Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ mới công bố, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) đã bật tăng 0,2% so với tháng trước và 2,3% so với cùng kỳ vào tháng 10. PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Fed.
Cả hai kết quả đều phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones. Tuy nhiên, mức tăng so với cùng kỳ vẫn cao hơn con số 2,1% ghi nhận vào tháng 9.
Nếu không tính giá lương thực và thực phẩm dễ biến động, PCEPI lõi còn tăng mạnh hơn. Cụ thể, chỉ số lõi đã đi lên 0,3% so với tháng trước và 2,8% so với một năm trước.
Cả hai cũng tương ứng với dự báo của các nhà kinh tế, nhưng mức tăng so với cùng kỳ vẫn cao hơn 0,1 điểm % so với kết quả của tháng 9.
Giá dịch vụ là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao khi khoản mục này đi lên 0,4% so với tháng trước. Ngược lại, giá hàng hoá giảm 0,1%. Giá thực phẩm gần như đi ngang, còn giá năng lượng sụt 0,1%.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Tỷ lệ lạm phát tính theo PCEPI đã cao hơn mức mục tiêu này kể từ tháng 3/2021 và đạt đỉnh khoảng 7,2% vào tháng 6/2022.
Từ khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát đã giảm đáng kể. Tuy vậy, đây vẫn là một vấn đề gây khó chịu cho các hộ gia đình và là đề tài nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Bất chấp xu hướng hạ nhiệt trong hai năm qua, lạm phát vẫn gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp.
Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định trong tháng 10, dù suy yếu một chút so với tháng 9. Chi tiêu tăng 0,4% đúng như dự báo của các nhà kinh tế. Trong khi đó, thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 0,6% - cao hơn ước tính 0,3% của giới chuyên gia.
Bản báo cáo được công bố sau khi Fed thực hiện hai đợt giảm lãi suất liên tiếp vào tháng 9 và tháng 11. Tổng cộng, các quan chức đã hạ chi phí đi vay liên ngân hàng 75 điểm cơ bản (bps).
Tại cuộc họp tháng 11, các nhà hoạch định chính sách tỏ ra hài lòng với tốc độ giảm của lạm phát, dù theo hầu hết các thước đo giá cả vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%. Họ nhận định cùng với bức tranh việc làm vẫn khá vững chắc, Fed có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, một số quan chức đã bày tỏ ý kiến thận trọng hơn. Chẳng hạn, Thống đốc Michelle Bowman cảnh báo Fed cần thận trọng không nên cắt giảm lãi suất "quá nhanh” do điều này tiềm ẩn hệ lụy xấu.
Phát biểu tại một hội nghị ở Florida vào ngày 20/11, bà Bowman cho biết trong bối cảnh nền kinh tế vẫn mạnh mẽ, việc hạ lãi suất quá nhanh kéo theo nguy cơ làm bùng nổ áp lực lạm phát trở lại. Do đó, bà cho rằng Fed nên theo đuổi cách tiếp cận cẩn trọng đối với việc cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Trước đó vài ngày, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins cho biết bà không thấy Fed cần phải gấp rút hạ lãi suất, nhưng cũng không loại trừ khả năng các đồng nghiệp giảm lãi suất thêm một lần nữa tại cuộc họp tháng 12.
Thị trường hiện kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất lần nữa vào tháng 12, nhưng niềm tin của các nhà đầu tư đã giảm bớt do lo ngại kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến lạm phát tăng cao.
Xác suất cho đợt giảm vào tháng 12 đã tụt xuống dưới 60% và hiện tại thị trường chỉ hy vọng Fed hạ lãi suất thêm 75 bps cho đến hết năm 2025.
Các công ty vận tải biển trên khắp thế giới đang loay hoay tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động - hệ quả từ xung đột địa chính trị và sự thay đổi của văn hóa.
Vàng, dầu và đồng đều giảm giá kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ngay cả khi kỳ vọng lạm phát đi lên khi nhà đầu tư lo ngại về những chính sách của ông Donald Trump.
Ngay thời điểm mà hầu hết các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục giảm, một báo cáo quan trọng có thể cho thấy lạm phát đang ngày càng rời xa mức mục tiêu 2%.
Mexico và Canada cảnh báo hai nước này có thể sẽ dùng thuế quan để đấu lại thuế quan của Mỹ.