Nợ công của Mỹ liên tục phá kỷ lục trong những năm qua. (Ảnh minh họa: Fox Business).
Nợ công của Mỹ liên tục phá kỷ lục trong những năm gần đây và đã đạt đến con số khổng lồ là 36.214 tỷ USD vào cuối quý I/2025. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính “Đạo luật Thuế To lớn và Đẹp đẽ” của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến nợ công tăng thêm 3.300 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Tỷ phú Elon Musk đã tranh cãi kịch liệt với Tổng thống Trump về đạo luật trên. CEO Tesla tuyên bố đó là “thứ ghê tởm”, “điên rồ” và sẽ dẫn nước Mỹ vào “làn đường cao tốc dẫn đến cảnh nợ nần nô lệ”.
Quan điểm của thị trường dường như nghiêng về phía Musk. Tờ Financial Times ước tính trong quý II, nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu dài hạn của Mỹ với tốc độ nhanh nhất kể từ đỉnh điểm đại dịch COVID-19.
Diễn biến trên phản ánh nỗi lo của giới đầu tư về tình hình tài khóa của Mỹ trong dài hạn. Nợ công của Mỹ đã tăng mạnh kể từ sau năm 2020. Cứ đà này, có thể đến một ngày nào đó nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ mất khả năng thanh toán nợ, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.
Câu hỏi đặt ra là mức nợ công leo cao đến mức nào thì nền kinh tế Mỹ sẽ thực sự gặp nguy hiểm?
Nợ công của Mỹ được chia thành hai nhóm chính, bao gồm nợ nội bộ trong chính phủ (intragovernmental debt) và nợ do công chúng nắm giữ (debt held by the public).
Nợ nội bộ trong chính phủ là khoản nợ mà một cơ quan của chính phủ liên bang vay từ một cơ quan khác. Chúng không tạo ra ảnh hưởng ròng đến tình hình tài chính tổng thể của chính phủ.
Nợ do công chúng nắm giữ là toàn bộ khoản nợ mà chính phủ liên bang vay từ các đối tượng bên ngoài bộ máy chính phủ, bao gồm các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, chính phủ nước ngoài và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng nợ do công chúng nắm giữ - đặc biệt là khi tính theo tỷ lệ so với GDP - là thước đo phản ánh đúng nhất về gánh nặng nợ của Mỹ.
Tính tại thời điểm cuối quý I, tỷ lệ nợ do công chúng nắm giữ/GDP là 96,6%. Tuy thấp hơn tỷ lệ nợ công/GDP là 121%, con số này vẫn rất cao, gần bằng với thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Nợ công không phải lúc nào cũng là điều xấu. Đôi khi việc chính phủ tăng cường vay nợ là lựa chọn đúng đắn, giúp ích lớn cho nền kinh tế.
Ví dụ gần đây nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ Mỹ đã tung ra các gói chi tiêu lớn để hỗ trợ người dân và ngăn chặn khủng hoảng kinh tế. Các khoản chi tiêu này phần lớn được tài trợ bằng nợ.
Nếu các nhà lãnh đạo không làm vậy, rất có thể cuộc suy thoái ngắn trong năm 2020 đã trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn.
Tuy nhiên, nợ công cao cũng gây ra những hậu quả đáng ngại. Thứ nhất, điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đang đưa nhiều tiền cho chính phủ vay thay vì rót vốn vào những lĩnh vực khác.
Ví dụ, thay vì mua trái phiếu kho bạc mà chính phủ phát hành thêm, nhà đầu tư đã có thể dùng hàng nghìn tỷ USD đó để mua cổ phiếu - giúp doanh nghiệp có tiền tái đầu tư.
Nói cách khác, các khoản nợ công không cần thiết khiến nền kinh tế mất đi cơ hội đạt được tiềm năng tăng trưởng tốt nhất.
Theo Wall Street Journal, các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu nợ công đi xuống từ nay đến năm 2050, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ sẽ cao hơn gần 6,7% so với thực tế.
Ngoài chi phí cơ hội, vấn đề lớn nhất của nợ công cao là chi phí trả lãi vay lớn.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, trong 8 tháng đầu năm tài khóa 2025, chính phủ Mỹ phải chi 776 tỷ USD chỉ để trả lãi cho các khoản nợ vay liên bang. Số tiền này còn lớn hơn nguồn lực dành cho quốc phòng.
Ông Douglas Holtz-Eakin, cựu Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chỉ ra: “Chúng ta có quá nhiều nợ, đến mức chúng ta phải đi vay để thanh toán lãi của một số khoản nợ trước đó.
Nói một cách dễ hiểu, điều đó giống như việc một người mở thêm thẻ tín dụng để trả nợ của tấm thẻ cũ. Và khi một người làm thế, rõ ràng anh ta đang gặp rắc rối”.
Nợ công chạm mức nào sẽ gây nguy hiểm đến kinh tế? Đây là câu hỏi mà từ lâu các nhà kinh tế đã cố gắng tìm lời giải.
Một nghiên cứu được đăng tải trong báo cáo “Sovereign Debt and the Financial Crisis” của Ngân hàng Thế giới năm 2010 đã phân tích nợ công của 100 quốc gia trong hơn 30 năm và kết luận rằng “điểm tới hạn” là 77% GDP.
Khi vượt qua ngưỡng này, nợ công có mối quan hệ tiêu cực tuyến tính với tăng trưởng kinh tế. Nói một cách dễ hiểu, khi đó nợ công càng tăng thì tốc độ tăng trưởng GDP càng giảm.
