Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters).
Theo hãng tin Bloomberg, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các thoả thuận thương mại toàn diện thường phải mất nhiều tháng, thậm chí có thể kéo dài đến nhiều năm để hoàn thiện.
Đây là khoảng thời gian mà các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ không có vì hàng hoá mà họ xuất khẩu sang Mỹ sẽ sớm phải đối mặt với mức thuế gần 25% sau hai tháng nữa. Các lô hàng của Việt Nam cũng sẽ sớm chịu mức thuế 46% và Thái Lan bị áp thuế 36%.
Có thể các nước châu Á sẽ tìm kiếm những thoả thuận tạm thời với quy mô nhỏ hơn nhằm ngăn chặn thuế quan đối ứng trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 7. Điều đó cũng sẽ giúp Tổng thống Trump có cơ hội ca ngợi về thành công nhanh chóng trong chính sách thương mại của mình.
Phát biểu trên một chương trình của ABC News vào ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Mỹ có 18 đối tác thương mại quan trọng, bao gồm cả Trung Quốc đang trong quá trình “đàm phán đặc biệt”.
Đối với 17 đối tác còn lại, ông Bessent tiết lộ: “Chúng tôi có sẵn một quy trình để đàm phán với họ trong 90 ngày tới. Một số cuộc đàm phán đang tiến triển rất tốt, đặc biệt là các nước châu Á”.
Tuần trước nữa, ông Bessent lưu ý Mỹ và Hàn Quốc có thể sớm đạt một “thoả thuận hiểu biết” về thương mại. Ở chiều ngược lại, các quan chức Hàn Quốc coi đầu tháng 7 là thời hạn ban đầu cho bất kỳ thoả thuận cụ thể nào để chí ít có thể đạt được một số miễn trừ thuế quan.
Seoul khó có thể kỳ vọng nhiều hơn. Mỹ và Hàn Quốc đã ký một thoả thuận thương mại tự do vào năm 2007. Hai bên mất hơn một năm để đàm phán và đến năm 2011 Quốc hội Mỹ mới phê chuẩn thoả thuận. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, hai bên phải đàm phán thoả thuận lại một lần nữa.
Đối với Hàn Quốc, tiến triển trong cuộc đàm phán lần này có thể liên quan đến những gì mà họ có thể đưa ra để thoả mãn yêu cầu của chính quyền ông Trump: thúc đẩy người Hàn mua thêm hàng hoá Mỹ, hạ thấp rào cản phi thuế quan và rót thêm vốn vào Mỹ.
Chia sẻ với báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Bessent, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cho hay: “Chúng tôi đã thể hiện thiện chí và ý định hợp tác trong các lĩnh vực mà Mỹ quan tâm hàng đầu như thương mại, đầu tư, đóng tàu và năng lượng”.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Nhật Bản từng dành hơn một năm để đàm phán thoả thuận thương mại với Mỹ.
Ông Ryosei Akazawa, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tokyo, cho biết hai nước vẫn chưa thống nhất về phạm vi đầy đủ của cuộc đàm phán lần này. Dự kiến trong vài ngày tới, ông Akazawa sẽ có chuyến công tác thứ hai đến Washington để đàm phán thuế quan.
Truyền thông địa phương đưa tin Nhật Bản đang cân nhắc mua thêm ngô và đậu nành Mỹ, đồng thời chuẩn bị tài liệu để nhấn mạnh kế hoạch đầu tư vào Mỹ của các hãng xe nước này.
Các quan chức Nhật Bản cho biết họ hy vọng ông Bessent và các nhà đàm phán khác có thể giúp hai nước đạt thoả thuận. Song, phía Tokyo vẫn thận trọng về việc họ có thể thuyết phục ông Trump hay không.
Mặt khác, Nhật Bản có ý định sẽ phản đối mọi nỗ lực của Mỹ nhằm đưa nước này vào một khối liên minh kinh tế chống lại Trung Quốc vì mối quan hệ thương mại sâu sắc giữa Tokyo và Bắc Kinh, Bloomberg lưu ý.
Ấn Độ có lẽ là nền kinh tế đang ghi nhận tiến triển tích cực nhất trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Theo các nguồn tin của Bloomberg, hai bên đã nhất trí về 19 lĩnh vực cần đàm phán, bao gồm việc mở rộng thị trường cho hàng hoá và dịch vụ Mỹ cũng như các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ.
Một khuôn khổ đàm phán đã được hoàn tất sau cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tuần trước. Sau đó, phía Mỹ cho biết hai bên đã đạt được “tiến triển đáng kể” hướng tới một thoả thuận thương mại song phương.
