bạn có hàng rồi lên livestream hoặc đăng lên các gian hàng và nói gì cũng được. Sản phẩm lưu thông trên môi trường online phải đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm và trên nhãn sản phẩm có thông tin gì thì phải đăng tải đầy đủ như thế…

Dự luật này cũng quy định các bạn KOCs/KOLs phải học các khóa về pháp luật chuyên ngành và pháp luật TMĐT, sau đó được cấp các chứng nhận rồi mới được livestream bán hàng. Tức thay vì tự do livestream và kiếm tiền như bây giờ, các KOCs/KOLs phải đi vào khuôn khổ để môi trường tốt hơn.”, Giám đốc eComDX nêu cụ thể.

Các sàn TMĐT chịu trách nhiệm nặng nề

Một tác động quan trọng nữa của Dự luật là điều tiết mối quan hệ giữa các sàn TMĐT và người bán hàng. Ngoài nộp thuế giúp các nhà bán hàng, các sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm liên đới nếu các nhà bán hàng trên nền tảng của mình vi phạm pháp luật. 

Ông cho biết, Dự luật yêu cầu các chủ sàn phải xiết chặt thông tin – chất lượng – nguồn gốc của sản phẩm. Tương đương với việc các nền tảng TMĐT phải có công cụ kiểm tra – kiểm soát với các thông tin hiển thị trên sàn. Tức những nhà bán hàng dễ dãi với thông tin hàng hóa khi đưa lên sàn thì càng khó được duyệt hiển thị sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ Số (Ảnh:eComDX)

Nếu các cơ quan chức năng phát hiện một gian hàng vi phạm pháp luật, các sàn TMĐT có trách nhiệm gỡ bỏ hàng hóa – gian hàng vi phạm pháp luật trong vòng 24h. Khi bị gỡ như vậy, tất nhiên người bán sẽ bị “gậy”, bị đánh giá xấu. Vậy nên, nếu người bán không tự chuyên nghiệp lên, không tự minh bạch thông tin, không có hóa đơn đầu vào – đầu ra…thì sẽ rất khó.

Ngoài ra, các sàn phải lưu trữ dữ liệu người bán hàng, thông tin hợp đồng dịch vụ - hàng hoá, trong một năm. Nội dung livestrem của người bán hàng cũng phải lưu lại một năm. Những quy định này nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm pháp lý của chủ sàn, người bán hàng, người livestream.

Ngược lại, người bán có quyền truy cập về thông tin hợp đồng và người mua trên các nền tảng TMĐT; và nền tảng TMĐT phải cho phép điều này.

Trước đây các nhà bán hàng không được tiếp cận thông tin hoặc dữ liệu hoạt động – khách hàng của mình trên các sàn TMĐT. Ví dụ: sau khi tôi nghỉ bán trên sàn A, tôi muốn tải về bộ công cụ hoặc dữ liệu khách hàng, để sau này dùng nó để bán hàng trên các nền tảng khác, trước đó điều này là không thể.

Trước đây, nhà bán hàng không có toàn quyền chọn nhà cung cấp logistics hay phương tiện/nền tảng thanh toán mà thỉnh thoảng bị các sàn TMĐT áp đặt một nhà cung cấp cụ thể. Nhưng sắp tới, điều này sẽ không còn nữa, các nhà bán hàng có quyền lựa chọn hãng logistics và kênh thanh toán mà họ thích.

Trước đây, các sàn hay ưu tiên hiển thị hoặc ưu tiên xuất hiện khi người mua tìm kiếm, cho những DN đóng nhiều tiền; với Dự luật này, điều đó không được phép nữa.

Dự luật không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà cả người bán hàng

Về mối quan hệ giữa các sàn TMĐT, người tiêu dùng, nhà bán hàng trong hoạt động nhận xét – đánh giá sản phẩm.

Một buổi truyền thông - hướng dẫn của eComDX cho các nhà bán hàng, KOLs/KOCs... (Ảnh:eComDX)

“Đánh giá của người tiêu dùng rất quan trọng, trách nhiệm của chủ sàn TMĐT là phải công khai đánh giá của người tiêu dùng; trừ khi những đánh giá đó có nội dung thô tục, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, thì các sàn mới được gỡ. Nguyên tắc nếu khách hàng đánh giá sản phẩm với nội dung đúng theo quy chuẩn – dù là khen hay chê sản phẩm/dịch vụ, các sàn cũng phải minh bạch công khai hiển thị.”, ông Nguyễn Hữu Tuấn đề cập tiếp. 

