Kinh tế Quốc tế 24/12/2024 09:55

Toàn cảnh thế giới năm 2024: Sự trở lại vĩ đại của ông Trump và những cú quay xe sẽ định hình kinh tế năm 2025

Để mô tả năm 2024, một người có thể gói gọn 12 tháng vừa qua trong ba động từ: quay xe, đảo chiều và trở lại.

 

Ban đầu, công chúng trên khắp thế giới đều tin chắc cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ là màn tái đấu giữa hai ứng viên cao tuổi nhất trong lịch sử: Joe Biden (82 tuổi) và Donald Trump (78 tuổi).

Chẳng ai ngờ cục diện lại thay đổi chóng vánh sau ngày 27/6. Gây thất vọng với những lập luận đầy lỗ hổng và cử chỉ ấp úng khi tranh luận với ông Trump, ông Biden đã bất ngờ “quay xe” và nhường lại sân chơi cho phó tướng Kamala Harris.

Bà Harris ghi tên mình vào lịch sử nước Mỹ với chiến dịch tranh cử ngắn chưa từng có. Tuy xuất phát muộn, nữ phó tổng thống vẫn đạt được những bước tiến đáng kể so với đối thủ Đảng Cộng hoà.

Kể từ gia nhập đường đua, ứng viên Đảng Dân chủ liên tục huy động được nhiều tiền ủng hộ hơn ông Trump và nhanh chóng đạt cột mốc 1 tỷ USD mà chưa chính trị gia nào có thể sánh kịp.

Các cuộc khảo sát toàn quốc cũng chỉ ra kết quả sát nút, truyền thông dự đoán phải mất nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần sau ngày bầu cử 5/11 thì công chúng mới biết ai là chủ Nhà Trắng.

Song, kết quả nhanh chóng ngã ngũ với chiến thắng áp đảo của ông Trump, đánh dấu sự trở lại vĩ đại của nhà lãnh đạo 78 tuổi sau thất bại cay đắng cách đây 4 năm và ba lần ám sát hụt suýt chết trong năm qua.

 

Trong bài phát biểu ăn mừng chiến thắng vào rạng sáng ngày 6/11, ông Trump hứa hẹn: “Tôi sẽ chiến đấu vì các bạn, vì gia đình và tương lai của các bạn mỗi ngày. Tôi sẽ chiến đấu bằng từng hơi thở”.

Tổng thống đắc cử Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Lần tái xuất này được dự đoán sẽ khuấy động chính trường thế giới và nền kinh tế toàn cầu hơn cả nhiệm kỳ đầu tiên.

Để giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại, ông Trump dự kiến sẽ tăng mạnh thuế quan lên các đối tác thương mại hàng đầu, trục xuất hàng loạt dân nhập cư bất hợp pháp và hạ thuế suất trong nước.

 

Đa phần chuyên gia kinh tế đều nhận định tăng thuế quan có nguy cơ kéo lạm phát đi lên và gây xung đột thương mại trên diện rộng. Trong khi đó, cắt giảm thuế suất có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng thường làm thâm hụt ngân sách phình to.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là định chế tài chính có ảnh hưởng nhất thế giới nên mọi đường đi nước bước của ngân hàng trung ương này đều có tác động lan toả toàn cầu.

Trong bối cảnh lạm phát đã rời xa mức đỉnh vào mùa hè năm 2022 và thị trường lao động hạ nhiệt, các quan chức Fed đã quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng 9.

Kể từ đó đến cuộc họp cuối cùng của năm 2024, các quan chức đã giảm lãi suất tổng cộng 100 bps và đưa chi phí đi vay liên ngân hàng xuống phạm vi 4,25 - 4,5%.

Tuy chậm chân hơn các ngân hàng trung ương châu Âu và Anh, động thái đảo chiều của Fed vẫn là một “cơn mưa rào tưới mát” nhiều nền kinh tế, đặc biệt là những thị trường mới nổi thường gặp áp lực tỷ giá và dòng vốn tháo chạy khi Fed thắt chặt tiền tệ.