Giữa lúc đó, các nền kinh tế Đông Nam Á đã đề nghị mua thêm nông sản Mỹ như thịt, đậu nành và trái cây tươi; đồng thời nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên của Mỹ. Họ cũng cam kết giảm thuế quan đối với một loạt hàng hoá Mỹ như thép, đồ điện tử và ô tô.
Việt Nam cũng có thể xem xét mua máy bay chiến đấu Lockheed F-16 của Mỹ như một phần của thoả thuận thương mại, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc đàm phán thương mại không thể chỉ một chiều. Indonesia và Thái Lan là hai nền kinh tế Đông Nam Á đang nhấn mạnh điều này.
Bộ trưởng Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto cho biết vào ngày 25/4 rằng Jakarta cũng sẽ đảm bảo lợi ích trong nước khi Mỹ yêu cầu được thâm nhập sâu hơn vào thị trường địa phương, bãi bỏ quy định về đầu tư và hợp tác trong các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
Một ngày trước đó, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bày tỏ: “Chúng tôi sẽ tiếp cận các cuộc đàm phán với suy nghĩ chúng tôi sẽ trao cho họ thứ gì đó nếu họ cũng sẵn lòng trao cho chúng tôi thứ gì đó”.
Trong lúc Mỹ - Trung đang bế tắc và các nền kinh tế châu Á dự tính sẽ đi nhanh hơn, các đối tác thương mại của Mỹ tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu vẫn đang cố gắng xác định những thông tin cơ bản nhất.
Các thông tin đó bao gồm phạm vi đàm phán và ai đang cầm trịch chính sách thương mại tại Washington. Nhìn chung, họ có vẻ không quá bận tâm về tốc độ đàm phán thuế quan.
Đối với các nền kinh tế Bắc Mỹ và châu Âu, có những rủi ro khi cố gắng đi nhanh. Hơn nữa, trong bối cảnh ông Trump tỏ ra thiếu kiên nhẫn với phản ứng kiên quyết của Trung Quốc, một số ý kiến cho rằng kiên nhẫn là cách tiếp cận thận trọng hơn.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã rời khỏi các cuộc thảo luận hồi giữa tháng 4 vì cho rằng không cuộc đàm phán nào có thể thuyết phục Mỹ từ bỏ mức thuế đối ứng 10%. Họ cũng nhận thấy Mỹ có thể tăng gấp đôi thuế quan nếu hai bên không đạt được tiến triển nào sau khi 90 ngày gia hạn kết thúc.
Suy nghĩ đó có thể khiến Brussels phải đáp trả, bao gồm cả việc áp thuế quan trả đũa mức thuế 25% mà Mỹ đánh lên thép và nhôm nhập khẩu cũng như việc công bố các hạn chế đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Anh phải chịu mức thuế đối ứng 10% nhưng có vẻ họ không vội vàng. Phát biểu tại Washington vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rachel Reeves cho biết hai bên “có thể đạt một thoả thuận” nhưng “không cần vội vàng”.
Canada cũng sẽ thong thả hơn. Thủ tướng Canada Mark Carney nhấn mạnh với các phóng viên vào ngày 24/4: “Chúng ta không cần phải đạt một thoả thuận trong ngắn hạn. Chính phủ sẽ chốt một thoả thuận phù hợp”.
Trong số các quốc gia châu Âu, chỉ Thuỵ Sỹ phải vội vàng vì hàng hoá của họ đang đối mặt với mức thuế đối ứng 31%. Chính phủ Thuỵ Sỹ cho biết họ là một trong 15 quốc gia sẽ nhận được “một số ưu đãi” sau khi đồng ý đàm phán với chính quyền ông Trump.
Tổng thống Thuỵ Sỹ Karin Keller-Sutter lưu ý thuế đối ứng sẽ duy trì ở mức 10% trong quá trình đàm phán, ngay cả khi thời hạn 90 ngày kết thúc.
Vào khoảng giữa tháng 5, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ bắt đầu chứng kiến tình trạng khan hiếm hàng hóa và làn sóng sa thải nhân viên trong các lĩnh vực vận tải, logistic và bán lẻ.
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, các biện pháp thuế quan sâu rộng sẽ giúp giảm thuế thu nhập cho người có thu nhập dưới 200.000 USD/năm.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vướng vào cuộc chiến thương mại leo thang do các mức thuế quan mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc, lên tới mức 145% đối với nhiều mặt hàng.
Theo giới chuyên gia và doanh nghiệp, các nhà máy tại Trung Quốc đang phải tạm dừng sản xuất và tìm kiếm những thị trường mới khi chính sách thuế quan của Mỹ bắt đầu có tác động.