Theo bảng thông tin được nhiều người chia sẻ, sau khi sắp xếp, 63 tỉnh thành hiện nay sẽ còn 31. Trong đó, các tỉnh sẽ được sáp nhập với nhau để lập tỉnh, thành mới như Hà Nội và Vĩnh Phúc thành Hà Nội; Bắc Ninh - Hải Dương - Hưng Yên thành Bắc Hưng Hải; Hải Phòng - Thái Bình thành Hải Phòng; Nam Định - Hà Nam - Ninh Bình thành Hà Nam Ninh; Hà Giang - Tuyên Quang thành Hà Tuyên...
"Thông tin trên không đúng. Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang được thực hiện theo chế độ mật", Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nói với VnExpress. Ông cho biết Bộ Nội vụ đã đề nghị cơ quan an ninh mạng xem xét, xử lý việc đưa thông tin không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cũng khẳng định "Trung ương chưa có bất kỳ chủ trương, phương án nào về sáp nhập các tỉnh thành". Nghị quyết 37 và kết luận 48 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính đến 2030 chỉ đề cập đến cấp huyện và xã.
Bộ Nội vụ đang xây dựng Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp để trình Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo mới đang trong giai đoạn xây dựng hồ sơ, thu thập tài liệu. Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp phải dựa trên Quy hoạch này. "Chúng tôi chưa có phương án về quy hoạch hay sáp nhập tỉnh nào với tỉnh nào", ông Tuấn nói.
Việt Nam hiện có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương; 705 huyện; 10.595 xã. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tỉnh phải đảm bảo ba tiêu chí gồm quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Tỉnh miền núi, vùng cao phải có dân số từ 900.000, diện tích 8.000 km2; tỉnh ở những nơi khác dân số 1,4 triệu, diện tích 5.000 km2. Đồng thời, tỉnh phải có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó ít nhất một thành phố hoặc một thị xã. Đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng có tiêu chuẩn về dân số và diện tích.
Tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đánh giá phân loại đơn vị hành chính đã giúp các cấp chính quyền địa phương thuận tiện trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội và cơ cấu tổ chức bộ máy, chế độ cho cán bộ, công chức phù hợp. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đơn vị hành chính các cấp từ năm 2016, sửa đổi năm 2022 chưa phù hợp với thực tiễn. Số đơn vị có diện tích nhỏ, dân số ít so với tiêu chuẩn còn nhiều, gây khó khăn cho sắp xếp tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế ở các cấp chính quyền địa phương.
Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.
Giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện và 1.056 đơn vị cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố. Qua đó, cả nước đã giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã. Việc sắp xếp giúp giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 11, Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 với 21 địa phương, trong đó tổng số đơn vị hành chính cấp huyện được sắp xếp là 25, cấp xã 756; giảm được 7 đơn vị cấp huyện, 373 đơn vị cấp xã.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa do mặt hàng này "không có lỗi".
Để bảo vệ quyền lợi người lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề xuất cơ chế tạm ứng từ quỹ bảo hiểm khi doanh nghiệp chậm hoặc không đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Để đa dạng hóa nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng 8 năm trước.
Trước hiện trạng hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử đang tạo sức ép lớn lên hàng hoá sản xuất trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ dòng hàng này.