Vĩ Mô 07/11/2024 08:55

Cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chưa như kỳ vọng, giải pháp nào những tháng cuối năm?

Trong 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này thấp hơn 2,7 điểm % so với mức tăng bình quân 10 tháng các năm giai đoạn  trước dịch phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, nhưng chưa cao.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 10 tháng các năm 2020-2024. (Nguồn: TCTK)

Nhìn nhận kết quả này, bà Đinh Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng này thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 10 tháng các năm giai đoạn (2015 - 2019) thời kỳ trước dịch (tăng trên 10%) và tăng cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021 (những năm có dịch), phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, nhưng chưa cao.

Ngoài ra, trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng 77,2%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019 (75,9%) và chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân cư, như: Lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ trọng gia đình; xăng dầu…

Còn doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành và các dịch vụ xã hội khác (như: vui chơi, giải trí…) chiếm tỷ trọng 22,8%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019 (24,1%).

“Điều này phản ánh tiêu dùng của người dân, chi tiêu tiết kiệm hơn (sau dịch), mặc dù nhu cầu tiêu dùng hồi phục, nhưng chưa cao so với thời điểm trước dịch và trong dịch; cơ cấu tiêu dùng cho các dịch vụ xã hội có xu hướng giảm dần”, bà Phương nêu rõ.

Về phía các nhà bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết, sức mua của người dân vẫn duy trì đà tăng trưởng song ở mức thấp.

Đáng chú ý, cơ cấu giỏ hàng tập trung vào các sản phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt cá và các sản phẩm thiết yếu khác như đường sữa, trứng và các loại đồ khô... Còn đối với các mặt hàng gia dụng, điện máy, thời trang có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ. “Đây là xu hướng tất yếu của người dân khi thắt chặt chi tiêu”, ông Tuấn nêu rõ.

Lạc quan mùa mua sắm cuối năm

Tuy vậy, ông Tuấn vẫn lạc quan về sức mua từ nay đến cuối năm khi kinh tế Việt Nam được dự báo cao hơn kỳ vọng và cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tết Cổ truyền của Việt Nam đến sớm hơn mọi năm, gần với mùa Noel và Tết Dương lịch sẽ là cơ hội để tất cả nhà bán lẻ đẩy mạnh khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm.   

Hiện doanh nghiệp cũng đã mở rộng khu vực trưng bày các sản phẩm hàng tết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng đến thăm quan và tiếp cận được những sản phẩm tết. Ngoài các kênh bán hàng offline, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online trên app đi siêu thị GO!, Big C, Tops Market.

 “Chúng tôi làm việc với tất cả các nhà cung cấp và đưa ra sản lượng dự báo đối với tất cả các mặt hàng liên quan đến sản phẩm tết và chúng tôi dự báo tăng trưởng từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tuấn kỳ vọng. 

Còn theo Tổng cục Thống kê, để kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ  tiêu dùng của Việt Nam trong những tháng cuối năm cần triển khai các biện pháp, có hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội.

Cùng với đó, các chính sách tài khoá và tiền tệ, nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí tiêu dùng của người dân; đồng thời thực hiện các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở.

Ngoài ra, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu cầu của người dân, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

Thực hiện có hiệu quả các nền tảng thương mại đang hoạt động, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, mở rộng tiêu dùng nội địa; thúc đẩy sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết cuối năm; vận dụng người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam; tận dụng thị trương hơn 100 triệu dân.

Đặc biệt là thúc đẩy hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

"Đây chính là giải pháp tốt, góp phần thúc đẩy và tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ trong nước, như: Lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; vận tải; bán lẻ hàng hóa... của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024", đại diện Tổng cục Thống kê nêu rõ. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 07/11/2024 11:16
Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức...

Đây là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong Công điện về giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, chậm thi công.

Vĩ Mô 07/11/2024 10:29
Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67 tỷ USD, tốc độ 350 km/h.

Vĩ Mô 07/11/2024 06:55
10 tháng đầu năm: Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng 11,5%, nhiều nhất vào Indonesia

Trong 10 tháng, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài đạt 473,1 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Indonesia là nước dẫn đầu với 127,7 triệu USD, chiếm 27,0% tổng vốn đầu tư.

Vĩ Mô 06/11/2024 20:40
Nhiều đất 'vàng' trung tâm TP HCM bị cho thuê trái quy định

Nhiều nhà, đất công ở trung tâm TP HCM bị đơn vị quản lý cho thuê trái quy định, không qua đấu giá, doanh nghiệp thuê nợ tiền kéo dài, theo Thanh tra thành phố.