Ba hãng hàng không vận chuyển hành khách mới nhất trên thị trường Việt Nam có một đặc điểm chung, đều là thành vên của một hệ sinh thái về du lịch – nghỉ dưỡng. FLC chính là "cha đẻ" của Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng được thai nghén bởi tập đoàn Vietravel, còn Sun PhuQuoc Airways là của Sun Group. Mô hình này khác hoàn toàn Vietnam Airlines hay Vietjet, hai người chơi chính ở thị trường hàng không Việt Nam.
Nếu lần lại lịch sử phát triển của ngành hàng không Việt Nam, trên thị trường đã từng có khá nhiều hãng hàng không xuất hiện rồi rời đi nhanh chóng hoặc không thể mở rộng.
Pacific Airlines đã về dưới trướngVietnam Airlines (Ảnh:Vietnam Airlines)
Mô hình hoạt động tương tự Vietjet, có thể kể đến Jetstar, Indochina Airlines, Blue Sky Air; còn mô hình như Vietravel Airlines là Air Mekong (Bim Group), Thiên Minh, Vinpearl Air. Trong đó, cả Blue Sky Air và Vinpearl Air dù đã được cấp phép, nhưng chưa bay ngày nào thì đã rời bỏ cuộc chơi.
Jetstar Pacificlà hãng máy bay giá rẻ liên doanh giữa Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Australia). Năm 2012, hãng bay giá rẻ lại về một nhà với Vietnam Airlines sau khi nhận lại phần vốn của SCIC. Từ cuối năm 2020, hãng trở lại với tên gọi Pacific Airlines sau khi chia tay cổ đông Qantas.
Không giống như Vietnam Airlines và Vietjet Air đã có bề dày lịch sử cũng như sự tích lũy nhất định, cả Bamboo Airways lẫn Vietravel Airline vừa ra đời đã gặp rất nhiều thách thức lớn từ ngoại cảnh lẫn nội tại.
Bamboo Airways được cấp phép vào năm 2018 và đến 2019 thì bắt đầu chính thức bay thương mại, đến 2020 thì đụng COVID-19. Đến tháng 8/2022, khi Bamboo Airways chưa kịp hồi phục sau COVID-19, đến lượt Chủ tịch công ty mẹ FLC – ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. Sau đó họ đã phải thu hẹp quy mô, tái cấu trúc và mới có những dấu hiệu khởi sắc trong thời gian gần đây.
Vietravel Airlines gia nhập thị trường năm 2020 nên đã bước ngay vào COVID-19. Hãng bay của tập đoàn Vietravel lỗ liên tục từ 2020 đến 2023 và lần đầu có lãi là vào quý I/2024.
Tuy nhiên, do muốn Vietravel Airlines có nền tảng tài chính vững mạnh hơn, nên Vietravel đã phải liên tục tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng cho hãng. Đến cuối năm 2024, T&T xuất hiện và Vietravel bắt đầu trao quyền cho nhà đầu tư mới tiềm năng ở Vietravel Airlines.
Vietravel Airlines của T&T sẽ vừa giống vừa khác Vietravel Airlines của Tập đoàn Vietravel. Trong khi Tập đoàn Vietravel chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh du lịch – nghỉ dưỡng, thì T&T là tập đoàn đa ngành – trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển trên chiếc máy bay Airbus màVietravel Airlines vừa mua. (Ảnh:Vietravel Airlines)
Tại cuộc họp thường niên năm 2025, Chủ tịch T&T - ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ, trong tương lai, Vietravel Airlines sẽ mở rộng sang lĩnh vực vận tải hàng hóa, tham gia dịch vụ hàng không, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật và công nghiệp hàng không. Vietravel Airlines sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi các dự án hạ tầng, logistics, hàng không mà doanh nghiệp đang triển khai.
Sự trường tồn của Vietjet, câu chuyện sống sót của Bamboo Airways hay T&T đến Vietravel Airlines đã khiến Sun Group mạnh dạn đi tới với Sun PhuQuoc Airways. Bamboo Airways cũng chứng minh, dù là người đến sau nhưng nếu làm tốt thì các ‘tân binh’ vẫn có cơ hội.
Đứng ở khía cạnh người tiêu dùng Việt Nam, mong ước lớn nhất của tất cả mọi người là có được một hãng hàng không quy mô như Vietjet nhưng trễ giờ ít hơn. Nhiều người tiêu dùng Việt chọn đi Vietjet không phải do giá rẻ mà vì hãng này có khung giờ thích hợp nhất với nhu cầu của bản thân hoặc không có sự lựa chọn nào khác bởi đường bay ít chuyến.
Vậy sự gia nhập của tân binh Sun PhuQuoc Airways hay những chuyển động mới tại Vietravel Airlines có khả năng đáp ứng mong ước nói trên hay không? Câu trả lời là không, bởi nhiều lý do.
