Kinh tế Quốc tế 23/07/2024 07:11

Sự cố CrowdStrike làm lộ điểm yếu của ngành vận tải toàn cầu, cước vận chuyển hàng không có thể tăng nóng

Các chuyên gia cho biết sự cố phần mềm của CrowdStrike có thể khiến lĩnh vực vận tải hàng không mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để khắc phục hoàn toàn.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Dễ bị tổn thương

Lỗi phần mềm của CrowdStrike làm sập hệ thống của Microsoft và gây gián đoạn tại nhiều cảng biển của Mỹ cũng như thế giới. Hàng loạt chuyến bay cũng bị hoãn và giới chuyên gia logistics dự đoán các hệ thống vận tải hàng không phức tạp sẽ chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất.

Ông Niall van de Wouw, Giám đốc vận tải hàng không tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng Xeneta, bình luận: “Máy bay và các kiện hàng đang không ở nơi chúng đáng ra phải đến. Chúng ta sẽ cần nhiều ngày hoặc nhiều tuần để giải quyết hoàn toàn.

Chúng ta vừa nhận được lời cảnh tỉnh rằng các chuỗi cung ứng đường biển và đường hàng không rất dễ bị tổn thương bởi sự cố công nghệ thông tin (IT)”.

Hàng nghìn chuyến bay đã phải hạ cánh hoặc bị trì hoãn tại các trung tâm vận tải hàng không lớn nhất thế giới ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Rắc rối mới nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra đúng lúc nhu cầu thế giới đang trên đà tăng, với lượng hàng xuất đi trong tháng 6 cao hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cung vận tải hàng không chỉ tăng 3%. Hãng tư vấn Xeneta cho biết chỉ riêng vấn đề này đã khiến người gửi hàng phải chịu chi phí cao hơn do công suất vận chuyển bị hạn chế.

Giám đốc van de Wouw nhận xét: "Công suất sẵn có trên thị trường vận tải hàng không đã chạm mức giới hạn nên trong những ngày tới các hãng bay sẽ phải vật lộn để chuyển đi các đơn hàng bị chậm trễ ngày hôm nay".

Hôm 19/7, Bộ trưởng Pete Buttigieg cho biết hầu hết các hệ thống của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cũng như các hệ thống vận chuyển lớn vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp một số rắc rối phát sinh. Nhưng ông nói thêm: “Về phần các hãng hàng không, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến thêm các sự cố”.

FedEx thông báo họ đã kích hoạt kế hoạch dự phòng nhưng các đơn hàng dự kiến được giao ngày 19/7 có thể bị chậm trễ. UPS cho biết hệ thống máy tính của công ty tại Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nhưng hãng hàng không của họ vẫn hoạt động hiệu quả.

Vấn đề nhỏ hóa vấn đề lớn

Hầu hết các cảng biển và tuyến đường sắt đã hoạt động trơn tru hơn sau một số gián đoạn. Vào sáng ngày 19/7, Union Pacific là công ty đường sắt lớn duy nhất báo cáo vấn đề liên quan đến sự cố IT. Nhưng đến buổi chiều cùng ngày, công ty cho biết phần lớn hàng hóa của khách đang tiếp tục được vận chuyển.

Bộ trưởng Buttigieg cảnh báo tại các cảng, vấn đề nhỏ có thể hóa thành vấn đề lớn. Ông lưu ý dù tàu thuyền và cần cẩu hoạt động được thì các cánh cổng vẫn bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với việc xe tải không thể ra vào và dẫn đến tình trạng chậm trễ. Nhưng ông nói thêm là các cảng của Mỹ vẫn đang hoạt động vào ngày 19/7.

Cảng Houston - cảng lớn thứ 5 của Mỹ - gặp “sự cố ngừng hoạt động hệ thống lớn” vào buổi đêm, nhưng đến ngày 19/7 thì toàn bộ hệ thống đã vận hành trở lại với “mức độ chậm trễ tối thiểu”.

Cảng Los Angeles - cảng lớn nhất của Mỹ - xác nhận với CNBC rằng một trong các nhà điều hành cảng của họ là APM Terminals có lúc phải ngừng hoạt động nhưng đã quay trở lại vào sớm ngày 19/7.

Không phải cảng nào cũng dùng hệ thống tích hợp phần mềm từ CrowdStrike. Ví dụ, cảng Savannah và Virginia đều báo cáo “hoạt động bình thường”.

Bà Emily Stausbøll, nhà phân tích vận tải cấp cao của Xeneta, nói với CNBC rằng sự cố IT mới đây có nguy cơ gây gián đoạn đáng kể tại các cảng nếu tàu thuyền không thể tháo dỡ và bốc container. Tác động của việc này có thể lan truyền ra toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bà nói tiếp: “Ngoài ra còn phải kể đến tác động dây chuyền đến các chuỗi cung ứng đường bộ nếu dịch vụ xe tải và đường sắt không thể nhận và trả hàng tại cảng”.

Bà lưu ý rằng hồi tháng 5, việc cảng Charleston ở Bờ Đông nước Mỹ đóng cửa trong hai ngày do lỗi phần mềm đã khiến mức độ tắc nghẽn tăng 200%. Bà chỉ ra: “Tắc nghẽn cảng là vấn đề lớn của năm 2024… Bất cứ sự gián đoạn nào cũng sẽ khiến khả năng xử lý của hệ thống bị quá tải”.

Theo công ty thông tin hàng hải Kpler, những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự cố IT toàn cầu đang ảnh hưởng đến hoạt động tại nhiều cảng trên thế giới, bao gồm Gdansk của Ba Lan và Dover, Felixstowe, Liverpool ở Anh.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 14/07/2025 14:27
Trung Quốc thặng dư thương mại kỷ lục 586 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025

Tính chung nửa đầu năm nay, thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc đạt xấp xỉ 586 tỷ USD - cao hơn gần 35% so với cùng kỳ.

Kinh tế Quốc tế 14/07/2025 10:17
Niềm tin trở lại: Triển vọng kinh tế Mỹ khởi sắc, các chuyên gia bớt lo về suy thoái

Các chuyên gia đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế và giảm ước tính lạm phát của Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 14/07/2025 07:42
Thuế hải quan Mỹ lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD trong một năm tài khóa

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố nguồn thu từ thuế hải quan trong tháng 6 đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng gấp 4 lần so với năm trước, lên tới 27,2 tỷ USD.

Kinh tế Quốc tế 14/07/2025 07:31
Cấp dưới gợi ý một cách để Tổng thống Trump sa thải Chủ tịch Fed

Trong một chương trình của ABC News vào cuối tuần qua, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett đã đề cập một khả năng để Tổng thống Donald Trump có thể sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell.