Một tình huống phức tạp đang hình thành xung quanh vấn đề thuế quan của Tổng thống Trump và có thể khiến Fed rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không biết nên sử dụng công cụ chính sách để kiềm chế lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Trump đang sử dụng thuế quan như một công cụ cho cả chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế nhưng nỗ lực này vẫn còn nhiều ẩn số chưa biết. Trong bối cảnh đó, Fed sẽ phải tìm điểm cân bằng cho chính sách tiền tệ.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán thuế quan sẽ làm tăng giá cả và làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP. Câu hỏi chính của thị trường bây giờ là Fed cần phải điều chỉnh chính sách như thế nào.
“Có thể người Mỹ sẽ gặp phải cú sốc giá và tác động xấu đó có thể được bù đắp khi USD tăng giá so với đồng tiền của các nước bị đánh thuế”, chiến lược gia Kathy Jones của Charles Schwab cho hay.
“Nhưng thực sự thì những tác động dài hạn có xu hướng tiêu cực đối với tăng trưởng. Kết hợp các yếu tố đó lại với nhau, ta thấy Fed thực sự rơi vào tình thế khó xử”, bà Jones nhấn mạnh.
Theo CNBC, tranh chấp thuế quan giữa Tổng thống Donald Trump và ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico đang liên tục có những diễn biến mới.
Cập nhật mới nhất cho thấy Mỹ đã hoãn áp thuế quan lên hàng hoá từ Canada và Mexico sau khi chính phủ hai nước láng giềng đồng ý tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới và nạn buôn ma tuý fentanyl.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực và Bắc Kinh áp thuế đến 15% đối với một số hàng hoá Mỹ để đáp trả.
Thuế quan khiến giá cả tăng cao là nhận định của các nhà kinh tế, dù dữ liệu lịch sử không cung cấp nhiều thông tin. Ví dụ, thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 thực tế gây giảm phát vì chúng góp phần làm trầm trọng thêm Đại Khủng hoảng.
Khi ông Trump áp thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên, lạm phát lúc đó ở mức thấp và Fed phải tăng lãi suất để đạt mức “trung lập”. Một cuộc suy thoái đã xảy ra trong lĩnh vực sản xuất vào năm 2019, dù nó không lan rộng ra toàn nền kinh tế Mỹ.
Lần này, các mức thuế quan nhắm vào từng quốc gia riêng biệt đã được thay thế bằng mối đe doạ về thuế quan phổ quát áp dụng cho tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Điều này được cho là sẽ làm thay đổi cân nhắc của Fed.
Charles Schwab dự đoán khi thuế quan phát huy tối đa sức mạnh, tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm 1,2 điểm % và lạm phát lõi tăng thêm 0,7 điểm %, qua đó kéo thước đo này lên mức 3% trong những tháng tới.
Chiến lược gia Kathy Jones đánh giá: “Tôi có thể thấy Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian dài hơn trong lúc mối đe doạ về thuế quan bao trùm thị trường và giá cả bật tăng đi lên...”
“... sau đó, Fed phải chuyển sang nới lỏng tiền tệ vào cuối năm nay hoặc năm sau hoặc [bất cứ khi nào] tác động của thuế quan đến tăng trưởng kinh tế xuất hiện”, bà nói tiếp.
Vị chuyên gia nói thêm rằng chắn ngay lúc này Fed đang trong tình thế khó khăn vì thuế quan vốn có hai mặt đối lập.
Quả thực, thị trường đa phần kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong ít nhất vài tháng tới khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá tác động thực tế của thuế quan và ảnh hưởng từ ba đợt cắt giảm hồi cuối năm ngoái.
Nếu Mỹ hoặc các nước bị áp thuế lung lay hoặc thuế quan ít gây lạm phát hơn dự kiến, Fed có thể tập trung trở lại vào khía cạnh việc làm trong nhiệm vụ kép của mình và chuyển hướng khỏi những lo ngại về lạm phát.
Theo CNBC, một số chuyên gia tin rằng mặc dù thuế quan có thể khiến một vài mặt hàng tăng giá, chúng sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến bức tranh lạm phát mà Fed đánh giá khi quyết định chính sách. Ông Eric Winograd, Giám đốc nhóm nghiên cứu các thị trường phát triển tại AllianceBernstein, là một trong số đó.
Nhận định trên phù hợp với một số tuyên bố gần đây của giới chức Fed. Các quan chức này cho rằng thuế quan có khả năng chỉ ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách nếu chúng gây ra một cuộc chiến thương mại toàn diện hoặc bằng cách nào đó làm thay đổi các động lực cung hoặc cầu cơ bản.
“Có rất nhiều yếu tố khó lường về chính sách tương lai và nếu không biết chính sách thực tế sẽ như thế nào thì tôi thực sự không thể đánh giá chính xác những tác động có thể xảy ra”, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins chia sẻ với CNBC vào đầu tuần này.
Về mặt chính sách tiền tệ, bà Collins cho biết lập trường hiện tại của mình là “kiên nhẫn, thận trọng và không gấp rút điều chỉnh chính sách thêm nữa”.
Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, sau đó giảm thêm vào tháng 12. Tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi mục tiêu 4,25 - 4,5%.
Giám đốc Winograd cho biết ông nhìn thấy một kịch bản mà Fed có thể giảm lãi suất hai hoặc ba lần trong năm nay. “Vì nền kinh tế Mỹ nhìn chung không hề hấn gì bởi xung đột thương mại, tôi không nghĩ thuế quan sẽ tác động nhiều đến Fed”, ông nói.
Nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại trong năm 2025.
Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua những thay đổi đau đớn, nhưng điều đó không báo hiệu một cú sụp đổ mà là sự tiến hóa.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhà đầu tư bất an vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Quyết định tạm ngừng vận chuyển bưu kiện từ China và Hong Kong Post của USPS có hiệu lực ngay lập tức.