Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang đối mặt với quãng thời gian khó khăn hơn bao giờ hết, theo Bloomberg.
Khi Trung Quốc gia tăng sức mạnh trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, các thương hiệu lớn của Nhật Bản đang trở thành những nạn nhân lớn nhất. Tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang phải vật lộn để tồn tại khi các đối thủ nội địa liên tục cho ra mắt nhiều mẫu xe điện.
Các công ty Trung Quốc cũng đang mở rộng sang Đông Nam Á, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường mà trước đây vốn là lãnh địa của các thương hiệu như Toyota, Honda và Mitsubishi. Theo phân tích độc quyền từ Bloomberg về doanh số bán hàng và đăng ký xe, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã mất thị phần nhiều nhất so với các hãng khác từ năm 2019 đến 2024 tại Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Tại Trung Quốc, tất cả 6 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được theo dõi đều đã mất thị phần, ngay cả doanh số và sản lượng của Toyota cũng đã chững lại. Ở Đông Nam Á, nơi mà lòng trung thành với các thương hiệu Nhật Bản rất mạnh mẽ, thì giờ đây các thương hiệu Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh.
Tại Thái Lan và Singapore, thị phần của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã giảm xuống còn 35% từ hơn 50% vào năm 2019. Mặc dù Toyota vẫn giữ vững vị trí trong một số phân khúc như xe bán tải, nhưng bức tranh tổng thể đang trở nên đáng lo ngại cho những công ty từng được coi là tiên phong trong lĩnh vực hiệu suất và độ tin cậy.
Sự mất mát thị phần ở châu Á cũng có thể báo hiệu một sự suy giảm rộng hơn tại châu Âu và Mỹ, mặc dù các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chủ yếu không bán xe du lịch tại đây do thuế quan cao. Nhìn chung, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã chậm chân trong việc chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn. Điều này có thể khiến họ phải trả giá đắt khi ngày càng tụt lại trong một ngành công nghiệp mà những người chiến thắng đang được xác định dựa trên công nghệ pin tiên tiến và phần mềm thông minh.
Tại Đông Nam Á, những con đường và cao tốc từng được thống trị bởi các thương hiệu Nissan và Mazda giờ đây bắt đầu thấy sự xuất hiện của những mẫu xe mới. Lợi thế bền vững của Toyota tại Đông Nam Á đến từ năng lực sản xuất trong khu vực, nơi họ sản xuất nhiều mẫu xe chạy bằng xăng với động cơ lớn được ưa chuộng bởi khách hàng địa phương.
Thái Lan và Indonesia cùng nhau chiếm gần 10% trong số khoảng 11 triệu xe mà Toyota sản xuất vào năm 2023. Tuy nhiên, tại Jakarta, nơi mà Toyota vẫn là thương hiệu nổi bật nhất trên đường phố thủ đô, Nissan giờ gần như trở thành "một loài có nguy cơ tuyệt chủng".
Vào đầu tháng này, Nissan báo cáo lợi nhuận giảm mạnh do dòng sản phẩm lỗi thời, chi phí khuyến mãi cao và thiếu hụt mẫu xe hybrid ở Bắc Mỹ, dẫn đến việc cắt giảm nhân sự và sản xuất.
BYD đã xếp thứ 6 về doanh số tại Indonesia trong tháng trước, sau khi chỉ giao hàng lô đầu tiên cho khách hàng vào tháng 7. Nhân viên tại showroom chính của BYD ở Jakarta cho biết mẫu Seal, một chiếc hatchback điện cỡ trung với giá khởi điểm từ 40.000 USD, đang rất được ưa chuộng.
Để chống lại tình trạng này, các thương hiệu Nhật Bản đang đầu tư vào các mối quan hệ đối tác và dự án dài hạn nhằm phát triển phần mềm trong xe, pin thể rắn và các công nghệ khác mà họ cần để lấy lại ưu thế.
Đầu năm nay, Toyota đã giới thiệu nguyên mẫu động cơ đốt trong carbon trung tính có thể giúp cải thiện công nghệ hybrid của mình hơn nữa. Họ cũng đang xây dựng nền tảng phần mềm riêng để cạnh tranh với những tính năng cao cấp có trên xe điện Trung Quốc.
Trong khi đó, Honda, Nissan và Mitsubishi đang hợp tác để phát triển phần mềm và cơ sở hạ tầng cho xe điện. Chiến lược này hiện đang mang lại kết quả tích cực tại Bắc Mỹ, nơi mà sự suy giảm doanh số xe điện trong hai năm qua đã dẫn đến sự phục hồi của hybrid – một công nghệ do Nissan và Toyota tiên phong.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc – thủ phủ của ngành xe điện thế giới, cách tiếp cận này đang khiến họ phải trả giá đắt. Danh tiếng của Nhật Bản về sản xuất quy mô lớn cũng đang bị suy giảm. Hai thập kỷ trước, quốc gia này chiếm hơn một phần năm sản lượng ô tô toàn cầu; giờ đây con số đó đã giảm xuống còn 11%.
Trung Quốc hiện là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thuế quan đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ buộc nhiều công ty phải xem xét việc địa phương hóa sản xuất để tránh thuế nặng nề này. Lợi thế của Trung Quốc về pin giá rẻ cùng khả năng thiết lập chuỗi cung ứng ra nước ngoài khi nhắm tới các thị trường khác có thể mang lại lợi thế cho họ ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
Trong khi các thương hiệu Trung Quốc đã tấn công mạnh mẽ vào Đông Nam Á và châu Phi từ trước khi thuế quan có hiệu lực thì theo chuyên gia phân tích ô tô Tatsuo Yoshida từ Bloomberg Intelligence, họ sẽ càng quyết tâm hơn nữa trong tương lai. “Rất có khả năng họ sẽ tăng cường sức ép này,” ông nói.
Các nhà đầu tư đang quan sát chặt chẽ từng bước đi của gia đình Ito cũng như các đối thủ, khi thương vụ này có thể tái định hình thị trường bán lẻ Nhật Bản trong tương lai.
Chuyên gia cho rằng nếu không tháo gỡ kịp thời các vướng mắc liên quan đến pháp lý, thủ tục hành chính... thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ.
Trong thời đại mà “xanh” và “bền vững” trở thành từ khóa tiếp thị phổ biến, nhiều thương hiệu thời trang và mỹ phẩm lại lợi dụng xu hướng này để che đậy thực tế khác biệt.
Thành viên thuộc Ngân Tín Group vừa trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý tại Bình Định.