Hôm 13/1, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thặng dư thương mại của nước này đạt 992 tỷ USD trong năm 2024, cao nhất từ trước đến nay. Mức thặng dư đó cao hơn 21% so với năm 2023 và được thúc đẩy bởi xuất khẩu kỷ lục và nhập khẩu yếu.
Giá trị các lô hàng hầu như liên tục tăng qua mỗi tháng, vượt qua các mức đỉnh ghi nhận trong giai đoạn đại dịch năm 2022. Nhu cầu mạnh mẽ từ nước ngoài đã hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, bù đắp cho lực cản từ cuộc khủng hoảng bất động sản và tâm lý tiêu dùng ảm đạm.
Trong tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước lên 336 tỷ USD, là mức cao thứ hai trong lịch sử và chỉ thua kém tháng 12/2021, khi nhu cầu của thế giới đối với hàng Trung Quốc tăng mạnh vì COVID-19.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 đạt 3.600 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đi lên 1% trong tháng 12 và tăng 1,1% cho cả năm.
Đây có thể là một trong những giai đoạn tăng trưởng tích cực cuối cùng của thương mại Trung Quốc, ít nhất là trong hoạt động giao thương với Mỹ. Nguyên nhân là Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc khi ông nhậm chức vào tuần tới.
Thuế quan cao của Mỹ có thể sẽ buộc các công ty Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu, khiến làn sóng hàng giá rẻ đổ bộ vào những thị trường khác và gây ra căng thẳng thương mại giữa chính phủ những nước này với Bắc Kinh.
Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, bình luận về số liệu thặng dư thương mại của Trung Quốc: “Rất có thể các nhà xuất khẩu đang dự đoán rằng một cuộc chiến thương mại sẽ nổ ra trong năm 2025 và cố gắng giao hàng sớm để tránh thuế quan sau này. Một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong thời gian tới là chính sách của Washington và phản ứng từ Bắc Kinh”.
Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đạt 49 tỷ USD trong tháng 12 - mức cao nhất trong hơn hai năm - và kéo giá trị cả năm lên 525 tỷ USD.
Dù bán ra nước ngoài lượng hàng hóa kỷ lục, các nhà xuất khẩu Trung Quốc thực chất nhận về ít tiền hơn cho mỗi sản phẩm họ cung cấp. Giá xuất khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm suốt hơn một năm qua trong bối cảnh áp lực giảm phát trong nước mạnh lên, tờ Bloomberg cho hay.
Kết quả là tốc độ tăng trưởng về khối lượng thương mại của Trung Quốc tăng mạnh hơn hẳn giá trị. Dữ liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho thấy tổng khối lượng xuất khẩu tăng 7,3% trong 11 tháng đầu năm 2024, cao hơn mức tăng 5,4% của giá trị xuất khẩu.
Theo tờ CNBC, các nhà kinh tế dự kiến xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong tương lai gần, nhưng triển vọng cả năm 2025 kém lạc quan hơn do mối nguy thuế quan từ Mỹ.
Nhà kinh tế cấp cao Gary Ng của công ty tài chính Natixis chỉ ra trong năm nay, Trung Quốc cần tập trung nhiều hơn cho việc thúc đẩy nhu cầu nội địa khi các động lực tích cực từ bên ngoài suy yếu.
Kể từ cuối tháng 9 năm ngoái, các nhà chức trách Trung Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm lãi suất chính sách, nới lỏng hạn chế mua nhà và công bố chương trình hoán đổi nợ để giảm bớt căng thẳng tài chính của các chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ông Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành tại Teneo, nhận xét các động thái trên vẫn mang tính “thận trọng và kiềm chế”.
Ông viết trong lưu ý ngày 10/1: “Tuy các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc nhận thấy họ cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ vẫn ngần ngại....”
Ông Wildau cho rằng một trong những nguyên nhân Bắc Kinh chưa muốn “bắn phát súng lớn” là do sự không chắc chắn xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ.
Vị giám đốc giải thích: “Các nhà hoạch định chính sách cần tiết kiệm hỏa lực để có thể phản ứng mạnh mẽ nếu thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc gây ra tác động nghiêm trọng”.
Hội nghị thường niên của Airline Economics tại Dublin, Ireland, đã thu hút sự quan tâm của giới tài chính và cho thuê máy bay toàn cầu, những người đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng không.
Quỹ hưu trí của Trung Quốc có nguy cơ cạn kiệt nguồn tiền trong một thập kỷ tới. Và tình hình hiện tại cũng căng thẳng không kém, bởi quỹ này đang phải đối mặt với mối đe doạ mới từ những người lao động trẻ.
Cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu từ năm 2021 đã tạo ra hàng chục triệu căn hộ trống và gây áp lực lớn lên tình hình tài chính của các chính quyền địa phương Trung Quốc.
Chứng khoán Australia đã giảm hơn 1% và hợp đồng tương lai chứng khoán Hong Kong đi xuống vào sớm ngày 13/1.