Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thực chất là cuộc thi đấu của các ứng viên tại 50 tiểu bang và thủ đô Washington. Mỗi bang có quy tắc riêng về cách thức, thời điểm và địa điểm bỏ phiếu. Vì vậy, sự khác biệt giữa các bang sẽ tác động đến thời điểm công bố kết quả.
Do cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay được dự đoán sẽ rất sít sao, có khả năng lần này người Mỹ và cả thế giới sẽ phải mất vài ngày hoặc vài tuần để biết ai là người đắc cử - Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump.
Và trong trường hợp kết quả cuộc bầu cử gây tranh cãi, rất có thể một số sự kiện kịch tính sẽ nổ ra cho tới tận ngày 17/12 (khi các đại cử tri nhóm họp) và thậm chí xa hơn nữa.
Mỗi bang tự ấn định thời gian bỏ phiếu riêng. Các bang đóng điểm bỏ phiếu sớm nhất là Kentucky và Indiana, vào lúc 18h00 ngày 5/11 theo múi giờ New York. Tại những bang khác, cử tri có thể bỏ phiếu xuyên đêm và thậm chí là tới tận 1 giờ sáng ngày 6/11.
Các cuộc bầu cử tổng thống sít sao có thể phải mất vài ngày để biết được kết quả.
Hãng thông tấn AP được đông đảo công chúng Mỹ coi là tổ chức theo dõi kết quả bầu cử theo thời gian thực uy tín dù đây không phải cơ quan của chính phủ. Trong cuộc bầu cử năm 2020, phải mất 4 ngày sau ngày bầu cử 3/11, AP mới tuyên bố ông Joe Biden là người chiến thắng.
Các cuộc khảo sát cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng lần nay nhiều khả năng sẽ còn gay cấn hơn cả 4 năm trước, do đó người Mỹ có thể sẽ phải chờ lâu hơn.
Một số lá phiếu cần nhiều thời gian xử lý hơn bình thường, bao gồm phiếu bầu tạm thời và phiếu bầu qua thư.
Phiếu bầu tạm thời là lá phiếu mà cơ quan kiểm phiếu cần đánh giá lại tính hợp lệ. Chúng bị đánh dấu và để riêng khỏi hòm bỏ phiếu. Sau khi các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa, các nhân viên bầu cử sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.
Nếu phiếu bầu tạm thời được xác định là hợp lệ thì nó sẽ được tính vào kết quả giống như mọi lá phiếu khác, còn không thì loại.
Phiếu bầu gửi qua thư cũng mất nhiều thời gian xử lý. Một số bang quy định phiếu bầu qua thử phải được gửi tới cơ quan kiểm phiếu vào ngày bầu cử, còn những bang khác chỉ cần chúng có dấu bưu điện trước khi điểm bỏ phiếu đóng cửa.
“Ảo ảnh” xuất hiện khi một ứng viên vượt lên dẫn trước đối thủ dựa ở những phiếu bầu đầu tiên. Nếu người dẫn trước là ứng viên Đảng Cộng hòa thì đó gọi là “ảo ảnh đỏ”, ngược lại là “ảo ảnh xanh”.
Pennsylvania là ví dụ sinh động nhất về hiện tượng ảo ảnh trong năm 2020. Vào nửa đêm 3/11, ông Trump dẫn trước ông Biden tại bang này với cách biệt 13 điểm % khi 43% số phiếu bầu đã được đếm.
Nhưng ông Biden dần dần rút ngắn khoảng cách khi các lá phiếu bỏ sớm và phiếu bầu vắng mặt đến nơi. 4 ngày sau, AP xác định người giành được bang này - và chức tổng thống Mỹ - là ông Biden.
Hiện tượng trên đã dẫn tới một số tin đồn và lời cáo buộc vào năm 2020, cụ thể là ông Trump nghi ngờ tính xác thực của những lá phiếu đếm muộn.
Kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ được coi là chính thức sau khi các quan chức bầu cử chứng nhận. Quá trình này có thể mất 5 tuần hoặc hơn nếu gặp thách thức ở tòa án. Song, hầu hết mọi người không muốn đợi lâu như thế.
AP đưa ra tuyên bố về kết quả của tất cả các cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1848. Để làm vậy, hãng thông tấn này phải bố trí khoảng 4.600 phóng viên tại các hội đồng bầu cử trên toàn quốc và họ sẽ cập nhật diễn biến về trụ sở. Ngoài ra, AP cũng thu thập dữ liệu từ các bang và trang web bầu cử địa phương.
Thu thập thông tin về phiếu bầu theo thời gian thực chỉ là bước đầu tiên. Tiếp theo, một nhóm chuyên gia tại AP sẽ tổng hợp dữ liệu thu được với các mô hình lịch sử và kết quả khảo sát tại điểm bỏ phiếu để xác định người chiến thắng tại từng bang.
AP cho biết họ không dự đoán hay dự báo kết quả các cuộc bầu cử, mà họ chỉ đưa ra tuyên bố khi đã chắc chắn rằng ứng viên đang thất thế không còn khả năng xoay chuyển tình hình.
Ngoài cuộc đua vào Nhà Trắng, AP cũng theo dõi các sự kiện khác như kỳ bầu cử Quốc hội Mỹ. Tỷ lệ chính xác của AP là 99,9%, tờ Bloomberg cho hay.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ cũng từng đưa ra tuyên bố sai lầm vì dữ liệu không chuẩn. 4 hãng truyền hình Mỹ từng tuyên bố ông Al Gore chiến thắng bang Florida trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 nhưng sau đó phải vội rút lại lời.
Cuối cùng, ông George W. Bush mới là người giành được bang Florida - và chức tổng thống Mỹ - sau khi cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tuần kết thúc tại Tòa án Tối cao.
Từ 1/1/2025, Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu dựa trên đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine, sau khi thỏa thuận giữa công ty Naftogaz của Ukraine và tập đoàn Gazprom của Nga hết hạn.
Tờ Financial Times đã công bố kết quả khảo sát về xu hướng kinh doanh năm 2025 và các rủi ro trong các ngành công nghệ, đầu tư, ô tô, hàng xa xỉ, năng lượng tái tạo...
Trong một động thái gây tranh cãi, hàng loạt ngân hàng lớn tại Mỹ đã rút khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero, tổ chức do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Quyết định này phản ánh sự giằng co giữa áp lực chính trị, lợi ích kinh tế và các cam kết khí hậu toàn cầu.
Hiện vẫn chưa chắc liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có thúc đẩy đường sắt cao tốc ở Mỹ hay không. Trước đó, ông Trump đã than thở rằng nước Mỹ không có dịch vụ vận tải loại này.