Tuy nhiên, đây không phải là con số cố định cho mọi quốc gia. Ngưỡng này thay đổi đáng kể tùy theo trình độ phát triển kinh tế. Các nền kinh tế mới nổi thường chịu áp lực sớm hơn, với “điểm tới hạn” vào khoảng 64% GDP.
Trái lại, những nền kinh tế lớn hơn có thể duy trì mức nợ cao hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.
Riêng đối với Mỹ, gần đây một số chuyên gia gợi ý rằng nợ công sẽ trở nên thực sự nguy hiểm khi nợ do công chúng nắm giữ leo lên ngưỡng 175 - 200% GDP.
Ông Kent Smetters, Giám đốc bộ phận Mô hình Ngân sách Wharton của Đại học Pennsylvania, cho biết: “Nếu nợ do công chúng nắm giữ vượt qua 175% GDP, tình hình sẽ trở nên rất khó khăn. Và 200% GDP thực sự là ‘giới hạn chết chóc’.
Lý do là một khi nợ công chạm đến ngưỡng đó, chính phủ không thể nào tăng thuế đủ để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán lãi vay”.
Ông Holtz-Eakin đồng ý: “Ở ngưỡng nợ này, chính phủ chỉ còn toàn lựa chọn xấu”.
Đây là điều đã xảy ra với Hy Lạp. Trong suốt nhiều năm, chính phủ nước này chi tiêu vượt quá khả năng của mình, dẫn đến nợ nần và thâm hụt ngân sách tăng vọt. Đến thập niên 2010, nợ của Hy Lạp chạm ngưỡng 175% GDP.
Để tránh vỡ nợ, chính phủ phải xin Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cấp ba gói cứu trợ với tổng giá trị 310 tỷ euro.
Những gói cứu trợ này đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt về tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công và các chương trình phúc lợi. Chúng đã góp phần gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội cho Hy Lạp.
Trong giai đoạn 2010 - 2018, tức khoảng thời gian Hy Lạp nhận các gói trợ cấp, GDP nước này giảm 28%, tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc có lúc vọt lên 27,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ leo lên đỉnh 58,5%.
Hy Lạp từng rơi xuống nhóm những thành viên nghèo nhất của Liên minh châu Âu (EU). Dữ liệu của Eurostat cho thấy trong năm 2014, có tới 21,5% người Hy Lạp sống trong cảnh “thiếu hụt nghiêm trọng về vật chất”.
Tại Mỹ, mức nợ công do công chúng nắm giữ hiện nay vẫn còn cách khá xa giới hạn 175% GDP. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ có thể gặp rắc rối lớn trước khi nợ leo lên đến con số đó - thậm chí bắt đầu từ ngay ngày mai.
Chuyên gia Smetters của Đại học Pennsylvania cảnh báo: “Một khi các thị trường vốn nghĩ rằng Quốc hội và tổng thống Mỹ sẽ không chịu giải quyết vấn đề nợ nần thì mọi thứ sẽ đổ vỡ và chúng có thể đổ vỡ nhanh chóng”.
Nợ của chính phủ Mỹ thường được đánh giá là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất thế giới - đến mức lợi suất tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ba tháng được xem là lãi suất phi rủi ro.
Nhưng khi nhà đầu tư cảm thấy bất an về nền kinh tế Mỹ, họ sẽ yêu cầu mức lợi suất cao hơn - giống như những gì đã xảy ra sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ vào tháng 5.
Bà Natasha Sarin, Giám đốc Yale Budget Lab, dự đoán xu hướng trong tương lai là nhà đầu tư sẽ yêu cầu lợi suất cao hơn để chấp nhận nắm giữ khối nợ ngày càng tăng của chính phủ Mỹ.
JPMorgan ước tính, chỉ cần lợi suất đi lên 1 điểm % thì tiền lãi chính phủ Mỹ phải trả hàng năm sẽ tăng thêm 300 tỷ USD. Cộng với 1.100 tỷ USD tiền trả lãi thường niên và 100 tỷ USD khác từ “Đạo luật Thuế To lớn và Đẹp đẽ”, gánh nặng lãi hàng năm của chính phủ Mỹ sẽ lên đến 1.500 tỷ USD.
Một khi gánh nặng nợ nần trở nên quá lớn, các chính trị gia có thể sẽ tính đến phương án in thêm thật nhiều tiền để trả cả gốc lẫn lãi. Đức từng áp dụng biện pháp này sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, kết quả là lạm phát đã tăng vượt tầm kiểm soát, làm trầm trọng thêm rắc rối kinh tế và gây ra tình trạng bất ổn xã hội.
Ông Holtz-Eakin kết luận: “Mỹ vẫn chưa gặp khủng hoảng… Nhưng tôi luôn nói với mọi người rằng: ‘Đừng thử xem bao giờ nhà đầu tư thế giới sẽ mất kiên nhẫn với núi nợ của Mỹ. Đừng tiến hành cuộc thử nghiệm đó. Hãy giải quyết rắc rối và đừng để khủng hoảng xảy ra’”.
4 cổ phiếu mà tập đoàn của Warren Buffett đang nắm giữ - chiếm khoảng 32,4% danh mục - đang triển khai các kế hoạch AI để nâng cấp hoạt động kinh doanh truyền thống của họ.
Tài sản ròng của CEO Nvidia Jensen Huang đang bám đuổi sát nút với huyền thoại đầu tư Warren Buffett trên các bảng xếp hạng.
Vào ngày 12/7, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ áp thuế quan 30% đối với hàng hoá EU và Mexico, bắt đầu từ ngày 1/8.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ kết thúc tuần với kết quả tiêu cực khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới lên Canada và đe dọa nâng thuế đối ứng tối thiểu lên 15 - 20%.