Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương sáng 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban chấp hành Trung ương xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây "là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng" về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Vì vậy các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan và các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở". Các cơ quan phải hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Ban chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Trung ương yêu cầu quá trình thực hiện phải đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế tổng quát "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; thông qua cải cách tổ chức, bộ máy để giải quyết hài hoà các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng - Quốc hội - Chính phủ - Cơ quan Tư pháp - Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các cơ quan triển khai khẩn trương nhưng thận trọng, tiếp thu ý kiến từ thực tiễn cũng như chuyên gia, kể cả kinh nghiệm nước ngoài để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy. Nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính cần thực hiện nghiêm. Tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt địa bàn, lĩnh vực cần khắc phục triệt để. Những cơ quan trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát đề xuất lại. Tổ chức trung gian sẽ bị xóa bỏ.
Tinh gọn bộ máy cần gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, có biên chế hợp lý. Công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ cần thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. "Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội", Tổng Bí thư nói và đề nghị thực hiện tốt chế độ với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại bộ máy.
Cùng với đề xuất mô hình tổ chức bộ máy mới, Trung ương yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật đồng bộ. Quá trình này cần gắn với tăng tốc, bứt phá thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2024 và 2025 cũng như cả nhiệm kỳ đại hội 13, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội 14 của Đảng.
"Yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, người dân", Tổng Bí thư nói.
Dựa trên cơ sở này, các cơ quan đề xuất cụ thể tinh gọn các ban đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội; nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất. Ngoài ra, cấp có thẩm quyền phải chuẩn bị phương án nhân sự và rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức bộ máy mới để bảo đảm đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay.
"Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung", Tổng Bí thư phát biểu.
Tại hội nghị, Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đảng đoàn tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đảng đoàn hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế của từng đơn vị.
Các cơ quan này cũng được giao xây dựng dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy mới và ban hành chế độ cho cán bộ, công chức, người lao động bị tác động.
Ban Tổ chức Trung ương được giao phối hợp tham mưu bố trí cán bộ theo thẩm quyền tại cơ quan sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; đề xuất, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị thuộc quyền quản lý. Ban cũng xây dựng Tờ trình của Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương về kết quả tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và Phương án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo Tổng Bí thư, yêu cầu và nhiệm vụ của đất nước thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và khẩn trương, cấp bách. Vì vậy, ông đề nghị đồng thời thực hiện tốt ba nhiệm vụ lớn là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; tăng tốc, bứt phá để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội 13; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội 14, đưa đất nước bước và kỷ nguyên mới.
"Thời gian không chờ đợi, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang mong chờ. Trọng trách của đất nước đang đặt lên vai chúng ta", ông Lâm nói và đề nghị các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, hoàn thành cả ba nhiệm vụ quan trọng nêu trên.
Chiều 25/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII đối với nguyên Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất đối với mức giảm trừ gia cảnh và số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân tại Tờ trình gửi Chính phủ về xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như hai phương án mà Bộ Tài chính đề ra có thể làm giảm từ 14.000 - 32.000 tỷ đồng GDP trong giai đoạn 5 năm 2026 - 2030.