Mặt khác, khi người bán bị đánh giá xấu, song họ có đủ bằng chứng chứng minh người mua đánh giá chưa đúng sản phẩm/dịch vụ của mình, thì các sàn TMĐT phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Bởi hiện nay cũng có nhiều người mua cố tình gây khó dễ cho người bán, theo phương thức cạnh tranh không lành mạnh.

Chưa hết, các nền tảng TMĐT phải thông báo trước 5 ngày với các nhà bán hàng trong trường hợp có bất cứ những áp đặt – hạn chế nào của sàn lên sản phẩm hoặc tài khoản của họ, ví dụ như hạn chế hiển thị hàng hóa hoặc khóa tài khoản; trừ khi người bán vi phạm pháp luật.

“Có thể thấy, sắp tới, trách nhiệm của các sàn TMĐT là rất nặng nề, khi họ phải ra những bộ công cụ - chính sách để quản lý sự minh bạch của hàng hóa – nhà bán hàng, giải quyết tranh chấp khiếu nại trong đánh giá ở cả người mua lẫn người bán, cho phép nhà bán hàng truy cập - lưu trữ dữ liệu của họ trên sàn... Các sàn TMĐT sẽ chịu trách nhiệm pháp lý liên đới nếu người bán trên sàn vi phạm pháp luật.

Vậy nên, nhiều khả năng, các sàn TMĐT sẽ ra những quy định khó khăn hơn trong quan hệ hợp tác với đối tác bán hàng trong thời gian tới.”, Giám đốc eComDX nhận định.

Tuy nhiên, ông cho rằng, tất cả là cần thiết. Sắp tới, trên các sàn TMĐT chỉ còn những nhà bán hàng ngay thẳng, chân chính; có khả năng đồng hành cùng ngành TMĐT một cách bền vững.

Nếu Luật Thương mại điện tử có hiệu lực từ 1/1/2026, chắc chắn Chính phủ sẽ ban hành thêm các nghị định hướng dẫn thực hiện đi kèm. Khi đó, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ Số sẽ tổ chức những buổi truyền thông, hướng dẫn, đào tạo cho các nhà bán hàng, nền tảng TMĐT, KOCs/KOLs và tiếp thị liên kết...

Quỳnh Như
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 18/07/2025 12:08
TMĐT sẽ giúp nông sản Việt cạnh tranh bằng chất lượng thông qua các câu chuyện kể

Giám đốc Agritrade thuộc Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường cho rằng, TMĐT là kênh phân phối giúp nông sản Việt cạnh tranh bằng chất lượng và câu chuyện. Các bí thư – chủ tịch sẽ là người kể câu chuyện của địa phương mình. Thị trường nội địa cũng cần những sản phẩm nông sản chất lượng như xuất khẩu.

Kinh doanh & Thị trường 18/07/2025 11:26
Hà Nội sẽ có loạt xe buýt điện cỡ nhỏ tiếp cận ngõ sâu và các điểm đổi xe xăng - điện ngoài Vành đai 1

Một loạt các giải pháp đang được Hà Nội, doanh nghiệp thực hiện để đáp ứng thời hạn cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1 từ 1/7/2026.

Kinh doanh & Thị trường 18/07/2025 10:39
Sau khi mất trắng khoản đầu tư vào Telio, VNG tiếp tục rót tiền vào dự án mới của Founder Bùi Sỹ Phong

Nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong đã bán nhà để thực hiện giấc mơ của đời anh, đó là xây dựng tựa game PC và console hoàn toàn tại Việt Nam.

Kinh doanh & Thị trường 18/07/2025 10:06
Bất ngờ một startup Việt gọi vốn lớn ở vòng Series A dù chưa có doanh thu, Founder là cựu sếp Zalo

Khi nhận ra cơ hội mới thời AI, hai cựu sếp Zalo đã rời công ty để theo đuổi mục tiêu mới. Công ty này khẳng định AI của họ am hiểu người Việt hơn ChatGPT.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO