Tài chính Doanh nghiệp 10/01/2025 21:12

Chân dung tập đoàn Việt Nam muốn rót 1 tỷ USD khai thác bô xít tại Lào

Việt Phương Group không chỉ rót tiền lớn vào các dự án khai thác bô xít lớn tại Việt Nam và Lào mà còn là tập đoàn đa ngành đang đầu tư vào nhiều dự án năng lượng, bất động sản, ngân hàng.

Dự án tỷ USD

Chiều 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã trao phụ lục hợp đồng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với dự án khai thác bauxite và xây dựng nhà máy chế biến alumin tại Lào. Dự án có công suất thiết kế 1 triệu tấn alumin/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, là dự án khai thác mỏ lớn nhất của Việt Nam tại Lào. 

Bộ này cũng trao hợp đồng phát triển 5 dự án thủy điện nhỏ ở huyện Ka Lưm, tỉnh Sekong (tổng công suất 180 MW) cho Việt Phương Group với vốn đầu tư 197 triệu USD.

Thực tế, tập đoàn này đã bắt đầu thăm dò khai thác quặng bô xít tại Sekong (Lào) từ năm 2008. Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, Việt Phương cho biết đã có thể tiến hành khai thác và chế biến quặng bauxite, tiến tới việc sản xuất aluminat. 

 Một đia điểm đầu tư dự án khai thác bô xít của Việt Phương Group. Ảnh: vpg.vn

Sekong là một trong những khu vực nghèo và khó khăn nhất tại Lào. Đến tháng 9/2018, tập đoàn ký Hợp đồng Khai thác và chế biến quặng bauxite và xây dựng nhà máy sản xuất aluminat với Chính phủ Lào, trên diện tích gần 100 km2. 

Phía doanh nghiệp cho biết dự án không chỉ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và phát triển mạng hạ tầng cơ sở có liên quan của hai nước mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản bô xít, đặc biệt là tại tỉnh Sekong. 

Theo ước tính của Việt Phương Group, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời giúp đóng góp cho ngân sách của tỉnh hàng triệu USD mỗi năm.

Không chỉ rót vốn lớn vào Lào mà tập đoàn này cũng có kế hoạch tham vọng tại Việt Nam. Từ năm 2022, Việt Phương đã xin chủ trương đầu tư dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong tại cụm alumin Đắk Nông 2. Diện tích khoảng 600 ha, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm và 600.000 tấn nhôm/năm.

Từ khoáng sản, năng lượng đến bất động sản, ngân hàng

Thực tế khai thác bô xít chỉ là một phân khúc trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa ngành Việt Phương Group. Bốn trụ cột chính là tài chính ngân hàng, khoáng sản, năng lượng và bất động sản. 

Trong mảng khoảng sản, Việt Phương sở hữu các dự án trải rộng từ Bắc vào Nam với những mỏ khoáng sản quy mô lớn tại Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào). Chủ yếu là cát trắng, bô xít, đất hiếm, thạch anh...

Ngoài các dự án bô xít thì tập đoàn sở hữu mỏ cát trắng Phong Điền (Huế) với trữ lượng 27 triệu tấn, công suất khai thác hơn 1 triệu tấn/năm. Công ty thành viên MINCO khai thác 180.000 nghìn tấn cát và kính xây dựng/năm tại Quảng Nam. 

 Bốn mảng kinh doanh chủ lực của Việt Phương Group. Ảnh: vpg.vn

Mảng năng lượng của Việt Phương cũng phát triển rộng rãi trên các khía cạnh thủy điện, điện khí, điện mặt trời, điện gió. Một số dự án nổi bật như Thủy điện Nậm Be (Lai Châu), Thủy điện Tà Niết (Sơn La), Thủy điện Chấn Thịnh (Yên Bái), Thủy Điện A Vương 3 và 5 (Quảng Nam)...

Việt Phương Group còn xuất hiện tại Công ty CP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (Mã: TTE) - chủ sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên như Tà Vi, Đăk Bla 1, Đăk Ne, Đăk Pia và dự kiến đầu tư năng lượng tái tạo.  

Tập đoàn còn tham gia lĩnh vực bất động sản với dự án đầu tay là Sơn Trà Resort & Spa (Đà Nẵng) thông qua Công ty CP Sơn Trà, sau đó còn tham gia xây dựngTòa thị chính Viêng Chăn (Lào) hay có liên quan đến Capella Group. 

Với lĩnh vực tài chính, Việt Phương là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB). Tập đoàn này đang sở hữu trực tiếp 12,21% vốn điều lệ và các bên liên quan nắm 7,63% (tính đến tháng 10/2024). 

Việt Phương Group được thành lập từ năm 1996, chuyển sang mô hình CTCP từ năm 2007. Vốn điều lệ tập đoàn đến cuối 2022 là 6.800 tỷ đồng, được biết đến là cơ ngơi riêng của doanh nhân Phương Hữu Việt (sinh năm 1964).

Ông Việt từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VietABank từ tháng 9/2011 đến 9/2021. Sau hơn một thập niên điều hành, ông “nhường ghế” cho cháu mình là ông Phương Thành Long. Ông Việt vẫn là nhà đầu tư chủ chốt nắm trực tiếp 4,55% vốn VietABank, nằm chung nhóm liên quan đến Việt Phương Group.

Huy Lê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 10/01/2025 20:10
BĐS An Gia bị phạt do tự ý đổi phương án sử dụng vốn

Cơ quan quản lý buộc doanh nghiệp phải được Đại hội đồng cổ đông gần nhất thông qua việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2022.

Tài chính Doanh nghiệp 10/01/2025 19:32
Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long

Ngày 10/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, thi hành lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hoàng Anh Đức, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Tài chính Doanh nghiệp 10/01/2025 14:01
Công ty dược đầu tiên báo cáo quý IV: Doanh thu và lợi nhuận kỷ lục

Công ty liên kết của Imexpharm ghi nhận doanh thu đạt 793 tỷ đồng và có lãi 49 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9% và 12%, đều là mức kỷ lục.

Tài chính Doanh nghiệp 10/01/2025 10:56
SCS lập kỷ lục sản lượng

Công ty dịch vụ hàng không này ghi nhận 267.369 tấn hàng hóa thông qua, tăng gần 41% so với 2023 và vượt 8% kế hoạch năm.