Chiều tối ngày 6/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350 km/h và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8.
Theo Bộ trưởng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã đánh giá bối cảnh trong nước, quốc tế và tình hình phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời đã lý do tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chưa được Quốc hội thông qua vào năm 2010 vì còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư.
Cụ thể, quy mô kinh tế tại thời điểm năm 2010 của Việt Nam thấp, GDP chỉ đạt 147 tỷ USD. Tại thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án khoảng 55,8 tỷ USD, tương đương 38% GDP; nợ công ở mức cao, tương đương 56,6% GDP.
“Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần ba lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP. Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn”, Bộ trưởng khẳng định.
Thẩm tra nội dung Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ và thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án.
Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ việc lựa chọn các vị trí ga của dự án vì các ga hành khách tại một số địa phương đang được bố trí nằm ngoài vị trí trung tâm đô thị trong khi đó các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi, thu hút được nhiều hành khách nhất để đảm bảo hiệu quả của dự án.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án, có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là dự án tác động đến nhiều mặt kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, nợ công. Hiện tại, Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được về nguồn vốn, vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án, tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam bắt đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.
Dự án được đầu tư, xây dựng mới với quy mô tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Công trình này được thiết kế nhằm mục đích sử dụng để vận chuyển hành khách, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Cơ quan trình đề xuất hình thức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
GDP của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua trong khu vực. Phân tích GDP theo ngành, sản xuất chế tạo là một trong những lĩnh vực đóng góp chính cho GDP của Việt Nam, chiếm khoảng 25% GDP và là ngành lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Đây là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong Công điện về giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, chậm thi công.
Trong 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này thấp hơn 2,7 điểm % so với mức tăng bình quân 10 tháng các năm giai đoạn trước dịch phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, nhưng chưa cao.
Trong 10 tháng, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài đạt 473,1 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Indonesia là nước dẫn đầu với 127,7 triệu USD, chiếm 27,0% tổng vốn đầu tư.