Nếu xét bức tranh rộng hơn, hãng có thể ‘uy hiếp’ được Vietjet tại thị trường Việt Nam ở lĩnh vực bay giá rẻ là AirAsia, song AirAsia vẫn chưa thành công được cơ quan chức năng cấp phép, dù đã xin 4 lần.
Một bài báo trên Reuters vào tháng 6/2025 cho biết khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nơi mà ngành hàng không giá rẻ cạnh tranh khốc liệt nhất. Dữ liệu của Trung tâm Hàng không CAPA cho thấy, khoảng 2/3 số ghế bay quốc tế trong khu vực Đông Nam Á là của các hãng hàng không giá rẻ, so với khoảng 1/3 số ghế bay quốc tế trên toàn cầu.
Tính đến ngày 31/3/2025, hãng hàng không giá rẻ Scoot của Singapore Airlines có 53 máy bay, AirAsia (Malaysia) có 225 máy bay và Vietjet có 117 máy bay (bao gồm cả chi nhánh tại Thái Lan), Cebu Pacific của Philippines có 99 máy bay.
Trước khi tìm hiểu lý do vì sao Sun PhuQuoc Airways hay Vietravel Airlines khó có thể thành đối trọng của Vietjet hay Vietnam Airlines, hãy nhìn qua một chút về tương quan lực lượng giữa các hãng máy bay chuyên vận chuyển hành khách đang hoạt động trên thị trường.
(Ảnh:B&Company)
Theo báo cáo về Thị trường hàng không Việt Nam vào tháng 2/2025 của B&Company (Nhật Bản), trong lĩnh vực vận tải hành khách, Vietnam Airlines và Vietjet Air tiếp tục thống lĩnh thị trường, với thị phần lần lượt đạt 42,2% và 42,8% trong 5 tháng đầu năm 2024. Sự tăng trưởng về thị phần phần lớn là do sự suy giảm của Bamboo Airways, hãng đã gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng lớn liên quan đến cựu chủ tịch của mình.
Cũng theo B&Company, ngành hàng không Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể về cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực và ngân sách đầu tư.
Các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài thường xuyên quá tải, gây chậm trễ và ảnh hưởng đến trải nghiệm của hành khách. Về mặt nguồn nhân lực, khả năng thiếu hụt phi công và nhân viên kỹ thuật trong tương lai có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và an toàn bay. Bên cạnh đó, số lượng hạn chế các chuyên gia hàng không thành thạo công nghệ số đặt ra thách thức trong việc triển khai các sáng kiến số.
Ngoài ra, đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và các biện pháp an ninh mạng đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể, tạo ra thách thức cho các hãng hàng không trong việc cân bằng ngân sách của họ.
Về đội bay, theo một báo cáo của Viejet Air trên website vào tháng 2/2025, hiện Vietjet Air đang vận hành hơn 115 tàu bay thế hệ mới và đã đặt hàng hơn 400 chiếc khác. Năm 2024, Vietjet đã vận chuyển hơn 25,9 triệu khách trên 137 nghìn chuyến bay; khai thác tổng cộng 145 đường bay, bao gồm 44 đường bay nội địa và 101 đường bay quốc tế.
Trong TCBC trên website vào tháng 4/2025, Vietnam Airlines cho biết họ đang sở hữu đội bay 102 máy bay với mạng lưới đường bay đến 49 sân bay trên 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2024, sản lượng vận chuyển của hãng tăng trưởng mạnh với 22,7 triệu lượt hành khách và 314.700 tấn hàng hóa. Hãng đã khai thác 140.000 chuyến bay với chỉ số đúng giờ cao, OTP đi đạt 83,4% và OTP đến đạt 81,9%.
Thông tin ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Bamboo Airways cho hay, Bamboo Airways dự kiến khai thác 9 tàu bay thân hẹp Airbus, có thể tăng lên 12 chiếc vào cuối năm 2024 và 18 đến 2025 nếu điều kiện cho phép. Bamboo Airways luôn hướng tới con số 30 máy bay, vì theo lãnh đạo hãng bay này, lúc đó DN mới có lãi.
Bamboo Airways đang dần hồi phục (Ảnh:Bamboo Airways)
Từ quy mô đội bay 30 chiếc trong giai đoạn hoàng kim 2022, Bamboo Airways đã giảm xuống còn 7 đến 8 chiếc giữa năm 2024. Trong quá khứ, Bamboo Airways từng lên kế hoạch mở rộng quy mô mạng bay lên 120 đường, trong đó có 80 đường bay quốc nội và 40 đường bay quốc tế. Tham vọng lúc đó của Bamboo Airways là có thể tạo nên ‘thế chân vạc’ với Vietnam Airlines và Vietjet hơn là tập trung phục vụ cho Tập đoàn FLC.
Vietravel Airlines vừa mua chiếc máy bay đầu tiên vào cuối tháng 6/2025 và sẽ nhận tiếp hai chiếc nữa trong thời gian tới. Trong năm 2024, hãng bay này đã thuê ba chiếc máy bay để kinh doanh, song đến giữa năm 2025 thì còn một tàu thân hẹp thuê khô.