 

Giai đoạn đầu của chiến dịch hạ lãi suất đã đi qua và giờ đây, Fed sẽ phải đối mặt với bài toán khó hơn: xác định lãi suất trung lập (mức lãi suất không kìm hãm cũng không kích thích hoạt động kinh tế) để làm căn cứ quyết định tốc độ và mức độ giảm lãi suất trong năm 2025.

Khác với giai đoạn đầu, lạm phát có vẻ đang nóng trở lại và số liệu chỉ ra một bức tranh việc làm khó có thể coi là yếu kém. Bên cạnh đó, các chính sách của ông Trump sẽ là một biến số khó đoán đối với Fed.

Theo tài liệu mà Fed công bố tại cuộc họp tháng 12, các quan chức dự định sẽ hạ lãi suất thêm hai lần trong năm 2025, giảm hai lần so với dự báo tháng 9. Thay đổi này báo hiệu Fed sẽ thận trọng hơn với các quyết định chính sách tương lai.

 

 

Sau hơn hai năm chứng kiến nền kinh tế oằn mình dưới áp lực giảm phát, nhu cầu tiêu dùng sa sút và lĩnh vực bất động sản suy sụp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối cùng đã quyết định phải làm gì đó.

Cuối tháng 9, Bắc Kinh thông báo giảm một số lãi suất quan trọng và thực hiện những biện pháp khác để củng cố thị trường địa ốc nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức 5%.

 

Song, các động thái trên chỉ nhen nhóm tia hy vọng chứ không thể vực dậy niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau khi ông Trump thắng cử, Trung Quốc quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn, mở đầu là tuyên bố sẽ “nới lỏng vừa phải” chính sách tiền tệ và áp dụng chính sách tài khoá “chủ động hơn” trong năm 2025.

Điểm đáng chú ý nhất là Trung Quốc bất ngờ “quay xe” về chính sách tiền tệ, bởi kể từ năm 2011 đến nay, ngân hàng trung ương này vẫn theo đuổi lập trường “thận trọng”.

Gần đây hơn, nguồn tin của tờ Reuters tiết lộ Bắc Kinh đang cân nhắc nâng tỷ lệ thâm hụt ngân sách lên 4% GDP, mức cao nhất trong lịch sử và duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.

Nếu kế hoạch không thay đổi, giới chức trách sẽ bơm thêm 1.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 179 tỷ USD) vào nền kinh tế trong năm tới để đối phó với thuế quan của ông Trump.

 

Những ngày đầu tháng 8, thị trường tài chính toàn cầu đã rung lắc dữ dội. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 5/8 khi chỉ số Topix của Nhật Bản lao dốc 12% chỉ trong một phiên và chỉ số biến động VIX trên Phố Wall chạm mức chưa từng thấy kể từ đại dịch.

Cú sốc đột ngột đó xoá sổ khoảng 6.400 tỷ USD vốn hoá chứng khoán toàn cầu chỉ trong ba tuần và phơi bày một loạt rủi ro của thị trường trước một chiến dịch thịnh hành trong suốt nhiều năm: giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).

Vì Nhật Bản đã duy trì lãi suất cực thấp trong nhiều năm, đồng tiền cấp vốn phổ biến nhất trong giao dịch carry trade là đồng yen. Khi đồng yen tăng giá, nhà đầu tư sẽ buộc phải bán tháo tài sản để bù lỗ hoặc chấp nhận gồng lỗ.

 

Trước khi cú sốc xảy ra, các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo không lâu sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nâng lãi suất lên mức 0,25%, cao nhất trong 15 năm và thúc đẩy đồng yen tăng giá.

Tuy BoJ quyết định “án binh bất động” tại cuộc họp tháng 12, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự đoán ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ nâng lãi suất trở lại vào khoảng tháng 3 năm sau.

Trong bối cảnh Fed tiếp tục hạ lãi suất (dù với tốc độ chậm hơn) và BoJ tiếp đà thắt chặt chính sách tiền tệ, mức chênh lệch lợi suất giữa hai nền kinh tế thu hẹp sẽ dễ kéo đồng yen lên cao hơn.

