UBND TP HCM vừa ban hành quyết định quy định việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS), dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 21/10/2024.
Đối tượng áp dụng của quyết định này là chủ đầu tư các dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn TP và các tổ chức, cá nhân tham gia chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có trong dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn.
Theo đó, nguyên tắc được đưa ra là các chủ đầu tư không được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Ngoại trừ trường hợp chủ đầu tư có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của TP, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Khoản 1, 2 Điều 45 Luật Đất đai 2024.
Khi thực hiện, các chủ đầu tư có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của TP phải gửi thông báo bằng văn bản đến Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nơi có dự án.
UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, lập hồ sơ theo dõi việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có mục tiêu tái định cư bằng nền đất theo quy định.
Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo, giải quyết khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo đề xuất UBND TP theo thẩm quyền.
Trước đó, Sở Xây dựng TP HCM đã lấy ý kiến trong dự thảo Quyết định của UBND thành phố quy định về xác định các khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây nhà ở tại dự án trên địa bàn thành phố.
Tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo Quyết định quy định chủ đầu tư dự án bất động sản, dự án xây dựng nhà ở trên toàn địa bàn xã, thị trấn, huyện của TP HCM phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà ở theo quy định, sau đó mới thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Điều này có nghĩa là Sở Xây dựng đề xuất UBND TP không cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn tất cả 5 huyện vùng ven là Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ.
Góp ý với thành phố, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng đề xuất trên chưa phù hợp với quy định của luật hiện hành.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 (có hiệu lực từ 1/8) quy định cấm phân lô bán nền với đất thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III. Với các khu vực còn lại, địa phương sẽ xác định các khu vực được lập dự án theo phân lô, bán nền cho cá nhân tự xây nhà ở.
Với quy định này, TP HCM là đô thị đặc biệt thì chỉ có các trường hợp đất thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt gồm 16 quận và TP Thủ Đức thì chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Còn 5 huyện ven là Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ với 5 thị trấn và 58 xã trực thuộc vẫn là khu vực nông thôn, thuộc thẩm quyền quyết định của thành phố. Trong khi đó, theo HoREA, 5 huyện ngoại thành là khu vực mà người dân muốn được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án để tự xây dựng nhà ở.
Do đó, Hiệp hội này đề nghị Sở Xây dựng xem xét trình UBND TP quy định chi tiết việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở tại địa bàn các xã, không bao gồm thị trấn thuộc 5 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật hiện hành.
Startup Coolmate vừa công bố hoàn tất huy động 6 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B.
Cùng là hai “nhân tố” mới trong lĩnh vực F&B, Cơm thố Thiên Phúc và Bún chả Việt đã nhanh chóng tìm ra cơ hội phát triển nhờ tận dụng các chiến dịch quảng bá trên GrabFood.
Việt Nam được đánh giá là thị trường nhỏ với ít nhà đầu tư, tổ chức, ít cơ hội sáp nhập và mua lại.
Áp lực chi phí, chậm chạp trong cuộc cách mạng xe điện khiến nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu rơi vào bế tắc.