Còn theo lịch bay mùa đông mà Cục Hàng không Việt Nam cấp vào tháng 11/2024, 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác 45 đường bay kết nối 22 sân bay khác nhau trong nước.
Cụ thể, Vietjet khai thác 35 đường bay với 790 chuyến bay khứ hồi/tuần. Vietnam Airlines (bao gồm Vasco) khai thác 34 đường bay với 912 chuyến bay khứ hồi/tuần. Bamboo Airways khai thác 11 đường bay với 130 chuyến bay khứ hồi/tuần; Pacific Airlines với 11 đường bay cùng tần suất 77 chuyến bay khứ hồi/tuần; và Vietravel Airlines với 5 đường bay cùng tần suất 49 chuyến bay khứ hồi/tuần.
Với đội bay hạn chế cũng như hạ tầng cơ sở của ngành hàng không Việt Nam không thể tốt lên ngay trong tương lai gần, nhiều khả năng, cả Vietravel Airlines lẫn Sun PhuQuoc Airways sẽ tập trung khai thác những đường bay có lưu lượng khách lớn và có lợi nhất cho công cuộc kinh doanh chung của cả hai tập đoàn. Những chuyến bay đầu tiên của Sun PhuQuoc Airways là để đưa du khách khắp nơi đến Phú Quốc.
Những bước chân đầu tiên của Sun Group trên hành trình kiến tạoSun PhuQuoc Airways. (Ảnh: Sun Group)
Trên website, Vietravel Airlines cho biết: ở quốc nội, hiện họ đang vận chuyển hành khách đến 6 thành phố là Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng; ở quốc tế có Bangkok, Chiang Mai, Đài Bắc, Đài Trung, Macau. Tuy nhiên, với những chặng bay quốc tế, Vietravel Airlines không khai thác cố định mà thỉnh thoảng mới bay, theo kiểu bay charter hoặc chỉ mở vào giai đoạn cao điểm du lịch.
Những hãng máy bay nổi tiếng theo mô hình giống Vietravel Airlines là các hãng bay của TUI Group.
TUI Group là một Tập đoàn về nghỉ dưỡng - du lịch có lịch sử 102 năm ở Đức. Họ kinh doanh ở các lĩnh vực như đại lý du lịch, chuỗi khách sạn, tàu du lịch, chuỗi cửa hàng bán lẻ và hàng không.
Mảng hàng không củaTUI Group có tới 5 hãng máy bay ở châu Âu. (Ảnh: TUI Group)
TUI Group có 5 hãng hàng không: TUI Airways (Vương quốc Anh), TUI Bỉ, TUI Đức, TUI Hà Lan và TUI Nordic. Trong 5 hãng bay này, có hãng thì TUI Group sáng lập, có hãng mua lại. Trên website, TUI Group cho biết, 5 hãng bay của họ có đội bay gồm 130 chiếc, bao gồm cả Boeing Dreamlines; kết nối 180 điểm đến trên khắp thế giới.
TUI Airways được sáp nhập từ Euravia (đổi tên thành Britannia Airways vào cuối 1964) và Orion Airway được thành lập vào 1979 bởi Horizon Holidays. Năm 1987, công ty mẹ của IHG mua lại Horizon Holidays - Orion Airway, đến năm 1988, IHG tiếp tục bán deal này cho Thomson Travel Group.
Hiện tại, IHG không có hãng máy bay riêng và không tham gia vào ngành hàng không dân dụng, mà chọn làm đối tác chiến lược với các hãng bay lớn trên khắp thế giới.
Mặt khác, theo thông tin trên Aviationa2z vào tháng 5/2025, Lufthansa – hãng máy quốc gia Đức 70 năm tuổi và là một trong những hãng máy bay lớn nhất thế giới, hiện đang sở hữu đội bay gồm 250 chiếc cả Airbus lẫn Boeing, kết nối 200 điểm đến trên khắp thế giới.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng 4 bến cảng container tại khu bến Lạch Huyện, TP Hải Phòng, với tổng vốn gần 24.850 tỷ đồng.
Cập nhật nhanh kết quả quay số Vietlott Mega 6/45 hôm nay (9/7/2025), giải thưởng lớn jackpot giá trị hơn 13,8 tỷ đồng không tìm thấy được chủ nhân may mắn trúng giải.
Theo chuyên gia Savills, việc phân quyền xuống các chính quyền đia phương được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và giảm sự phụ thuộc vào các cơ quan Trung ương. Tiến độ thực hiện dự án sẽ được rút ngắn, giảm thiểu các chi phí phát sinh do trì hoãn, giúp nâng cao lợi nhuận cho các nhà đầu tư bất động sản.
Thành phố Hà Nội có thể thí điểm không công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho bất động sản giữa các cá nhân trong dự án.