Nhà phân tích James Malcolm của UBS ước tính quy mô các giao dịch carry trade sử dụng yen Nhật làm đồng tiền cấp vốn đạt đỉnh ở mức 500 tỷ USD, nhưng cho đến nay giới đầu tư chỉ mới “xoá” khoảng 200 tỷ USD. Như vậy, sóng gió nhiều khả năng sẽ tiếp tục nổi lên khi 300 tỷ USD còn lại gặp rắc rối.

Vấn đề càng đáng ngại hơn khi một số ước tính khác cho thấy quy mô giao dịch carry trade bằng đồng yen có thể lên tới 4.000 tỷ USD.

 

Sau quyết định lãi suất mới nhất của Fed, giá tài sản toàn cầu đồng loạt lao dốc: Dow Jones bay hơn 1.100 điểm trong một phiên, giá vàng mất mốc 2.600 USD/ounce và bitcoin đâm thủng ngưỡng 100.000 USD/BTC.

Tuy nhiên, cú rơi nhất thời không thể cản đà tiến như vũ bão của ba loại tài sản hàng đầu trong năm nay, khi mà mỗi cái tên đều có những động lực hỗ trợ tương đối vững chắc.

 

Tính từ đầu năm 2024 đến phiên 20/12, ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt tăng 24,3%, 30,3% và 13,6%.

Sự cuồng nhiệt của nhà đầu tư đối với công nghệ AI là đôi cánh giúp giá cổ phiếu bay cao trong nửa đầu năm. Nhờ cơn sốt đó, vốn hoá của Nvidia đã leo lên cột mốc mà nhiều công ty khác hằng hao ước là 3.000 tỷ USD.

Sang đến nửa cuối năm, chu kỳ hạ lãi suất của Fed và chiến thắng vang dội của ông Trump đã tiếp theo sinh lực để thị trường leo lên đỉnh cao mới.

Trong cùng giai đoạn, giá vàng giao ngay đi lên 27,1%, vượt trội hơn chỉ số S&P 500, nhờ lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy đà tăng trưởng của vàng sẽ chững lại. Trên thực tế, một số chuyên gia tin rằng giá vàng sẽ còn đi lên, chẳng hạn như Goldman Sachs dự kiến giá kim loại quý sẽ chạm mức 3.000 USD/ounce vào năm 2025.

Tuy nhiên, cái tên đạt thành tích vượt trội hơn trong cả ba là bitcoin. Đồng tiền ảo lớn nhất thế giới tăng 132,4% từ đầu năm đến nay và chạm mức đỉnh mọi thời đại 107.487 USD/BTC vào ngày 16/12.

Nhân tố Trump một lần nữa là động lực thúc đẩy thị trường. Từ một người hoài nghi về các tài sản số, ông Trump nay đã thay đổi suy nghĩ, bổ nhiệm các quan chức ủng hộ tiền ảo vào chính quyền mới và có ý định xây dựng kho dự trữ bitcoin chiến lược.

 

AI có lẽ là ván cược lớn nhất trong lịch sử của các doanh nghiệp toàn cầu với mục tiêu khai phá những công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động. Người người nhà nhà đều nhắc đến những tiềm năng của AI.

Goldman Sachs ước tính tổng đầu tư toàn cầu cho công nghệ này sẽ chạm mốc 200 tỷ USD vào năm 2025. Và chi tiêu ước tính dành cho các trung tâm dữ liệu AI từ năm 2024 đến 2027 sẽ vượt quá 1.400 tỷ USD.

Sự háo hức của các doanh nghiệp đã mở đường cho nhiều khoản đầu tư mới, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Đơn cử như gần đây, Việt Nam và Nvidia vừa ký kết mở trung tâm R&D và trung tâm dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng AI.

Hay kể từ năm ngoái, Microsoft đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào các thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI.

Không thể phủ nhận tiềm năng của AI, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa chắc chắn về những gì AI thực sự có thể làm. Tại Mỹ, chỉ 5% doanh nghiệp đang ứng dụng AI trong sản phẩm và dịch vụ. Một số quảng cáo do AI thực hiện gây tranh cãi, đơn cử như trường hợp của Coca Cola và Mango.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn chưa thể giải được bài toán về dữ liệu để đào tạo AI và năng lượng cần để xây dựng các mô hình AI. Nguy cơ thiếu hụt năng lượng khiến một nước cân nhắc hồi sinh các dự án điện hạt nhân gây tranh cãi.

Ngay cả những “cha đẻ” của công nghệ AI cũng tỏ ra quan ngại về những tiến bộ gần đây. Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2024 John Hopfield và Geoffrey Hinton cảnh báo rằng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, AI có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc.

 

 

Tính đến quý III, nợ toàn cầu đã chạm mức chưa từng có trong lịch sử là 323.000 tỷ USD, tăng 12.000 tỷ USD so với đầu năm. Tỷ lệ nợ trên GDP hiện nay đạt 326%, cao hơn mức trước đại dịch và không có dấu hiệu chậm lại.

 

Làn sóng vay nợ lan rộng khắp các nền kinh tế bất kể quy mô. Trong khi Mỹ và Nhật Bản là những nước vay nợ nhiều nhất trong các nền kinh tế phát triển, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là cái tên hàng đầu ở nhóm các thị trường mới nổi.

Đặc biệt, các thị trường mới nổi đang gánh khối nợ 105.000 tỷ USD, tương đương 245% GDP. Đây là mức gần kỷ lục, khiến nhiều nước không còn thời gian để ưu tiên cho bất kỳ mục tiêu nào khác ngoài cố gắng tồn tại. Nợ nần ngốn sạch ngân sách đáng lẽ phải được chi cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Ngay cả những nền kinh tế lớn nhất cũng có thể cảm nhận áp lực. Tại Mỹ, chi phí lãi vay hiện đã cao hơn chi tiêu cho quốc phòng và con số sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đến một lúc, Washington sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn: tăng thuế hay cắt giảm chi tiêu để giảm bớt nợ nần.

 

Thế giới cần nhiều trẻ em hơn, tỷ phú Elon Musk liên tục kêu gọi trong hơn ba năm qua. Người đàn ông giàu nhất hành tinh và là người cha của 12 đứa trẻ cảnh báo rằng văn minh nhân loại sẽ sụp đổ nếu con người không sinh đẻ.

 

Quả thực, tỷ suất sinh giảm từ lâu đã là một mối lo lớn. Một xã hội già hoá có thể thu hẹp quy mô lực lượng lao động, làm trầm trọng thêm lạm phát, đảo ngược xu hướng tiêu dùng và gây quá tải cho các chương trình an sinh xã hội.

Tổng tỷ suất sinh của 38 quốc gia thành viên OECD đã giảm từ 3,3 trẻ em trên mỗi phụ nữ vào năm 1960 xuống còn 1,5 vào năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều tỷ suất sinh “thay thế” cần thiết để duy trì dân số là 2,1.

 

Các dự báo gần đây đều gióng lên hồi chuông cảnh báo. Chẳng hạn, một nghiên cứu mới của OECD cho biết nếu dự báo là đúng, 2064 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử hiện tại tỷ lệ tử vong toàn cầu vượt qua tỷ lệ sinh.

Và theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet, đến năm 2100, chỉ 6 quốc gia dự kiến có đủ trẻ em để duy trì dân số ổn định, gồm Chad, Niger và Somalia ở châu Phi, Samoa và Tonger ở châu Đại Dương và Tajikistan ở châu Á.

 

Năm 2024 có thể sẽ khép lại với không khí không mấy dễ chịu với một số chính trị gia trên toàn cầu.

Đêm muộn 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật và đưa ra các cáo buộc về phe đối lập.

Tuy lệnh thiết quân luật đã được dỡ bỏ vài tiếng sau đó, bất ổn chính trị vẫn đủ thời gian để làm rung chuyển thị trường tài chính Hàn Quốc và còn có nguy cơ gây tổn hại lâu dài đến niềm tin nhà đầu tư vào nền kinh tế Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Yonhap).

Cách đó hàng nghìn km, Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang gặp rắc rối vì vấn đề ngân sách, đe doạ đến nền kinh tế khu vực đồng euro.

Hôm 4/12, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Michel Barnier. Tổng thống Emmanuel Macron phải nhanh chóng bổ nhiệm người mới, đưa ông Francois Bayrou thành người thứ 4 cầm trịch ghế nóng trong năm nay.

Tại Đức, liên minh ba đảng cầm quyền đã sụp đổ vào tháng 11. Thủ tướng Olaf Scholz bị Quốc hội Đức bỏ phiếu bất tín nhiệm vào trung tuần tháng 12, mở đường cho cuộc bầu cử sớm vào tháng 2 năm sau.

Giờ đây, các nhà đầu tư đang dõi mắt trông theo, chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn trước khi đưa ra những quyết định rót vốn mới.

 

Đã gần ba năm kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, cuộc chiến giữa hai nước láng giềng này vẫn chưa ngã ngũ. Trên chiến trường, hai nước vẫn giằng co để giành thế thượng phong nhưng chưa bên nào thực sự chiếm ưu thế.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào ông Trump, người từng hứa hẹn sẽ chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ngay trong ngày nhậm chức tổng thống Mỹ. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào được tiết lộ.

Giữa lúc đó, một chảo lửa khác dần tăng nhiệt. Israel và các nước láng giềng ở Trung Đông đã đọ hoả lực kể từ cuối năm 2023, sau khi Israel mở rộng hoạt động quân sự trên Dải Gaza để phản ứng cuộc tấn công bất ngờ của nhóm Hamas.

Hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, tháng 10/2023. (Ảnh: Reuters).

Kể từ đó, cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel, màn trả đũa của Israel vào cơ sở hạ tầng quân sự của Iran, cùng cuộc đối đầu giữa Israel với lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Đông đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.

Dù vậy, cho đến nay các bên vẫn kiềm chế phản ứng của mình. Và một điểm sáng hiếm hoi đã xuất hiện, khi Israel và Hezbollah đạt được thoả thuận ngừng bắn vĩnh viễn vào cuối tháng 11 với sự trung gian của Pháp và Mỹ.

Tương tự mọi cuộc chiến từng xảy ra tại Trung Đông, căng thẳng lần này giữa Israel và các quốc gia trong khu vực đều có khả năng làm gián đoạn hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu.

Xung đột có thể gây chấn động khắp thế giới một phần vì Trung Đông đang sở hữu hai tuyến đường biển quan trọng, đặc biệt là với hoạt động vận chuyển dầu mỏ: eo biển Hormuz và kênh đào Suez.

 

Yên Khê
Alex Chu
Doanh nghiệp & Kinh doanh

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 07:11
Vì sao ông Trump muốn mua Greenland và giá bao nhiêu là hợp lý?

Chính quyền Greenland và chính phủ Đan Mạch khẳng định họ sẽ không bán hòn đảo này với bất kỳ giá nào.

Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 06:52
Ông già Noel bắt đầu phát quà, chứng khoán Mỹ ngập trong sắc xanh trước đêm Giáng sinh

Đợt tăng giá cuối năm của thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu khi các chỉ số chính đồng loạt tăng 1% ngay trước đêm Giáng sinh.

Kinh tế Quốc tế 24/12/2024 15:59
Thiệt hại kinh tế khổng lồ từ biến đổi khí hậu

Năm 2024 đã chứng kiến những tác động tàn khốc do biến đổi khí hậu trên toàn cầu với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Kinh tế Quốc tế 24/12/2024 15:00
Nhân sự Fed năm 2025: Những gương mặt mới sẽ định đoạt lãi suất

4 thành viên mới sẽ gia nhập ủy ban thiết lập lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2025. Với những lo ngại mới về lạm phát, quá trình ra quyết định của Fed sẽ càng thêm phức tạp.